Đeo kính sai số, coi chừng mù lòa

BS Đặng Thị Như Quỳnh (Bệnh viện Mắt quốc tế DND) 30/11/2020 10:46

Thực tế, hiện nay, có một số cha mẹ do quá bận hoặc thiếu hiểu biết, thường cho con đến cửa hàng kính thuốc để đo mắt, đeo kính.

Họ lầm tưởng chỉ cần máy đo khúc xạ là có thể xác định được tình trạng tật khúc xạ của con. Tuy nhiên, đây là cách hiểu sai lầm có thể gây những hệ lụy khôn lường.

Có những trẻ đi khám cắt kính, bị cận độ 2 tuy nhiên khi trẻ được kiểm tra bằng các phương pháp soi đồng tử, tra thuốc liệt điều tiết thì hóa ra các cháu bị viễn thị chứ không phải cận thị. Nguyên nhân do lực điều tiết ở trẻ rất lớn, khả năng có thể thay đổi biên độ điều tiết lên từ 5 đến 7 đi-ốp nên có thể chuyển từ trạng thái này sang trạng thái kia (từ cận sang viễn). Nếu trung tâm kính không nắm được về kỹ thuật kiểm tra, đo kính thì rất dễ bị sai số. Phải mất thời gian 2- 3 tháng để giúp trẻ được đeo kính đúng số, lấy lại thị lực.

Tình trạng đeo kính cận chuyển sang thành viễn khá phổ biến vì ở trẻ con khả năng điều tiết lớn. Nếu quy trình khám ngắn không tra liệt điều tiết để kiểm tra số kính chính xác sẽ rất dễ xảy ra hiện tượng như vậy. Đây cũng chính là lý do để khám và ra đơn kính cho một cháu khám tật khúc xạ mất rất nhiều thời gian.

Sau khi khám, kiểm tra khúc xạ, trẻ sẽ được tra thuốc liệt điều tiết, và đợi trong khoảng 45 phút sau đó trẻ được kiểm tra lại. Nếu kết quả trước và sau tra thuốc liệt điều tiết khác nhau nhiều thì trẻ sẽ được kê thuốc về nhà tiếp tục nhỏ, 1 tuần sau đi khám lại. Ngược lại nếu không khác nhau nhiều, thì ngày hôm sau trẻ có thể được cắt kính để đeo.

Ngoài ra, cũng có tình trạng bệnh nhân bị tăng số quá hoặc lại bị non số. Cả hai trường hợp đó đều làm cho mắt bệnh nhân bị điều tiết nhiều và nếu để lâu kéo dài bệnh nhân sẽ bị nhược thị.

Đáng lưu ý, việc đeo kính không đúng chỉ định trong thời gian ngắn cũng khiến bệnh nhân mỏi mắt, nhức đầu, buồn nôn, không tập trung, ảnh hưởng tới học tập và công việc... Nếu đeo kính cận sai số kéo dài, tình trạng này có thể tăng nặng hoặc dẫn đến bệnh khác nguy hiểm hơn như nhược thị, mất thị lực.

Trẻ nhỏ và người lớn xuất hiện các biểu hiện như hay nheo mắt, chảy nước mắt khi nhìn, xem tivi hoặc đọc sách... cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa điều trị kịp thời. Người cận thị nên nên đi khám định kỳ 3-6 tháng/lần để kịp thời điều chỉnh số kính phù hợp.

BS Đặng Thị Như Quỳnh (Bệnh viện Mắt quốc tế DND)