Ngăn chặn các hình thức chuyển giá, trốn thuế
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 132/2020/NĐ-CP (Nghị định 132) quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết (thay thế Nghị định số 20), trong đó kế thừa và bổ sung một số quy định mới.
Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, số DN kê khai có quan hệ liên kết tính đến cuối 2019 là khoảng 16.500, trong đó, số DN kê khai có phát sinh giao dịch liên kết khoảng 8.000. Trong đó các DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ 2/3 các giao dịch phát sinh này.
9 tháng đầu năm 2020, cơ quan thuế đã tiến hành thanh kiểm tra 263 DN, truy thu, truy hoàn và phạt 525 tỷ đồng. Trong đó, có 177 DN FDI, số thuế truy thu các DN này khoảng 442 tỷ đồng.
Với câu hỏi không chỉ DN nước ngoài có phát sinh giao dịch liên kết mà ngay chính các DN Việt Nam cũng đang thực hiện hoạt động này khá nhiều, vậy sẽ áp dụng quản lý thuế ra sao? Ông Minh cho biết thực tế, các DN trong nước đã vươn ra đầu tư nước ngoài hay bản thân các DN trong nước cũng có sự chuyển giá vì đặc thù nước ta có nhiều chính sách ưu đãi thuế theo địa bàn, lĩnh vực. Khi có sự chênh lệch thuế giữa các lĩnh vực có quan hệ liên kết sẽ phát sinh chuyển lợi nhuận từ DN, pháp nhân hay địa bàn có thuế suất cao sang thuế suất thấp. Kể cả trong trường hợp không có chênh lệch thuế suất thì DN vẫn có hoạt động chuyển lợi nhuận từ DN có lãi sang DN lỗ.
Hơn nữa, thuế thu nhập DN của Việt Nam hiện nay có nhiều loại ưu đãi, mức độ ưu đãi, thời gian ưu đãi căn cứ vào địa bàn đầu tư, lĩnh vực đầu tư… Giữa DN được ưu đãi và DN không được ưu đãi phải chịu thuế suất thuế thu nhập DN khác nhau nên để giảm thiểu nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước, DN nội địa cũng thực hiện chuyển giá từ DN có thuế suất cao sang DN có thuế suất thấp hoặc không phải chịu thuế.
Thậm chí, DN trong cùng một tập đoàn, tổng công ty cũng có hiện tượng chuyển giá vì rất nhiều DN hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực và trên nhiều địa bàn nên trong trường hợp ngành nghề, địa bàn nào đó có ưu đãi thuế thì hiện tượng chuyển giá sẽ diễn ra. Do đó, sẽ áp dụng nhiều chính sách kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý.
Về ý kiến lo ngại những quy định chống chuyển giá sẽ không công bằng giữa DN FDI và DN trong nước, ông Minh cho biết, hiện Việt Nam đã ký trên 80 Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với các nước, trong đó, tại Điều 24 của Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần quy định không phân biệt đối xử giữa DN trong nước và DN ngoài nước.
Bên cạnh đó, theo cam kết WTO có nguyên tắc cấm phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế trong nước về thuế. Nguyên tắc đối xử công bằng được dẫn chiếu tại Điều 17 Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ (GATT), Điều 3 của Hiệp định GATT về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, chính sách pháp luật được xây dựng nói chung và quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết nói riêng đều phải đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và DN ngoài nước.
“Nếu DN trong nước cũng có hoạt động chuyển giá thì Nghị định 132 áp dụng chung cho cả DN nước ngoài và DN trong nước là phù hợp”- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh nói.