Ham của rẻ là hành vi tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái
Không chỉ các sản phẩm hàng hóa bị làm giả, mà các website, các sàn thương mại điện tử cũng đang bị mạo danh. Từ thị trường truyền thống, vấn nạn hàng giả, hàng nhái đã và đang xâm nhập sang sàn thương mại điện tử với quy mô hoạt động ngày càng phức tạp, tinh vi, khó lường hơn.
Thực trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên các kênh bán hàng trực tuyến đã được giới chuyên gia cảnh báo lâu nay, tuy nhiên, vấn nạn này dường như chưa có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí có xu hướng ngày càng hoạt động phức tạp tinh vi hơn, lộng hành hơn.
Nói về thực trạng này, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, kinh doanh hàng giả trên môi trường thương mại điện tử vẫn đang có chiều hướng diễn biến rất phức tạp, tập trung vào 3 nhóm hàng hóa chính, gồm đồ công nghệ điện tử; quần áo, giày dép, mỹ phẩm; và đồ gia dụng. Đặc biệt, những mặt hàng giả được bán nhiều trên môi trường thương mại điện tử là những mặt hàng có giá trị cao, mặt hàng do nước ngoài sản xuất.
Cũng theo bà Huyền, việc ngăn chặn, xử lý triệt để hàng giả, hàng nhái trên môi trường thương mại điện tử hiện nay còn nhiều vướng mắc, bởi phương thức bán hàng ngày càng tinh vi, người bán thường hay phân nhỏ hàng hóa, chỉ có hàng online mà không có hàng vật lý… nên khó bị phát hiện.
“Một chiếc đồng hồ Rolex có giá trị hàng trăm triệu đồng, nhưng trên mạng vẫn có những chiếc đồng hồ thương hiệu này mà chỉ có giá vài triệu đồng, đó là ví dụ điển hình cho hàng giả trên môi trường thương mại điện tử”, bà Huyền cho biết.
Điều đáng lo ngại là, nhiều người tiêu dùng biết rõ mười mươi đó là hàng giả, vì không thể có một chiếc đồng hồ thương hiệu lớn lại có giá “bèo” như vậy, song họ vẫn đặt mua, đó chính là một trong những hành vi tiếp tay cho vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Và đó cũng là lý do để các đối tượng coi các sàn thương mại điện tử là mảnh đất màu mỡ để hoành hành.
Đáng quan ngại hơn, hành vi giả mạo của các đối tượng không chỉ dừng lại ở việc làm giả các sản phẩm hàng hóa của các thương hiệu mà còn có làm giả tên miền, giao diện webiste, đăng tải hình ảnh sản phẩm nhái các trang bán sản phẩm thật. “Website thương mại điện tử của sàn Lazada.vn cũng bị làm nhái, với tên gọi, màu sắc, giao diện khá giống trang Lazada.vn thật”, bà Minh Huyền cho hay.
Qua theo dõi, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số còn phát hiện một số website trùng với nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ như youtube.vn; bmw.com.vn; subway.com.vn… Một số tên miền tương tự với nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ như intelt.vn; kodark.com; panasonica.com… hay tên miền chứa đựng nhãn hiệu đã được bảo hộ và từ mô tả liên quan như laptopdell.com; macsaigon.vn; daunhotshell.com.vn… Nếu truy cập vào những trang này, người tiêu dùng rất dễ mua phải hàng giả, hàng nhái.
Trước thực trạng bùng nổ hàng giả, hàng cấm và hàng vi phạm bản quyền trên môi trường giao dịch online, cơ quan quản lý cho biết, sẽ tăng cường các biện pháp xử lý, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, siết lại hoạt động kinh doanh trên môi trường trực tuyến.
Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, nhiều ý kiến cho rằng, bản thân hành vi mua sắm của người tiêu dùng cũng đóng vai trò rất quan trọng. Bởi khi nào vẫn còn người tiêu dùng chủ động tiêu dùng hàng giả, hàng nhái thì loại hàng hóa này vẫn còn môi trường để tồn tại.
Nghị định 98 đã có quy định về việc quản lý môi trường thương mại điện tử, trong đó mức phạt được nâng lên đáng kể. Dư luận kỳ vọng, với sự siết chặt quản lý, sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng, môi trường kinh doanh trực tuyến sẽ được “dọn sạch” để người tiêu dùng được yên tâm mua hàng, DN làm ăn chân chính được đảm bảo chữ tín.