Thanh Hoá: Tích tụ ruộng đất để hiện đại hoá nền nông nghiệp
Tích tụ ruộng đất, hình thành những vùng chuyên canh lớn, tập trung để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ tỉnh Thanh Hoá đã và đang triển khai, bước đầu mang lại những kết quả rất khả quan.
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tích tụ, tập trung ruộng đất trong nông nghiệp từ rất sớm. Năm 1998, ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã có Chỉ thị số 13/CT-TU về thực hiện cuộc vận động thực hiện đổi điền, dồn thửa, theo đó đã có nhiều chương trình kế hoạch được ban hành triển khai trong lĩnh vực này.
Nhất là gần đây, nhiệm kỳ 2015 -2020, Thanh Hoá đã tập trung và ban hành nhiều chương trình, đề án thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, trong đó có đề án "Tái cơ cấu nông nghiệp đi kèm với hệ thống các chính sách để thực hiện" và Nghị quyết số 13 của BCH Đảng bộ tỉnh về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, được ban hành vào ngày 11/1/2019.
Có thể nói đây là một trong những Nghị quyết chuyên đề rất quan trọng có giá trị thực tiễn cao, nên đã sớm đi vào đời sống sản xuất của nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian qua.
Xác định được mục tiêu, ý nghĩa tầm quan trọng của Nghị quyết, Triệu Sơn là một trong những huyện đã quán triệt sâu sắc đến các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở những nội dung của Nghị quyết, trong đó xác định: Tích tụ, tập trung đất đai là nhiệm vụ, giải pháp đột phá quan trọng hàng đầu để chuyển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ cao và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, nhờ có thêm các cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh, cơ chế hỗ trợ của huyện mà việc tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn trên địa bàn huyện Triệu Sơn đã có những kết quả rất đáng mừng; đã tích tụ tập trung được 676 ha để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao.
Tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 18, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Triệu Sơn đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2021-2025 thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao với 1.300 ha trở lên, trong đó có 240 ha sản xuất theo tiêu chuẩn công nghệ cao, có 1.060 ha sản xuất theo hướng công nghệ cao.
Việc tích tụ ruộng đất đã và đang góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, bền vững theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả để xây dựng thành công nhiều thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh này.
Và để thực hiện được mục tiêu hiện đại hoá nền nông nghiệp, Thanh Hoá xã định: Tiếp tục quán triệt sâu sắc và tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu của Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 11/1/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình hành động của các cấp ủy các cấp trong quá trình thực hiện Nghị quyết. Tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa cốt lõi của việc tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn; qua đó làm cho người dân tự thay đổi tâm lý giữ đất, dự phòng quỹ đất.
Hoàn thiện và có cơ chế chính sách của tỉnh đủ mạnh, tạo bước đột phá trong tích tụ đất đai để tổ chức lại sản xuất theo hướng lợi thế tuyệt đối của từng vùng, từng địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh chương trình chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp ổn định lâu dài. Tập trung đẩy mạnh chương trình xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp đến tìm hiểu, đầu tư xây dựng cơ sở và liên kết sản xuất với nông dân…
Bên cạnh đó, Sở NNPTNT Thanh Hoá đã đưa ra chỉ tiêu tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tích tụ năm 2020 trên địa bàn tỉnh khoảng 10.790 ha. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt 3.840 ha, lĩnh vực chăn nuôi 550 ha, lĩnh vực thủy sản 300 ha, lĩnh vực lâm nghiệp 6.100 ha.
2 địa phương được giao tích tụ với diện tích lớn nhất là huyện Cẩm Thủy 780 ha (150 ha đất trồng trọt, 30 ha đất chăn nuôi và 600 ha đất lâm nghiệp) và huyện Thường Xuân 740 ha (120 ha đất trồng trọt, 20 ha đất chăn nuôi và 600 ha đất lâm nghiệp).
Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh dự kiến sẽ kêu gọi doanh nghiệp thuê đất sản xuất lúa gạo chất lượng cao, quy mô khoảng 100 ha/mô hình. Đồng thời, khuyến khích các cá nhân, hộ dân thuê đất sản xuất lúa gạo chất lượng tại các huyện Thiệu Hóa, Nông Cống, Yên Định với quy mô 10 ha/hộ. Mô hình thuê đất tập trung để trồng cây ăn quả tại các huyện Thạch Thành, Thọ Xuân, Như Xuân, các mô hình liên kết sản xuất rau an toàn dự kiến sẽ được triển khai ở TP Thanh Hóa và các huyện Yên Định, Hoằng Hóa, Hậu Lộc...
Có thể khẳng định, với hệ thống các quy định được thông suốt từ Trung ương đến cơ sở, với thực tiễn phong phú và quyết tâm chính trị cao, chắc chắn việc tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong những năm tiếp theo sẽ đạt được những kết quả tích cực.