Cách nào để hàng không sống sót?

Hạnh Nhân 29/11/2020 07:34

Giới chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh để sống sót và hồi sinh các hãng hàng không dứt khoát phải đồng hành cùng du lịch. PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, Viện Kinh tế - Xã hội và Công nghệ cho rằng: Khách du lịch thực sự là đối tượng phục vụ đông đảo của ngành hàng không, quyết định mở mới hoặc duy trì các đường bay đã có...

Dự báo 3 năm nữa mới phục hồi

Không phải là diễn đàn để các hãng hàng không “than khóc” hay “kêu cứu” trước những khoản lỗ khủng hàng ngàn tỷ đồng do dịch bệnh Covid-19, Hội thảo quốc gia “Vượt qua khủng hoảng phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam” do Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam và Viện Kinh tế - Xã hội và Công nghệ vừa tổ chức tại Hà Nội đã đưa ra những giải pháp khá thực tế nhằm sớm “hồi sinh” thị trường hàng không.

Theo nhận định của Viện Kinh tế - xã hội và công nghệ, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ngành hàng không Việt Nam đã có sự giảm sút rất mạnh, nhất là trong quý I và đầu quý II năm nay. Khi hoạt động của ngành bắt đầu phục hồi, đợt bùng phát thứ 2 của dịch bệnh lại một lần nữa tác động tiêu cực tới hoạt động của hàng không. Đợt bùng phát này rơi đúng vào thời kỳ cao điểm của ngành du lịch và hàng không khiến tác động của nó rất lớn, dù diễn ra trong thời gian ngắn hơn so với đợt 1.

Thống kê cho thấy, đến hết tháng 10/2020, số chuyến bay thương mại của Việt Nam chỉ bằng 66% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu tính riêng từ tháng 4 đến hết tháng 10/2020, số các chuyến bay thương mại ở Việt Nam chỉ bằng 52% so với cùng kỳ năm 2019. Ở những tháng dịch bệnh bùng phát tỷ lệ này chỉ bằng 13% vào tháng 4/2020 hoặc 28% vào tháng 9/2020.

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) Phạm Văn Hảo cho biết: Theo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) sẽ có 2 kịch bản phát triển cho ngành hàng không. Kịch bản thứ nhất, hàng không sẽ phát triển theo mô hình chữ V sụt giảm theo đáy và phát triển nhanh trở lại. Còn kịch bản 2, hàng không sẽ phát triển mô hình chữ U quy luật sẽ giảm xuống đáy và kéo dài từ 3-5 tháng đi kèm suy giảm kinh tế, dự báo thị trường hàng không sụt giảm 48-71% tùy theo diễn biến dịch bệnh.

Theo ông Hảo, hàng không Việt Nam sẽ theo kịch bản thứ nhất, đó là từng bước phục hồi theo mô hình chữ V. Hiện, Cục Hàng không Việt Nam đang phối hợp với các hãng nghiên cứu trình Chính phủ mở lại chuyến bay quốc tế đến nước ta với mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không mở cửa ào ạt hay vì kinh tế mà bỏ qua dịch bệnh.

Ông Hảo dự báo, thị trường hàng không mất tới 3 năm mới phục hồi về mức như năm 2019, và theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), hàng không Việt Nam thiệt hại khoảng 4 tỷ USD trong năm nay.

Cũng kể từ khi dịch bệnh bùng phát gây bất lợi cho hàng không, đẩy hàng không vào thế khó chồng khó. Nhà nước đã có những biện pháp can thiệp giúp ngành thích ứng với bối cảnh mới và có thể mau chóng phục hồi, từ việc tạo môi trường thuận lợi, thích ứng với tình hình dịch bệnh cho tới hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là các hãng hàng không. Tuy nhiên ngành hàng không đang cần một chính sách tổng thể của Nhà nước để có thể thích ứng tốt hơn với bối cảnh khủng hoảng và mau chóng phục hồi, phát triển trở lại.

Đồng hành cùng du lịch

Cũng tại diễn đàn Hội thảo quốc gia “Vượt qua khủng hoảng phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam”, giới chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh việc hồi sinh các hãng hàng không dứt khoát phải đồng hành cùng du lịch.

Như PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, thị trường nội địa đang là chỗ dựa quan trọng và các hãng có thể tìm cách phát triển, do đó cần kích hoạt thị trường nội địa hàng không cũng như du lịch tạo nên sức cầu nội địa.

Các hãng bay cần hạn chế cạnh tranh kiểu “triệt hạ” lẫn nhau

Trước khó khăn của ngành hàng không, PGS. TS Nguyễn Văn Phúc, Viện Kinh tế - Xã hội và Công nghệ, nêu quan điểm: Một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay, khi các DN đang gặp khó khăn về nhiều mặt, cần quán triệt hạn chế đến mức cao nhất sự cạnh tranh nội bộ giữa các hãng hàng không Việt Nam, đặc biệt là những hoạt động cạnh tranh có tính chất “triệt hạ” lẫn nhau. Mặt khác, tích cực tìm kiếm các nguồn tín dụng và các gói hỗ trợ từ nhiều nguồn trong nước và quốc tế để khắc phục khó khăn trước mắt.

Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc (Viện Kinh tế - Xã hội và công nghệ) cho rằng: Khách du lịch thực sự là đối tượng phục vụ đông đảo của ngành hàng không, quyết định mở mới hoặc duy trì các đường bay đã có.

Do vậy việc xúc tiến du lịch cần được coi như một biện pháp xúc tiến thương mại của chính bảnh thân các DN hàng không. Tuy nhiên, về tổng thể cần có sự điều tiết để việc xúc tiến được thực hiện một cách tập trung, có trọng điểm (trước hết là ở những nước trước đây có đông khách tới du lịch Việt Nam) để có kết quả thiết thực và đảm bảo hiệu quả của công tác xúc tiến du lịch.

“Mạng lưới phân phối và đại lý bán vé của các hãng hàng không Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là những nước được coi có tiềm năng lớn nhất về lượng khách du lịch, cần tích cực tham gia những hoạt động này”- TS Phúc lưu ý.

Đồng quan điểm, TS Hồ Thị Hoà, Học viện Tài chính nhìn nhận, để “hồi sinh” ngành hàng không cần kích thích du lịch đồng hành. Việc thúc đẩy mở rộng các điểm đến du lịch nội địa là một trong những giải pháp tất yếu và quan trọng trong thời điểm này.

Cùng với việc đưa ra các chương trình ưu đãi, các DN, địa phương cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đồng thời triển khai nhanh các chương trình khuyến mãi, hỗ trợ khách. Có như vậy hàng không cũng như du lịch mới có thể phục hồi trong những tháng cuối năm 2020.

Ở một góc nhìn khác, TS Nguyễn Thị Nhung (Học viện Tài chính) đề xuất, các hãng hàng không cần có chiến dịch marketing tác động vào khách hàng nội địa, sử dụng truyền thông, mạng xã hội và quảng cáo. Tập trung vào đối tượng khách trẻ nội địa đã đi làm, ít bị tác động bởi tâm lý sợ hãi và đang bị kìm nén nhu cầu do thời gian giãn cách xã hội thông qua các chương trình khuyến mãi đặc biệt.

Xây dựng các gói kích cầu thị trường truyền thống. Xây dựng và đẩy mạnh chiến dịch truyền thông giai đoạn phục hồi thông qua chương trình hỗ trợ ưu đãi và cam kết đặc biệt đối với khách ở thời điểm hậu Covid-19.

Góp tiếng nói từ địa phương, PGS.TS Bùi Quang Bình (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ, cần xác định phục hồi và phát triển ngành hàng không chính là phát triển kinh tế Việt Nam. Hàng không là hạ tầng cung cấp dịch vụ cho phát triển kinh tế.

Việc phục hồi và phát triển ngành không chỉ cho chính sự tồn của ngành mà còn đóng góp cho nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế khác đặc biệt là du lịch Việt Nam. Do đó, kết quả của phục hồi và phát triển hàng không còn giúp cho nhiều tỉnh thành địa phương có thể phục hồi kinh tế trong ngắn hạn và phát triển trong dài hạn.

Còn theo ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, yêu cầu cấp bách của ngành hàng không hiện nay là duy trì hoạt động nên việc kích cầu du lịch để tăng cầu cho dịch vụ vận chuyển hàng không hiện phải tập trung vào những chương trình hành động, những cơ sở hạ tầng đem lại tác động nhanh chóng.

Đương nhiên, ông Bùi Doãn Nề nhấn mạnh, những biện pháp này cần được gắn với việc kiểm soát các hoạt động du lịch tốt hơn nhằm tránh tình trạng lạm dụng chính sách, đặc biệt là sự “lách luật” để thu lợi bất chính từ phía một số DN du lịch nước ngoài. Hơn nữa, việc thúc đẩy du lịch trong nước cũng cần gắn với các biện pháp kiểm soát khách du lịch, tránh tình trạng nhập cảnh trái phép, không khai báo dịch bệnh khiến nguy cơ lây nhiễm và lan dịch bệnh ra cộng đồng.

“Ở phạm vi rộng hơn, đồng hành với du lịch bao hàm các chính sách kích cầu kinh tế, thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế để tăng cầu đối với dịch vụ vận chuyển hàng không. Nó không chỉ giúp ngành hàng không phát triển vững chắc trở lại mà còn phát huy tác động tích cực tới nhiều khía cạnh khác” - ông Bùi Doãn Nề tin tưởng.

Ông Bùi Doãn Nề.

Phát triển du lịch gắn với kiểm soát dịch bệnh

Ông Bùi Doãn Nề nhấn mạnh, những biện pháp này cần được gắn với việc kiểm soát các hoạt động du lịch tốt hơn nhằm tránh tình trạng lạm dụng chính sách, đặc biệt là sự “lách luật” để thu lợi bất chính từ phía một số DN du lịch nước ngoài.

Hơn nữa, việc thúc đẩy du lịch trong nước cũng cần gắn với các biện pháp kiểm soát khách du lịch, tránh tình trạng nhập cảnh trái phép, không khai báo dịch bệnh khiến nguy cơ lây nhiễm và lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Hạnh Nhân