Giải tỏa ức chế tâm lý học đường
Tuổi học đường là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý nên rất nhạy cảm với những tác động xung quanh. Các em dễ bị ảnh hưởng bởi những áp lực, suy nghĩ, lối sống tiêu cực dẫn đến tâm lý bi quan, chán nản, thậm chí là ý nghĩ tự sát. Các cha mẹ và nhà trường cần có sự quan tâm, chia sẻ để tránh xảy ra những nguy hại do chứng trầm cảm gây ra.
Tự tử vì bị phê bình…
Thông tin từ TS.BS Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Hiện tại, Khoa Sức khỏe Vị thành niên của bệnh viện đang điều trị cho một bạn nữ 13 tuổi. Cô bé không hợp bố mẹ và chỗ dựa tinh thần chính là anh trai. Nhưng cách đây vài tháng, anh trai đã sang nước ngoài học tập khiến bạn ấy bị chuếnh choáng, rơi vào trạng thái trầm cảm và từng có ý tưởng tự sát. Hiện khoa đã làm can thiệp tâm lý cho bạn gái được một thời gian và kết quả được gia đình phản hồi rất tốt, tâm trạng của bạn cải thiện, điểm một số môn tốt hơn.
Khoảng 1,5 tháng trước, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận một học sinh nữ bị cô giáo phê bình ở trên lớp về việc nói chuyện, làm việc riêng. Em học sinh này cho rằng mình không làm mà cô phản ánh. Bên cạnh đó, gia đình em cũng có một chút bất ổn từ lâu. Vì thế, khi gia đình yêu cầu em phải làm bản kiểm điểm, em đã đi lên gác và thắt cổ tự tử. “Bé gái được đưa đến bệnh viện trong tình trạng phải thở ô-xy và đã quá muộn, chúng tôi không thể cứu được cháu bé”- BS Loan kể lại.
Cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Linh - giáo viên Trường Tiểu học Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng chia sẻ, đã từng gặp nhiều học sinh rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần. Có những em đã phải viết giấy kẹp vào sổ giáo án của cô để nói: “Cô ơi, con chỉ muốn chết”…
Theo các chuyên gia về lĩnh vực này cho biết: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm thần tuổi học đường như: Áp lực học căng thẳng, nhất là vào mùa thi. Nhiều bậc cha mẹ kỳ vọng quá nhiều ở con cái và điều này cũng tạo áp lực cho các em. Sự thay đổi các mối quan hệ bạn bè là những yếu tố stress dẫn đến các bệnh lý về tâm thần. Ngoài ra, những thói quen không lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu, không hoặc ít tập luyện thể dục thể thao hoặc những thói quen không tốt khi ngủ như thức quá khuya, ngủ dậy muộn, nghiện game, chơi điện tử quá nhiều cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng học hành, sức khỏe, và là một mắt xích trong vòng xoắn bệnh lý của các rối loạn tâm thần.
Theo BS Đỗ Minh Loan, đặc điểm rối loạn tâm thần học đường thường là rối loạn lo âu và rối loạn tâm thần học tập. Nhiều gia đình khi đưa các em đến khám đều cho rằng các em không có vấn đề gì nghiêm trọng, nhưng thực tế, khi làm việc với các em nhỏ, các bác sĩ mới nhận ra. Hầu hết các ca đến khám tại khoa đều ở trong tình trạng mắc các rối loạn vừa và nặng.
Thiết lập mạng lưới y tế - giáo dục
Giới chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng, trẻ em là đối tượng phát triển tâm sinh lý chưa hoàn thiện nên dễ gặp những rối loạn tuổi học đường. Nếu không phát hiện sớm, can thiệp sớm và đúng cách sẽ để lại hậu quả vô cùng to lớn, học hành sút kém, rối loạn hành vi và rối loạn về tâm thần.
Hiện, không chỉ ở thành phố lớn, các khu vực như Mường Khương, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu đều có ghi nhận về tình trạng học sinh bị rối loạn về tâm thần. Điều này đòi hỏi các thầy cô, gia đình, bác sĩ y khoa phải có kiến thức về tâm lý, tâm thần của trẻ em và đặc biệt là ở lứa tuổi học đường để can thiệp kịp thời.
Thực tế, một số trường đã có Phòng tham vấn tâm lý học đường với các cán bộ tâm lý có khả năng hỗ trợ các vấn đề tâm lý không quá phức tạp, giúp các em học sinh được tiếp cận với các chương trình phòng ngừa sớm và ngay tại trường học. Tuy nhiên, việc này chưa được triển khai đồng đều tại các trường học, sự gắn kết vẫn còn lỏng lẻo.
BS Loan cho rằng: Để giảm thiểu tình trạng trầm cảm, rối loạn tâm thần học đường, các nhà trường cần thiết lập mạng lưới y tế - giáo dục để khi có vấn đề phức tạp về tâm lý của trẻ em, có thể nhanh chóng tư vấn, điều trị. Bên cạnh đó, các nhà trường cần có sự phối hợp với các chuyên gia y tế, các bệnh viện để nắm bắt thông tin chuyên môn, nhận dạng một số vấn đề với học sinh để tư vấn cho cha mẹ đưa con đi khám. Hoặc các thầy cô khi thấy các em có vấn đề trong môi trường học đường sẽ có cách thưởng phạt phù hợp.
Nhiều bậc phụ huynh cũng cần để ý tới sự phát triển của con em mình. Để ý từng cử chỉ, thay đổi tâm sinh lý nhỏ nhất của con. Bởi vì, đã có những cha mẹ coi sự biến đổi tâm lý của trẻ em là phản ứng thái quá khi căng thẳng hoặc cho rằng đó là tâm lý tuổi dậy thì, đến khi trẻ có những phản ứng gây nguy hiểm cho tính mạng mới can thiệp thì quá muộn. Việc phát hiện, điều trị giúp các em vượt qua những rối loạn đòi hỏi sự quan tâm sát sao của các bậc phụ huynh. Người lớn cần phải đặt vào vị trí của các em nhỏ chứ không phải đặt tâm của người lớn lên trẻ em. Có như vậy mới bảo vệ được các em, đem đến cho các em sự phát triển hoàn thiện.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam: Trong nền kinh tế thị trường, xã hội có nhiều biến động tác động đến mỗi cá nhân, mỗi gia đình, tạo ra nhiều áp lực lên thế hệ trẻ. Đặc biệt tỷ lệ các gia đình ly tán ngày một cao, tình trạng giáo dục gia đình đang bị khủng hoảng dẫn đến trẻ bị tử kỷ, bị suy nhược về tinh thần, mất niềm tin, dễ sa đà vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Nếu nhà trường không có một lực lượng tháo gỡ kịp thời, những học sinh là nạn nhân không chỉ không thuyên giảm, chắc chắn còn lây lan… Do đó, cần đầu tư để các nhà trường tham gia giáo dục, ngăn chặn; tạo thành một bộ phận tâm lý học đường phối hợp các lực lượng giáo dục một cách chuyên nghiệp, khoa học.