Vaccine Covid-19 có đến được người nghèo?

Thế Tuấn (Tổng hợp) 01/12/2020 07:30

Thông tin từ Nhà Trắng cho biết Mỹ có thể phân phối vaccine ngừa Covid-19 sau ngày 10/12. Như vậy, cuộc chiến chống Covid-19 đang được tiếp sức khi các hãng dược phẩm liên tiếp công bố những tiến triển mang tính đột phá trong việc phát triển vaccine tiềm năng. Trong đó, các hãng Pfizer và BioNTech cho biết sẽ cung cấp 50 triệu liều vaccine trên toàn thế giới trong năm nay và tối đa 1,3 tỷ liều trong năm 2021. Tuy nhiên, trong những thông tin sáng sủa ấy lại dấy lên lo ngại về việc phân phối vaccine, nhất là những quốc gia nghèo có được thụ hưởng hay không.

Nhân viên UNICEF hỗ trợ y tế tại Nigeria trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Nguồn: UNICEF.

Người ta cho rằng, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cùng với Tổ chức Y tế liên Mỹ sẽ đóng một vai trò chủ chốt trong chuỗi phân phối vaccine của Cơ chế COVAX toàn cầu (COVAX Facility), nhằm đảm bảo tất cả các nước được tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 công bằng. Dù rằng, theo giới chuyên gia, chỉ riêng vaccine sẽ không đủ để ngăn chặn Covid-19, mà “ý thức của người dân mới là liều vaccine thực sự”.

1. Dù triển vọng vaccine ngừa Covid-19 là rất sáng sủa nhưng các nước đang phát triển vẫn chưa thể yên tâm, vì rằng những nền kinh tế lớn như Mỹ, Canada, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã chuẩn bị rất nhiều cơ số để tiêm cho người dân nước họ thông qua các thỏa thuận đặt hàng trước.

Vì thế, phần lớn các quốc gia có thu nhập trung bình hoặc thấp đang trông cậy vào COVAX, một sáng kiến toàn cầu đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vaccine. UNICEF từng thông báo sẽ phân phối khoảng 2 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 cho các nước đang phát triển trong năm 2021, chủ yếu cung cấp cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe ở đầu chiến tuyến và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong đại dịch.

“Đây là một thách thức lớn. Số lượng vaccine ngừa Covid-19 cần phân phối lớn gấp đôi so với số lượng các loại vaccine khác chúng tôi đang phụ trách” - Pablo Panadero, quản lý phụ trách kế hoạch vận chuyển thuộc bộ phận cung ứng của UNICEF, cho hay.

Vẫn theo vị chuyên gia này thì UNICEF chịu trách nhiệm thu mua và cung cấp vaccine ngừa Covid-19 cho 82 quốc gia có thu nhập trung bình và thấp, trong khi Tổ chức Y tế liên Mỹ sẽ mua vaccine cho 10 quốc gia thành viên. Theo ông Panadero, những thách thức trong quá trình phân phối có thể xảy ra bao gồm khả năng lưu trữ của các quốc gia và khả năng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không.

Từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay, số lượng vaccine cho trẻ em mà cơ quan này vận chuyển đến các nước đang phát triển chỉ gần bằng một nửa số lượng được giao trong một năm thông thường. Đây là ví dụ cho thấy sự sụt giảm trầm trọng do tác động của đại dịch Covid-19 gây ra đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa toàn cầu.

2. Tới thời điểm này, một số quốc gia giàu có đã lên kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân nước mình.

Theo tờ Financial Times, Anh có thể sẽ trở thành nước phương Tây đầu tiên cho phép tiêm vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Chính phủ Anh cho biết việc phân phối vaccine do các tập đoàn BioNTech và Pfizer sản xuất sẽ được chuyển về Anh ngay lập tức chỉ sau vài giờ và sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng từ ngày 7/12 tới.

Chính phủ Anh đã đặt mua 40 triệu liều vaccine của BioNTech và Pfizer, mỗi liều sẽ gồm 2 lần tiêm. Dữ liệu sơ bộ ban đầu cho biết vaccine này có hiệu quả tới hơn 95% trong việc phòng Covid-19. Hiện Chính phủ Anh cũng đang yêu cầu Cơ quan Quản lý dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) xem xét để có thể tiến hành cấp phép cho vaccine ngừa Covid-19 do Hãng dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford phối hợp sản xuất.

Đây là loại vaccine vừa kết thúc giai đoạn thử nghiệm sau cùng và được đánh giá đạt hiệu quả ngăn ngừa Covid-19 lên tới 90%. Hiện Anh có hợp đồng mua 100 triệu liều vaccine của hãng liên doanh dược phẩm Anh - Thụy Điển này.

Còn Chính phủ Mỹ cho biết đã sẵn sàng tiêm vaccine ngừa Covid-19 rộng rãi cho người dân bắt đầu từ ngày 11/12. Tiến sĩ Moncef Slaoui - cố vấn khoa học chương trình vaccine của Mỹ, cho biết, chỉ trong vòng 24 giờ vaccine sẽ được đưa đến khu vực tiêm chủng của các bang.

Vaccine sẽ được phân phối theo tỉ lệ dân số của từng bang, chính quyền bang sẽ quyết định ai là những người cần được ưu tiên tiêm trước, tuy nhiên vẫn khuyến nghị rằng nhân viên y tế, nhân viên làm các công việc thiết yếu ở tuyến đầu và người lớn tuổi, người có nguy cơ tử vong do virus cao là những đối tượng cần được ưu tiên.

Nếu như cần phải có 70% dân số được tiêm ngừa để đạt miễn dịch cộng đồng, thì nước Mỹ có thể hoàn thành tiêm chủng vào tháng 5/2021.

Trong một diễn biến liên quan, lô vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên của Hãng Pfizer đã được vận chuyển từ châu Âu tới Mỹ, từ Hãng hàng không United Airlines. Để bảo quản vaccine trong quá trình bày, người ta đã dùng tới 6.800kg đá khô, gấp 5 lần khối lượng được phép thông thường, nhằm bảo quản vaccine ở nhiệt độ siêu lạnh, âm 70 độ C).

3. Hợp tác toàn cầu về vaccine ngừa Covid-19 đang được đặt ra rất ráo riết. Theo Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, hợp tác quốc tế mạnh mẽ trong lĩnh vực này là cách giúp đẩy nhanh tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới. Theo đó, sự phục hồi đó chính là tăng 9.000 tỉ USD thu nhập toàn cầu vào năm 2025.

Bà Georgieva nhấn mạnh sự cần thiết trong việc phân phối vaccine công bằng và đồng đều trên toàn thế giới, ở cả các nước đang phát triển và các quốc gia giàu có, để thúc đẩy sự tự tin trong du lịch, đầu tư, thương mại và các hoạt động khác. “Tiếp cận công bằng và hợp lý đối với thuốc điều trị và vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu là chìa khóa để tránh những vết sẹo lâu dài đối với nền kinh tế thế giới”- bà Georgieva nhấn mạnh.

Trong khi một số thông tin cho rằng các loại vaccine ngừa Covid-19 sẽ có giá khoảng 40 USD 1 liều, thì Viện Serum của Ấn Độ lại đưa ra cái giá 3 USD, nhờ có tài trợ từ thiện đạt được trong một thỏa thuận với Quỹ Bill & Melinda Gates (khoảng 150 triệu USD). Đại diện của Serum cho biết, thỏa thuận hợp tác nhằm bảo đảm không chỉ các nước giàu được quyền tiếp cận vaccine ngừa Covid-19.

Nói như ông Adar Poonawalla - Giám đốc điều hành Serum thì để đảm bảo mức độ tiêm chủng đạt tối đa và ngăn chặn đại dịch, điều quan trọng là phải đảm bảo cho các quốc gia vùng sâu vùng xa và nghèo nhất được tiếp cận với các biện pháp phòng ngừa và chữa bệnh hợp lý.

Thế Tuấn (Tổng hợp)