Trao giải thưởng sử học Phạm Thận Duật 2020
Sáng 29/11, giải thưởng sử học Phạm Thận Duật lần thứ 21 đã được trao tại Khu di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Từ nhiều luận án tiến sĩ của các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, BTC giải thưởng sử học Phạm Thận Duật đã chấm được 6 luận án để trao giải.
Giải Nhất là luận án “Y tế phương Tây ở Bắc Kỳ từ năm 1873 đến năm 1945” của tác giả Bùi Thị Hà, công tác tại Viện sử học, bảo vệ luận tại Học viện KHXH.
Giải Nhì: Vấn đề biên giới trong quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc giai đoạn 1950-2014” của tác giả Huỳnh Thanh Loan, công tác tại Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, bảo vệ luận án tại Đại học KHXH&NV Đại học Quốc gia Hà Nội.
Có 4 giải ba gồm các luận án: “Quá trình phát triển kinh tế, xã hội của Cộng hòa Liên bang Đức (1990-2015)” của tác giả Nguyễn Thị Nga, công tác tại khoa sử trường Đại học sư phạm 2; “Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từ năm 1996 đến năm 2016” của tác giả Nguyễn Thị Hồng Miên, công tác tại Trường cao đẳng sư phạm Điện Biên; “Giáo dục và khoa cử Nho học Đại Việt thế kỷ XVII-XVIII” tác giả Trịnh Thị Hà, công tác tại Viện sử học Việt Nam; “Các nguồn sử liệu về quy mô và cấu trúc Hoàng thành Thăng Long thời Lý – Trần – Lê” tác giả Nguyễn Quang Hà, công tác tại Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội.
Nói về công trình được trao giải Nhất, tác giả Bùi Thị Hà cho biết: “Khi nghiên cứu tôi gặp không ít khó khăn. Các tài liệu đều phải nhờ dịch hoặc đọc qua tài liệu dịch”.
Còn tác giả Nguyễn Quang Hà nói về luận án được giải ba: “Công trình của tôi có nhiều phát hiện về Hoàng thành Thăng Long so với hồ sơ mà chúng ta trình Unesco để vinh danh năm 2010. Đơn cử như trên kiến trúc của Đoan môn thời Lê Trịnh có chuông. Chi tiết này được phát hiện khi tôi đi điền dã ở chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh thuộc huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Nội dung văn chuông cho biết có bà Hoàng Thị Châu cung tiến một chuông được treo ở Đoan môn của Hoàng thành Thăng Long”.
Tác giả Nguyễn Quang Hà chia sẻ: Qua 20 năm tổ chức giải càng ngày càng có uy tín. Thế nhưng, tôi vẫn mong BTC xem xét, mở rộng các công trình, các tác phẩm xét giải không chỉ dừng lại ở các luận án tiến sĩ.
Tại buổi lễ, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Quỹ giải thưởng Phạm Thận Duật cũng tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm và toạ đàm khoa học “Phạm Thận Duật và một Việt Nam ở giữa các đường biên” nhân Kỷ niệm 135 năm ngày mất Danh nhân Phạm Thận Duật. Các tham luận đều đi sâu vào phân tích, nghiên cứu tác phẩm “Hưng Hóa ký lược” (viết năm 1856 với bút danh là Quan Thành) của Phạm Thận Duật ở khía cạnh dân tộc học và cương vực.
Phạm Thận Duật (1825–1885) là một đại thần triều Nguyễn. Ông quê ở Yên Mô, Ninh Bình. Ông là người cùng với Tôn Thất Phan thay mặt triều đình vua Tự Đức ký vào bản Hòa ước Giáp Thân 1884 (Hòa ước Patenotre). Ông cũng là một nhà sử học nổi tiếng, từng giữ chức vụ Phó Tổng tài Quốc sử quán kiêm quản Quốc tử giám, là người duyệt cuối cùng bản Quốc sử Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Phạm Thận Duật là thầy dạy học cho hai hoàng thân là vua Dục Đức và Đồng Khánh.
Trong triều đình Huế, Phạm Thận Duật là một đại thần trong phe chủ chiến chống Pháp. Ngày 29/7/1885, khi đưa vua Hàm Nghi ra Tân Sở, ông bị giặc Pháp bắt. sau khi bị tù ở Côn Đảo, giặc Pháp đưa ông đi đầy ở Tahiti. Trên tàu vượt biển mênh mông, ông bị bệnh và mất ở vùng biển Malaysia.
Danh nhân Phạm Thận Duật đã được đặt tên đường ở Hà Nội và trên quê hương Ninh Bình. Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật được tổ chức đầu tiên năm 2000.