Làm sạch môi trường đại học

Hà Trọng Nghĩa 29/11/2020 15:00

Trong tuần, vụ “bằng giả” tại Trường Đại học Đông Đô gây bức xúc và quan ngại. Việc mua bán bằng cấp vẫn râm ran trong dư luận lâu nay, thì đây, con số bằng giả quá lớn, số người dùng bằng giả để hòng có được học vị tiến sĩ quá lớn đã phơi bày.

Cơ quan Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can tại Trường Đại học Đông Đô. Ảnh: PLO.

Vụ việc mua bán bằng tại Trường Đại học Đông Đô có thể nói là khủng khiếp vì nó làm băng hoại xã hội ngay ở nơi phải sạch sẽ nhất. Đó là môi trường học đường bậc cao. Chỉ một trường đại học mà cơ quan điều tra Bộ Công an đã phanh phui tới gần 200 tấm bằng giả thì vấn đề là rất nghiêm trọng. Chỉ riêng ở trường này đã có tới 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh hoặc không đủ điều kiện. Tới nay đã thu được 177 bằng giả.

Tuy nhiên, cũng không thể nói rằng ngoài số bằng giả đã được phát hiện thì các loại bằng khác được trường này cấp lại không có bằng giả. Trong số bằng giả đã bị phát hiện ở Đại học Đông Đô, có 55 người dùng bằng giả để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ. 5 trường hợp còn lại thì có 1 người làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 thi tuyển công chức và 2 người kê khai hồ sơ cán bộ. Cũng không hề vô lý khi đặt vấn đề, rằng ngoài Đông Đô thì còn những đại học nào nữa cũng bán bằng giả thông qua nhiều hình thức mở lớp nhằm hoàn chỉnh văn bằng cho quá nhiều người có nhu cầu, như đã thấy và đến nay vẫn không chấm dứt.

Vì sao người ta lại đua nhau đi mua bằng, chứng chỉ? Xử lý các đối tượng bán bằng thế nào? Đó là vấn đề của những bài viết khác. Ở đây chỉ đặt câu hỏi xử lý thế nào với những người dùng tiền mua bằng cấp, để tiến thân một cách không chính đáng.

Trước tiên, xin được đề nghị, chỉ riêng với Đại học Đông Đô thôi, cơ quan chức năng cần rà soát, kiểm tra lại tất cả các loại bằng mà trường này đã cấp, không chỉ với bằng ngoại ngữ. Vì rằng, họ đã dám bán một loại văn bằng thì cũng hoàn toàn dám bán nốt tất cả các loại văn bằng khác mà mình có quyền cấp.

Tiếp đó, cũng xin được đề nghị với những văn bằng đã xác nhận chính xác là giả thì phải tiến hành thu hồi, tiêu hủy tức thì vì nó bất hợp pháp.

Còn, với những người “mua bằng”, cần công bố rõ tên tuổi, địa chỉ nơi làm việc. Trong trường hợp người đó đang là cán bộ, công chức, viên chức thì phải đề nghị cơ quan quản lý xử lý lập tức. Quy trình xử lý kỷ luật hoàn toàn có thể rút ngắn, vì đó là những người không có tư cách.

Xin được nói ngay, đối với cán bộ, công chức, viên chức sử dụng bằng giả để được tuyển dụng, bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm vào chức vụ thì căn cứ Điều 12, Điều 13, Điều 19 Nghị định số 112/2020 có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; hoặc hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức, viên chức.

Cách xử lý bước đầu và xử lý ngay cũng được ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ tán đồng. Theo ông Dĩnh, đối với những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức sử dụng văn bằng giả để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ… thì trước hết cần huỷ bỏ kết quả, thu hồi những văn bằng này. Bước thứ hai là xử lý kỷ luật về mặt cán bộ, công chức, viên chức có hành vi gian dối.

Ở khía cạnh khác, theo luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội) thì trong trường hợp này, các chứng chỉ giả Đại học Đông Đô cấp sẽ bị thu hồi. Mà như vậy, trong hồ sơ của người sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ sẽ thiếu các văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ. Mà như vậy thì người đó không đủ điều kiện đầu vào hoặc không đủ điều kiện để nhận bằng tiến sĩ. Còn thì, với người sử dụng bằng giả, theo quy định của pháp luật hiện hành chỉ phạt từ 7 đến 10 triệu đồng là quá nhẹ, không đủ răn đe. Rất cần có sự điều chỉnh của luật theo hướng tăng nặng.

Cũng vì thế mà theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TPHCM), trong trường hợp chứng minh được những người mua bằng biết các văn bằng, chứng chỉ đó là giả nhưng vẫn sử dụng (ví dụ họ được cấp bằng khi không thông qua đào tạo tuyển sinh, không đến lớp học, không qua thi tuyển hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng), thì họ có thể phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015. Những người này nhận thức được hành vi không qua xét tuyển, không qua đào tạo nhưng vẫn được cấp bằng là trái pháp luật nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó, sử dụng tài liệu, giấy tờ giả đó vào mục đích lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân để đạt được mục đích của bản thân.

Còn theo luật sư Nguyễn Văn Đức (cũng thuộc Đoàn luật sư TP HCM) thì theo Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư 08/2017 ngày 4/4/2017 của Bộ GDĐT, đối với người dự tuyển tiến sĩ, văn bằng, chứng chỉ về trình độ ngoại ngữ là điều kiện bắt buộc trước khi xét tuyển. Do vậy đối với những trường hợp sử dụng văn bằng của Trường Đại học Đông Đô bị cơ quan có thẩm quyền kết luận là giả thì những trường hợp đã trúng tuyển và được cấp bằng tiến sĩ, thuộc trường hợp phải thu hồi, hủy bỏ; đồng thời phải bị xem xét xử lý về hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.

*

* *

Vụ việc mua bán bằng xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô chắc chắn sẽ không dừng lại ở việc công bố 193 người được trường này cấp bằng không qua tuyển sinh, hoặc không đủ điều kiện mà sẽ còn tiếp tục, không thể chìm xuồng. Đã lâu rồi, nạn bằng cấp chứng chỉ, mua bán bằng cấp đã làm nhức nhối xã hội. Thật không thể hình dung được chỉ với riêng một trường đại học thôi mà đã tiếp tay cho 55 đối tượng làm tiến sĩ. Chỉ vì đồng tiền, họ đã đẩy vào xã hội hàng loạt “tiến sĩ giấy”. Nếu không bị phát hiện, thì thử hỏi chỉ riêng trường này thôi sẽ còn bắt xã hội phải chịu đựng thêm bao nhiêu kẻ khoác lác học hàm học vị nữa?

Mà cũng không chỉ dừng lại ở tấm bằng để vênh váo, để hù dọa mà chính những tấm bằng mua bán bằng tiền đó sẽ là bệ phóng cho những kẻ thiếu đạo đức, dốt nát chiếm đoạt những vị trí “béo bở”, vừa có tiền vừa có quyền. Mà như thế nó cũng sẽ gạt ra bên ngoài những người có tư cách, có lòng tự trọng khi họ sống theo lẽ đời chứ không sống theo thói đời, đó là “giấy rách phải giữ lấy lề”, không chấp nhận mua bằng cấp, mua chứng chỉ.

Hà Trọng Nghĩa