Việc làm cho sinh viên khi ra trường

Tùng Linh 29/11/2020 13:49

Dự án Khảo sát xu hướng việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp (Motive) vừa tiến hành tập huấn triển khai kế hoạch tại Học viện Bưu chính Viễn thông trong tuần qua. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi cơ hội làm việc cho sinh viên.

Dự án Motive, hiểu một cách ngắn gọn là “theo dõi tình trạng việc làm của sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp”. Dự án được quỹ Eramus+ của Liên minh châu Âu tài trợ trong giai đoạn 2020-2022, dưới sự chủ trì của tổ chức Alma Laurea, thuộc Đại học Bologna, Italia. Đây là dự án hợp tác xuyên quốc gia nhằm chuyển giao năng lực cho các trường Đại học ở Việt Nam từ các tổ chức phát triển và các trường Đại học ở châu Âu.

Hiện tại, tham gia dự án có 9 trường Đại học, bao gồm: Trường Đại học Hà Nội, Học viện Bưu chính Viễn thông, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Nội vụ, Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, và Đại học Thái Nguyên. Nhiệm vụ trọng tâm của các trường tham gia dự án là hướng dẫn, khuyến khích sinh viên đăng ký thông tin vào hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến. Khi cập nhật thông tin trên hệ thống, sinh viên sẽ có cơ hội để kết nối với các nhà tuyển dụng trong lĩnh vực của mình.

Theo ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GDĐT): Motive là một dự án quan trọng đối với Bộ GDĐT và đặc biệt là các trường tham gia dự án. Việc triển khai thực hiện tốt các nội dung của dự án sẽ góp phần tạo cơ hội để các cơ sở đào tạo trong nước xây dựng mạng lưới kết nối trực tiếp với khối doanh nghiệp, đơn vị nhằm nâng cao kỹ năng khởi nghiệp và nắm bắt được các kiến thức kỹ năng của thị trường lao động, giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Đồng thời tạo điều kiện cho các trường tại Việt Nam học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các đối tác Châu Âu về lĩnh vực hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp cho sinh viên.

Kết quả đầu ra của dự án sẽ là một kênh tham mưu quan trọng đối với việc tham mưu xây dựng các chính sách, đặc biệt là đối với công tác thống kê số lượng sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp, xây dựng kênh thông tin giữa nhà trường và doanh nghiệp, trên cơ sở đó tham mưu xây dựng các kỹ năng nghề nghiệp thiết yếu đối với sinh viên nhằm cải thiện vấn đề việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Về lý thuyết mà nói, đây thực sự là một dự án hay. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, vấn đề hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên được đề cập đến rất nhiều, song thực trạng sinh viên ra trường thiếu việc làm vẫn hiện hữu.

Mong rằng, trước sự sát sao chỉ đạo của Bộ GDĐT, các cơ sở giáo dục sẽ nghiêm túc thực hiện việc tư vấn, giới thiệu về ngành, chuyên ngành đào tạo của nhà trường, cơ hội tìm việc làm sau khi tốt nghiệp cho đối tượng tuyển sinh của nhà trường.

Đồng thời tổ chức các hoạt động tư vấn về phương pháp học tập, nội dung, đặc điểm của ngành, nghề và trình độ đang được đào tạo; các vấn đề về chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến ngành, nghề được đào tạo cho người học của nhà trường một cách thực chất… Để người học được học đúng ngành yêu thích, và hơn hết khi ra trường sẽ không làm “nhầm nghề”.

Tùng Linh