Đánh giá thực chất năng lực cán bộ
Phải rà soát, đánh giá lại từng vị trí xem có cần thiết phải yêu cầu những văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ tin học hay không. Nếu ngoại ngữ và tin học là thực sự cần thiết phải có các cuộc sát hạch chất lượng cán bộ bằng hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính hoặc phỏng vấn trực tiếp để tránh bệnh hình thức, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng đã có cuộc trò chuyện với Đại Đoàn Kết.
PV: Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã làm việc với Bộ Nội vụ để thống nhất việc xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên. Dự kiến, tháng 12/2020 sẽ ban hành quy định cụ thể về vấn đề này, quan điểm của ông về vấn đề này?
Ông Trần Hữu Thắng: Tôi cho rằng, việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thì phải rà soát, đánh giá lại vấn đề này một cách cụ thể. Đừng vội vàng vì lý do nào đó mà mình nói rằng, thủ tục này hình thức, phải bớt đi thì vô hình trung, không cẩn thận người ta không phấn đấu cho việc nâng cao trình độ tin học, nâng cao trình độ ngoại ngữ nữa.
Tôi vẫn cho rằng, chỉ nên bỏ chứng chỉ với người có trình độ ngoại ngữ trong bằng đại học đã tốt nghiệp trường ngoại ngữ rồi hoặc những người là dân công nghệ thông tin, đã có chuyên ngành này rồi thì không cần thi nữa.
Vấn đề quan trọng ở chỗ cả việc học và thi phải là thực chất để khuyến khích người ta trau dồi, học tập, coi đó là việc làm bắt buộc, thường xuyên chứ không đối phó với việc đó để có một tấm văn bằng, hay chứng chỉ. Thực tế, có nhiều trường hợp chứng chỉ mang tính hình thức nhưng không phải là tất cả; thế nên mới cần có một cuộc tổng rà soát, phải đánh giá một cách công bằng, khách quan.
Vấn đề mà dư luận xã hội bức xúc ở đây chính là câu chuyện chứng chỉ ngoại ngữ với tất cả giáo viên, trong khi với công tác giảng dạy những kỹ năng này là không được dùng tới, dẫn đến tình trạng nhiều người học giả và chứng chỉ cũng giả?
- Quan trọng là phải có giải pháp với trường hợp lấy các chứng chỉ này không hợp pháp, không đúng quy trình. Nhưng theo tôi, để loại trừ tận gốc chứng chỉ giả cần có giải pháp ngăn chặn tổ chức, cơ quan người ta làm chứng chỉ giả.
Vậy đánh giá năng lực của cán bộ sẽ theo hướng nào thưa ông?
- Chúng ta phải xem xét lại các môn thi bắt buộc của một lần thi để chuyển ngạch, nâng ngạch vào các vị trí công việc khác nhau. Quan trọng là việc thi này phải đánh giá đúng năng lực, đánh giá thực chất chất lượng cán bộ. Trước đây mình sắp xếp cán bộ công chức, viên chức theo ngạch bậc, vừa rồi, mình tiến bộ trong Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức kết hợp cả hai vị trí việc làm và ngạch bậc.
Xu hướng thế giới đang làm theo vị trí việc làm chứ không làm theo ngạch bậc nữa. Nước mình cũng nên cố gắng tiến lên bước này để đánh giá thực chất cán bộ. Nếu áp dụng vị trí việc làm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ thì vị trí việc làm nào cần môn học nào, cần thi gì thì yêu cầu phải thi môn đó chứ không rập khuôn như hiện nay.
Nếu các kỳ thi được tổ chức một cách công khai, minh bạch bằng phỏng vấn trực tiếp hoặc thi trắc nghiệm trên máy tính thì những văn bằng, chứng chỉ trên là vô giá trị.
Thưa ông, một điều nữa khiến dư luận băn khoăn đó là có quá nhiều thủ tục, giấy tờ trong thi tuyển cán bộ?
- Đúng là có việc đó. Vẫn còn nhiều giấy tờ, thủ tục trong công tác thi tuyển cán bộ, việc này các cơ quan, tổ chức đã nhìn thấy nhưng mình còn chậm thay đổi những quy định này cho đúng với thực tiễn. Chúng ta vẫn thiết kế một mẫu hình chung cho tất cả. Điều này cần cải tiến, đổi mới cho phù hợp với từng vị trí của công việc.
Trân trọng cảm ơn ông!