Đau đáu nỗi lo thang máy xuống cấp
Hiện nay, thang máy tại một số toà chung cư tái định cư thuộc khu vực phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy đã xuống cấp. Việc người dân vẫn phải sử dụng phương tiện này hàng ngày kéo theo nguy cơ mất an toàn rất lớn.
Thực trạng hệ thống thang máy ở các chung cư cũ
Nhìn lại từ vụ việc mới nhất xảy ra vào chiều 29/11 tại tòa nhà B10A Nam Trung Yên, thuộc phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Thang máy tòa chung cư gặp sự cố rơi tự do khi đang vận chuyển 11 người, khiến 10 người bị thương. Trong đó, có 2 người bị thương nặng, một người phụ nữ bị gãy chân và một người khác chấn thương phải nhập viện.
Người dân sinh sống tại tòa nhà cho biết, đây không phải lần đầu tiên thang máy gặp sự cố. Cư dân đã nhiều lần phản ánh sự việc lên ban quản lý tòa nhà. Hiện, thang máy tòa nhà B10A Nam Trung Yên đã bị niêm phong.
Thang máy là phương tiện đi lại quan trọng trong toà nhà cao tầng, đặc biệt là các chung cư. Đây cũng là “nơi” được nhiều người sử dụng nhất, dễ dàng xuống cấp nhất trong các khu vực sử dụng chung tại chung cư. Tuy nhiên, ở một số nơi, đặc biệt là các chung cư tái định cư, thang máy không được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên nên đã dẫn đến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn lớn nguy cơ mất an toàn.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Đại Đoàn Kết Online, tại một số toà chung cư tái định cư thuộc khu Nam Trung Yên, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, thang máy đã cũ, hỏng nhưng không được bảo trì. Các bảng điện tử hiện số tầng ở trong thang máy gần như không còn hoạt động, người dân chủ động ấn nút và ra đúng tầng mình cần dựa vào biển tầng phía ngoài.
Sàn thang máy đã củ, gỉ. Đèn thang máy cũng khá tối. Phía ngoài mặt thang ở các tầng cũ, đôi chỗ bị dán nham nhở những tờ rao vặt quảng cáo. Thậm chí, có phần gần nút bấm thang bị vỡ, có rác nhét vào bên cạnh, rất mất vệ sinh.
Ông Lê Hùng (một người dân sống lâu năm tại khu vực Nam Trung Yên) cho biết, ông là một trong những lớp người đầu tiên sống tại khu chung cư tái định cư, tính đến nay đã khoảng 15 năm. Thang máy đã xuống cấp dần theo năm tháng nhưng không được bảo trì, bảo dưỡng bởi không còn nguồn phí.
Ông Lê Hùng chia sẻ, một số chung cư tái định cư như nhà ông hiện không có nguồn kinh phí bảo trì. Phí dịch vụ mỗi căn hộ đóng chỉ 30.000 đ/tháng, mức đóng này đã được quy định từ khi ông nhận nhà và đến nay vẫn không thay đổi. Với số tiền thu như vậy, khu chung cư chỉ đủ chi trả lương cho công nhân vệ sinh và một số khoản cần thiết khác.
Việc thang máy xuống cấp đã được người dân đưa ra nhiều lần trong các cuộc họp tổ dân phố, tuy nhiên, vấn đề vẫn chưa được khắc phục. Người dân ở đây đã quen với tình trạng này, cố gắng sử dụng hàng ngày dù biết là tồn tại nhiều nguy cơ mất an toàn.
Chỉ biết "sống chung với lũ"
Một người dân cũng sống tại khu chung cư tái định cư chia sẻ, chính chị đã từng bị rơi trong thang máy của toà nhà, may mắn là không sao. Đến thời điểm hiện tại, mọi người vẫn cố gắng dùng thang máy bởi nó là phương tiện đi lại duy nhất, người già hay trẻ nhỏ thì đi kèm người lớn để hạn chế mất an toàn.
Xét chung về hạ tầng, các khu vực còn lại cũng nhiều nơi bị xuống cấp, nứt sàn, vỡ đường ống nước. Những phần này người dân tự đóng góp kinh phí để tu sửa, còn vấn đề thang máy chi phí lớn nên họ vẫn chịu “sống chung với lũ”.
Người dân tại khu chung cư tái định cư cho biết, họ đã từng phản ánh rất nhiều lần, các cấp chính quyền đã ghi nhận vấn đề phản ánh. Tuy nhiên, tính đến nay, vấn đề này chưa được giải quyết.
Ông Lê Hùng cho biết, nếu để đảm bảo an toàn, các thang máy phải có đơn vị kiểm tra, kiểm định hàng năm. Tuy nhiên, điều này không hề được thực hiện trong nhiều năm qua. Nếu có kiểm định thì chắc chắn nhiều thang máy không đủ điều kiện sử dụng. Đó sẽ là cơ sở để chính quyền các cấp sớm đưa ra những phương án xử lý, hỗ trợ người dân.
Anh N.T.H. (hiện đang tham gia vào Ban Quản trị một toà chung cư ở khu vực Nam Trung Yên) nhận định, để nâng cấp, bảo trì, bảo dưỡng thang máy cần phải chờ xin, xét duyệt từ các cấp chính quyền. Nhưng để làm được vấn đề này rất khó. Chính vì vậy, người dân khu vực đã và đang cùng kết hợp với Ban Quản trị toà nhà để cùng vận hành tốt, hạn chế nguy cơ rủi ro, mất an toàn nhất có thể.
Liên quan đến việc bảo dưỡng, bảo trì thang máy, anh N.T.H. khẳng định, đây là mong muốn của tất cả người dân. Tuy nhiên, vấn đề chưa được khắc phục thì người dân cùng nhau có ý thức giữ gìn thang máy để sử dụng, khi xảy ra sự cố thì cùng khắc phục theo phương án tối ưu nhất có thể.
Chia sẻ thêm về việc vận hành, anh N.T.H. cũng cho biết, hiện toà nhà nơi anh sinh sống đang “tự vận hành”, người dân cùng “chung tay”, cùng đóng góp. Phí dịch vụ 30.000 đ/tháng đủ để trả lương cho vấn đề vệ sinh, phí gửi xe đủ để trả lương cho bảo vệ. Còn các khoản chi các thì Ban Quản trị cùng cân đối và công khai thông báo đến người dân.