Bỏ ‘giấy phép con’: Chấm dứt học giả, thi giả
Chứng chỉ bắt buộc phải có khi tuyển dụng, khi thi nâng bậc lương… nhưng lại không dùng đến trong công việc chuyên môn hàng ngày làm nảy sinh bằng cấp gian dối, học giả, thi giả, chứng chỉ thật mà giả… Vấn nạn này sẽ dần bị triệt tiêu với bước đi tiên phong của ngành Giáo dục khi dự kiến, tháng 12/2020 sẽ ban hành quy định cụ thể về việc xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên.
Giáo dục phải thực học
Trong một lần đi thực tế ở địa phương, một giáo viên phổ thông từng kể chuyện với phóng viên, khi đón đoàn chuyên gia nước ngoài về trường giao lưu, giáo viên tổ ngoại ngữ trong trường đùn đẩy nhau vì chỉ nghe hiểu khá còn trả lời, phản ứng nhanh lại thì... bập bõm. “Đó là chuyên môn chính, giảng dạy hàng ngày mà các thầy cô còn e dè thì những người ngoại đạo như chúng tôi, có chứng chỉ ngoại ngữ hạng B, hạng C để làm gì? Chẳng qua là đối phó”- giáo viên này bức xúc.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GDĐT phân tích, đáng lẽ khi các cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng vào công tác trong các trường học công lập thì tấm bằng đại học, cao đẳng sư phạm của giáo viên đã được xem như là “giấy thông hành” để thực hiện nhiệm vụ của mình. Hàng năm, chỉ cần bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, tham gia học tập các lớp chính trị theo quy định là đủ. Nhưng trên thực tế, để công nhận về chuẩn trình độ, giáo viên phải tham gia học nhiều khóa học khác để có chứng chỉ theo quy định.
“Mỗi chứng chỉ từ một vài triệu đến 5-7 triệu đồng đã trở thành gánh nặng cho nhiều nhà giáo. Đáng nói, khi có những chứng chỉ này liệu có giúp ích được bao nhiêu cho công việc giảng dạy hàng ngày? Câu trả lời chắc chắn là không vì học trong thời gian ngắn, học để đối phó về mặt bằng cấp còn không sử dụng thực chất thì khó có động lực thực chất để học nghiêm túc” – ông Khuyến nêu quan điểm.
Theo quy định hiện hành và các dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và THPT công lập vừa được Bộ GDĐT công bố, lấy ý kiến thì đa phần giáo viên phải có các chứng chỉ theo quy định.
Đó là chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; chứng chỉ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông; chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Nhưng nhiệm vụ chính của giáo viên là giảng dạy, hoặc có thể kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm, thư viện, văn phòng (số ít). Với kiến thức thầy cô giảng dạy cho học sinh hiện nay chỉ mang tính phổ thông, ít ai vận dụng kiến thức tiếng Anh nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, trừ một số trường chất lượng cao dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh thì giáo viên mới có cơ hội sử dụng ngoại ngữ này. Việc yêu cầu mọi giáo viên phải đạt chứng chỉ ngoại ngữ hay tin học là không phù hợp.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng chỉ ra trong quá trình đào tạo ở các trường sư phạm, các thầy cô đã được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ở những mức độ khác nhau rồi, nên việc tiếp tục phải bồi dưỡng thêm để có chứng chỉ là chưa thiết thực.
Những nội dung về ngoại ngữ, tin học tới đây sẽ được tính toán để đưa vào chương trình đào tạo giáo viên một cách phù hợp là ý kiến của tư lệnh ngành giáo dục.
TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng thừa nhận nếu toàn dân biết ngoại ngữ thì quá tốt. Nhưng yêu cầu giáo viên nào cũng phải biết ngoại ngữ là điều không tưởng. Nên khi đặt ra quy định vượt quá khả năng thật của giáo viên thì sẽ dẫn đến tình trạng đối phó.
Ngay cả những giáo viên có học ngoại ngữ chăm chỉ, thực chất để lấy bằng B, bằng C, chứng chỉ… nhưng không dùng đến một thời gian sẽ rất dễ quên. Vì vậy, việc yêu cầu giáo viên có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đang đâu đó gây lãng phí tiền bạc, thời gian của giáo viên.
Học tập là suốt đời
Người viết bài này từng có dịp nghe chia sẻ của cô Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) về việc đào tạo giảng dạy trực tuyến cho giáo viên trong nhà trường. Đối với nhiều thầy cô giáo có tuổi, để sử dụng thành thạo các ứng dụng tin học là điều vô cùng khó khăn, đến độ một cô giáo còn ví là khó hơn đi “xếp gạch ngoài sân trường”.
Nhưng rồi, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm, các trường phải nghỉ học. Trường Nguyễn Tất Thành là một trong những trường đầu tiên của Hà Nội và cả nước triển khai dạy online theo đúng thời khóa biểu trên lớp.
Khó khăn ban đầu cũng qua nhanh vì trước hết, đó là yêu cầu bắt buộc. Mỗi giáo viên đã không ngừng nỗ lực với sự hỗ trợ của ban giám hiệu và tổ kỹ thuật 24/24h bất cứ khi nào giáo viên cần trợ giúp là các đồng nghiệp sẵn sàng hỗ trợ…
Nhắc lại câu chuyện này để thấy, kể cả những giáo viên sở hữu chứng chỉ tin học hạng B, hạng C loại giỏi nhưng lâu rồi không dùng đến, kiến thức cũng sẽ bị mai một, nhất là trong bối cảnh internet mỗi ngày một phát triển như vũ bão.
Ngược lại, không cần chứng chỉ làm đẹp mà thực chất khi công việc đòi hỏi người giáo viên bắt buộc phải sử dụng thì thầy cô sẽ tìm ra được hướng đi, cách làm phù hợp với mình để đảm bảo yêu cầu công việc.
Tương tự, đối với việc học ngoại ngữ, những chứng chỉ, bằng nọ bằng kia sẽ không có tác dụng nếu học xong “bỏ xó” không sử dụng. Kể cả những người học thật, thi thật, bằng cấp thật cũng sẽ bị mai một vì ngoại ngữ là ngôn ngữ. Ngôn ngữ không sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, không được dùng trong công việc thì còn đâu là ngôn ngữ sống?
PGS.TS Lê Văn Canh (Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội) trong một buổi hội thảo từng khiến cả hội trường dậy sóng với câu hỏi “Học Tiếng Anh để làm gì?”. Ông cho biết học sinh học xong phổ thông, thậm chí tốt nghiệp ĐH, không giao tiếp được bằng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
Theo ông, tiếng Anh rất cần nhưng mỗi người cần một kiểu khác nhau, không ai giống ai. Mục tiêu học tiếng Anh đối với học sinh phổ thông và sinh viên ĐH khác nhau. Những học sinh muốn đi làm công nhân sẽ học ngoại ngữ khác với những em muốn đi du học hay trở thành nhà nghiên cứu khoa học... Khi có mục tiêu rõ ràng, học mới có hiệu quả bền vững.
“Cần quan tâm đến việc phát triển kỹ năng tự học cho người học. Học ngoại ngữ là một quá trình gian khổ đòi hỏi nhiều thời gian và việc học trên lớp không bao giờ đủ…”, PGS. TS Lê Văn Canh chia sẻ.
GS Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, một trong những chuyên gia hàng đầu về Tiếng Anh tại Việt Nam trong một cuộc trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết từng lý giải việc nhiều người cho rằng có giai đoạn vàng để học ngoại ngữ.
Song trên thực tế không có cái gọi là “tuổi vàng” cho việc học ngoại ngữ mà ngược lại, học ngoại ngữ ở độ tuổi nào cũng được với điều kiện là người học đam mê, có phương pháp học đúng đắn và xác định được mục tiêu thật sự.
Nhìn sang những chứng chỉ, bằng cấp ngoại ngữ bắt buộc phải có nhưng người học lại thiếu sự đam mê, kể cả học với phương pháp đúng đắn nhưng mục tiêu là để có chứng chỉ thì sớm hay muộn, kiến thức cũng sẽ dần bị rơi rụng vì không được sử dụng, vận dụng thường xuyên. Trong khi với giáo viên, chuyên môn giảng dạy mới là quan trọng nhất, cần trau dồi, nâng cao thường xuyên để không bị lạc hậu, chậm tiến.
“Để tránh lãng phí về tiền bạc thời gian và công sức cho những chứng chỉ bắt buộc nhưng công việc không cần dùng đến dù chỉ rất nhỏ, theo tôi tới đây công việc nào cần chuyên môn gì thì kiểm tra năng lực chuyên môn đó như các doanh nghiệp họ phỏng vấn cho vị trí nào thì tuyển người có chuyên môn đó” – PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT đề xuất.