Trẻ em được gì từ Rapkisd?
Rapkisd Việt Nam 2020 - Chương trình tìm kiếm tài năng rap nhí do Vietimes media và VTC lần đầu tiên tổ chức tổ chức. Dù đang casting nhưng độ nóng của chương trình đã khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.
Theo thông báo của BTC, các thí sinh đăng ký tự do. Trên trang tin của chương trình tính đến chiều 30/11 đã có 1963 hồ sơ đăng ký dự thi. Chương trình sẽ tiếp tục casting vào ngày 6/12.
Không ít người cho rằng Rap vốn là thể loại nhạc Underground với ngôn từ cá tính, mạnh mẽ mà người lớn muốn tìm hiểu thì phải nghiên cứu một cách cẩn thận. Vậy thì ở lứa tuổi giới hạn từ 5 đến 15 tuổi thì các em làm sao có đủ trải nghiệm để tham gia vào dòng nhạc này?
Có nên để các em tự do sáng tạo ra những lời hát trái thuần phong mỹ tục, hoặc phản cảm không phù hợp với lứa tuổi?. Ví dụ có em biểu diễn ca khúc “Anh em tao” với những ngôn từ như: “anh em tao; có nhiều tiền là; không thằng nào là người nổi tiếng…”.
Việc trẻ em được thể hiện tài năng âm nhạc sớm là điều nên khuyến khích và đã có nhiều chương trình như Giọng hát Việt nhí hay Vietnam Idol Kids. Những dòng nhạc đó phù hợp với lứa tuổi các em vì nó trữ tình, nhẹ nhàng.
Trái lại, rap là thể loại âm nhạc thể hiện sự “gai góc” mạnh mẽ. Như các rapper hiện nay đang theo đuổi, rap làm toát lên khía cạnh của tình yêu, cuộc sống một cách chân thật nhất. Nếu không có bàn tay của người lớn viết lời, phối nhạc thì khó có thể nói đến sự thành công hay định hướng lành mạnh cho các em.
Trong khi trẻ em tham gia dự thi phải tự chịu bao khó khăn và rủi ro như về sức khỏe, về thân thể, về mọi chi phí đi lại, ăn ở thì BTC được hưởng rất nhiều từ cuộc thi. Đó là việc sử dụng hình ảnh của các em vào mục đích truyền thông không cần báo trước, không chịu phát sinh thêm bất cứ chi phí nào.
Một cuộc thi mà các em học sinh chịu nhiều thiệt thòi, gánh nhiều rủi ro, và nếu không được giải thì mất rất nhiều như thế liệu có khiến cha mẹ các em nghĩ lại khi cho con đăng ký dự thi?