Bà ‘hội đồng’ và câu chuyện kiến tạo văn hóa đô thị
Từng trải qua cương vị đại biểu dân cử nhiều năm, nên khi viết sách, trong các tác phẩm của bà “hội đồng” Phạm Phương Thảo luôn thấm thía mối quan hệ giữa cán bộ, công chức với cử tri và người dân nghèo. Đặc biệt là cuốn “Cùng kiến tạo không gian văn hóa” mới ra mắt đang thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người…
Định hình văn hóa đô thị
Gặp bà Phạm Phương Thảo, ít ai có thể hình dung nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM vẫn luôn theo dõi, đau đáu quan sát sự chuyển mình của đô thị lớn nhất nước với tấm lòng thiết tha vì thành phố.
Kể từ cuốn sách đầu tiên “Đi qua thời gian” (xuất bản năm 2012), sau đó bà Phạm Phương Thảo ra mắt bạn đọc các tựa sách “Chuyện ở phường”, “Hãy cứ đi về phía nhân dân”, “Tiếp bước người đi trước”, “Chuyện về ứng xử văn hóa”....
Mới đây nhất, cuốn sách “Cùng kiến tạo không gian văn hóa” được giới thiệu vào đúng thời điểm “Năm 2020 - Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị” của TP HCM thu hút được sự quan tâm rất lớn từ bạn đọc.
Chia sẻ về “đứa con tinh thần” thứ 9 của mình, bà Phạm Phương Thảo tâm niệm: “Văn hóa luôn là chủ đề lớn và chưa bao giờ cũ, luôn có sự kết nối, liên tục trong quá trình phát triển, đi lên của mỗi quốc gia dân tộc. Trong những vấn đề liên quan đến đường lối phát triển văn hóa, những chiến lược, những chương trình hành động, vai trò của người lãnh đạo, quản lý văn hóa, sự nêu gương là rất quan trọng”.
“Cùng kiến tạo không gian văn hóa” với những trải nghiệm quý báu của nguyên chủ tịch HĐND TPHCM về một góc nhìn về văn hóa, nhất là phong trào đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng văn hóa trong văn minh đô thị của TP HCM trong nhiều năm qua.
Ở đó, bà Phạm Phương Thảo đã dành nhiều tâm tư về mọi khía cạnh của văn hóa, từ hệ giá trị, đạo đức, lối sống, ứng xử,... đến việc xây dựng văn hóa gia đình, văn hóa cơ sở, văn hóa doanh nghiệp, phong trào thể dục-thể thao, không gian văn hóa công cộng, công nghiệp văn hóa.
Trong tác phẩm của mình, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM cũng chia sẻ nhiều câu chuyện gần gũi với đời sống, như phiên chợ xanh, ngôi chùa gắn với người nghèo, về mảng xanh của đô thị. “Qua dịch Covid-19, nhiều đòi hỏi con người cần có sự nhận diện và thay đổi trong ứng xử với nhau và ứng xử với thiên nhiên, môi trường.
Cần chấn chỉnh về ứng xử trên mạng xã hội sao cho tử tế, văn minh, trách nhiệm và xem xét việc quản lý sao cho mạng xã hội không là nơi dung dưỡng cho tin đồn, tin giả, độc hại…”, bà Thảo gửi gắm tâm tư đến người làm công tác quản lý văn hóa hiện nay.
Xứng đáng “công bộc” của dân
Bà Phạm Phương Thảo có nhiều năm công tác HĐND và ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH TPHCM, từng ba nhiệm kỳ liên tiếp làm ĐBQH các khóa IX, XI, XII, nên dễ hiểu trong các cuốn sách của bà luôn thấm thía mối quan hệ giữa cán bộ, công chức với cử tri và người dân nghèo.
Nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM nhìn nhận ở vị trí người cán bộ, công chức, được ví như công bộc của dân thì phải siêng năng học hỏi, cầu thị và tận tâm với các cậy nhờ của nhân dân. Trong chốn công sở, không chỉ có những chuyện bất cập, vẫn có những người ham học hỏi, làm việc siêng năng. Cũng có người chưa chuyên cần và hay soi mói người khác, muốn được khen thưởng hay cất nhắc.
“Có những biểu hiện đố kỵ, hẹp hòi tám chuyện người này, người kia, chuyện lặt vật trong sinh hoạt hằng ngày. Nếu trong sinh hoạt, kiểm điểm cơ quan có xu hướng nể nang, ngại phê bình, góp ý, nhiều trường hợp bằng mặt không bằng lòng thì chuyện bên ngoài càng rôm rả”, bà Thảo tâm tư.
Trong thời gian còn đương chức, bà Phạm Phương Thảo nghiền ngẫm, đúc kết những kinh nghiệm, bài học về “ứng xử văn hóa” đối với người dân. Bà tự thấy rằng nghĩa vụ của người cán bộ phải biết “nói lời cảm ơn và xin lỗi” với dân. Với nền hành chính phục vụ, cán bộ công chức phải là những chủ thể phục vụ và người dân là đối tượng được phục vụ.
Ngay cả khi còn làm công tác HĐND, bà từng nhiều lần đề xuất về thực hiện “Thư xin lỗi” của chính quyền thành phố, các quận, huyện đối với người dân khi trễ hẹn hồ sơ hành chính với người dân. Đồng thời, cơ quan hành chính phải thực hiện việc này triệt để, có trách nhiệm cao. Sự đo lường hài lòng của người dân đối với các thủ tục hành chính sau này cũng đã được cơ quan MTTQ các cấp triển khai giám sát có hiệu quả đối với các cơ quan Nhà nước.
Khi có điều kiện góp ý về các phiền hà trong thủ tục hành chính, bà “hội đồng” luôn mong muốn người công chức thực hiện gương mẫu vai trò “công bộc” của nhân dân, từ đó giảm bớt các bức xúc, bất cập suốt thời gian dài trong công tác này, lấy lại niềm tin của người dân. Chỉ với cách đó, giữa chính quyền với nhân dân mới hợp tác và tạo được đồng thuận trong triển khai các chủ trương, chính sách cụ thể.
Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo cũng bày tỏ tin tưởng, với việc người dân đồng lòng, chung sức cùng Đảng bộ, chính quyền thì nơi đây xứng đáng trở thành đô thị văn minh, nghĩa tình, đáng sống.
Và, có một triết lý sống để đời của bà “Hội đồng” cho đến nay vẫn được người dân truyền tai nhau mãi, đó là “phía sau mỗi gánh hàng rong là một số phận”. Hiểu được điều đó, thấm nhuần điều đó, sẽ gắn kết người dân với những người “công bộc” trong chính quyền đô thị lớn nhất nước.