Biến chứng khi làm đẹp tại các cơ sở ‘chui’
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, trung bình hàng tháng BV tiếp nhận gần 200 ca tai biến từ các phương pháp làm đẹp khác nhau. Điển hình là các biến chứng liên quan đến tiêm filler, botox, laser, biến chứng từ các phương pháp lột da mặt, chăm sóc da mặt…. được thực hiện tại các cơ sở không đảm bảo, nhân viên không được đào tạo bài bản.
Trong 2 ngày 27 và 28/11, tại Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị da liễu thẩm mỹ toàn quốc, với sự tham gia của gần 500 đại biểu, bao gồm 60 chuyên gia thuộc chuyên ngành này. Hội nghị gồm một số chủ đề chính như: Chăm sóc thẩm mỹ da cho bệnh nhân viêm da cơ địa; sẹo xấu và trứng cá; tóc và móng; thẩm mỹ nội khoa; rám má; phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ….
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện da liễu trung ương đi kèm với sự phát triển đa dạng của nhu cầu làm đẹp và chăm sóc da, nhiều kỹ thuật tiên tiến hiện đại đã được áp dụng tại các bệnh viện da liễu, cơ sở làm đẹp trên cả nước. Tuy nhiên có một thực tế hiện nay là tình trạng làm đẹp tại các cơ sở không đảm bảo đã gây nên hậu quả hết sức nặng nề cho người dân, và cuối cùng các bệnh viện là nơi phải tiếp nhận và xử lý các biến chứng đó.
Theo PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện da liễu Trung ương, trung bình hàng tháng BV tiếp nhận gần 200 ca tai biến từ các phương pháp làm đẹp khác nhau. Điển hình là các biến chứng liên quan đến tiêm filler (chất làm đầy), botox, laser, biến chứng từ các phương pháp lột da mặt, chăm sóc da mặt…. được thực hiện tại các cơ sở không đảm bảo, nhân viên không được đào tạo bài bản.
Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng cho biết, do đặc thù của chuyên ngành da liễu, việc sử dụng một số sản phẩm thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc da… nhất là các sản phẩm dưỡng ẩm rất quan trọng. Những sản phẩm này đã được đưa vào phác đồ hướng dẫn điều trị nhiều bệnh da liễu như: bệnh viêm da cơ địa, vảy nến, á vảy nến, viêm da dầu, trứng cá, viêm da tiếp xúc, các bệnh lý về móng và tóc... Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải được sử dụng đúng theo chỉ định của chuyên ngành.
Cũng trong ngày 27/11, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường thanh tra, kiểm tra hậu mại, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuốc nhóm hàng hóa là mỹ phẩm. Trong đó Cục đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về mỹ phẩm (sản xuất, điều kiện sản xuất, công bố mỹ phẩm, quảng cáo mỹ phẩm...) tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm.