Giật mình với Whitmore
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu tháng 10/2020 đến nay, tại khu vực các tỉnh miền Trung ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh Melioidosis (bệnh Whitmore) do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, hay còn gọi là vi khuẩn “ăn thịt người”.
Bệnh nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao
Bệnh Whitmore (hay tên gọi khác là Melioidosis) là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia Pseudomalle gây ra. Vi khuẩn B. pseudomallei sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bị nhiễm khuẩn B. pseudomallei. Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền vi khuẩn từ người sang người hoặc từ động vật sang người.
Tại Việt Nam, bệnh Whitmore xuất hiện từ lâu nhưng đơn lẻ, rải rác ở một số địa phương. Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đặc biệt ở những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch...
Theo PGS Trần Xuân Chương, Trưởng khoa bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Huế, vi khuẩn được tìm thấy trong đất, nước bẩn, trong các cánh đồng lúa gạo và các vùng nước tù đọng ô nhiễm. Bệnh Whitmore thường xuất hiện nhiều vào mùa mưa, chủ yếu ở các vùng nông thôn, nơi người dân thường tiếp xúc nhiều với bùn, đất... Thông thường loài vi khuẩn này sống trong đất, nước bẩn. Tuy nhiên do điều kiện mưa lũ, nước dâng lên nên vi khuẩn theo nguồn nước lan rộng ra nhiều nơi. Các chuyên gia y tế cho biết, bệnh được điều trị bằng cách sử dụng các kháng sinh có nhạy cảm với các chủng B. pseudomallei và điều trị các triệu chứng, biến chứng kèm theo, đồng thời chăm sóc, điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bệnh. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh Whitmore.
Tại các tỉnh miền Trung, sau các mưa lũ làm cho vệ sinh môi trường tại các vùng dân cư bị ô nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển, nên trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc bệnh Whitmore. Đây tuy là bệnh ít gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những đối tượng có nguy cơ cao.
Sau đợt lũ chồng lũ vừa qua, Bệnh viện Trung ương Huế cùng các bệnh viện tuyến tỉnh ở miền Trung đã ghi nhận số ca mắc bệnh Whitmore tăng đột biến. Hiện đã có 5 ca tử vong do bệnh này được ghi nhận ở miền Trung. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị hiện ghi nhận gần 30 trường hợp mắc bệnh Whitmore, trong đó, tính riêng từ giữa tháng 10, bệnh viện đã ghi nhận 24 trường hợp. Trong số họ, 4 người đã tử vong. Đặc biệt là trường hợp của ông Phan Thanh Miên (51 tuổi, chủ tịch UBND xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) tử vong do nhiễm vi khuẩn khi đang cứu nạn người dân trong lũ. Trong khi đó tại Đà Nẵng, từ ngày 1/1 đến hết tháng 9, đơn vị chỉ tiếp nhận 4 ca bệnh Whitmore. Tuy nhiên, từ 1/10 – 25/11, bệnh viện đã tiếp nhận 29 ca bệnh Whitmore, trong đó phần lớn đến từ Quảng Nam, một số ở Nghệ An, Quảng Ngãi và Đà Nẵng.
Khó phát hiện sớm
Theo PGS Trần Xuân Chương, bệnh này xâm nhập vào cơ thể người qua các vết thương ngoài da, các vết trầy xước. Tại chỗ xâm nhập chúng gây thành các mụn mủ to hoặc nhỏ tùy theo mức độ, đôi khi là một ổ ápxe lớn. Ở người có sức đề kháng kém như người đang mắc bệnh nhiễm trùng mãn tính, sử dụng thuốc corticoid kéo dài, bệnh đái tháo đường, bệnh thận hoặc người nghiện rượu, nghiện ma túy... khi vi khuẩn xâm nhập máu sẽ gây nhiễm khuẩn huyết nặng.
Vi khuẩn theo dòng máu đi đến khắp các cơ quan trong cơ thể, nhất là gan, lách, phổi gây nên các ổ ápxe từ nhỏ đến lớn hoặc có thể liên kết với nhau. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn tiến trầm trọng, có thể sốc nhiễm khuẩn gây suy nhiều cơ quan, nhiều tạng, bệnh có tiên lượng xấu, dễ tử vong.
Triệu chứng lâm sàng của bệnh khá đa dạng, dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh khác. Cộng thêm thời gian ủ bệnh khá dài từ 1-21 ngày nên việc phát hiện sớm bệnh này gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là tâm lý chủ quan của người bệnh không đến thăm khám sớm nên nhiều trường hợp nhập viện khi đã trong tình trạng khá nặng, nguy cơ tử vong cao.
Theo BS Chương, để phát hiện được bệnh này cần phải lấy mẫu bệnh phẩm đem đến khoa vi sinh phân tích. Thường thì chủng vi khuẩn gây bệnh Whitmore sẽ gây hoại tử, nhiễm trùng máu và nhiều biến chứng nguy hiểm khác chứ bản thân chúng không “ăn thịt người”.
BS Chương cho biết cụm từ “vi khuẩn ăn thịt người” xuất hiện cách đây vài năm. Một bệnh nhân nhiễm vi khuẩn này ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) bị hoại tử nặng ở vùng mũi. Bệnh nhân này sau đó đã được điều trị khỏi bệnh. Tuy nhiên vết thương ở mũi nhìn như bị “ăn” nên mọi người mới gọi là “vi khuẩn ăn thịt người”.
Giám sát chặt chẽ tình hình bệnh Whitmore
Theo đánh giá từ Cục Y tế dự phòng, báo cáo từ đầu tháng 10/2020 đến nay, tại khu vực các tỉnh Miền Trung ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh Melioidosis (bệnh Whitmore) do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. Vì vậy Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường công tác phòng chống bệnh bệnh Whitmore.
Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay tại các tỉnh miền Trung, sau các đợt mưa lũ kéo dài, môi trường ô nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển do đó thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc bệnh Melioidosis. Dù đây là bệnh ít gặp, không gây thành dịch nhưng tình trạng bệnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong, đặc biệt ở những đối tượng có nguy cơ cao.
Để chủ động có các biện pháp phòng chống hiệu quả, Cục Y tế dự phòng yêu cầu tăng cường công tác phòng chống bệnh bệnh Whitmore trên địa bàn 9 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Sở Y tế các tỉnh cần tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh Melioidosis, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ và các đối tượng nguy cơ cao để phát hiện sớm các trường hợp mắc và xử lý điều trị trên địa bàn tỉnh, thành phố, đặc biệt là tại các vùng nguy cơ cao, đã có bệnh nhân mắc bệnh Melioidosis.
Để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, Sở Y tế các tỉnh cần phối hợp với cơ quan truyền thông đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc và các biện pháp phòng chống bệnh Melioidosis nhằm đưa các trường hợp nghi ngờ bị mắc bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị...
Theo BS Trần Xuân Chương, bệnh Whitmore hoàn toàn có thể chữa trị qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên kéo dài từ 2-6 tuần với kháng sinh tấn công liều cao cùng liệu trình hợp lý. Giai đoạn hai kéo dài từ 3-6 tháng bằng việc uống thuốc duy trì, không cho vi khuẩn tấn công trở lại. BS Chương cũng khuyến cáo người dân lúc dọn lũ, tiếp xúc với nước lũ nên đeo găng tay, đi ủng. Những người bị trầy xước trong lúc dọn dẹp thì phải băng kín, xử lý sát khuẩn vết thương và thường xuyên theo dõi sức khỏe. Những người có bệnh mãn tính như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch... cần hạn chế tiếp xúc với nước lũ.