Vướng mắc tại thủy điện Khe Bố: Dân chờ đến bao giờ?

Điền Bắc 01/12/2020 08:40

Sau 7 năm đi vào vận hành và hơn 14 năm từ ngày dự án thủy điện Khe Bố (Tam Quang, Tương Dương, Nghệ An) được khởi công vẫn còn hàng trăm hộ dân đi đòi quyền lợi của mình.

Dự án thủy điện Khe Bố được xây dựng trên sông Cả năm trên địa bàn xã Tam Quang, huyện Tương Dương (Nghệ An) với công suất 100MW gồm 2 tổ máy. Dự án được khởi công vào tháng 09/2007 do Công ty Cổ phần Phát triển điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư và trực tiếp quản lý dự án. Quá trình xây dựng, đã ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân của 7 xã, thị trấn. Thời điểm đó, việc đền bù GPMB được triển khai quyết liệt. Vậy nhưng, không hiểu sao sau 7 năm đi vào vận hành và hơn 14 năm từ ngày dự án được khởi công vẫn còn hàng trăm hộ dân đi đòi quyền lợi của mình.

Thủy điện Khe Bố - dù đã đi vào hoạt động 7 năm nay, nhưng quyền lợi của người dân khi nhường đất cho dự án vẫn chưa chủ đầu tư đoái hoài.
Thủy điện Khe Bố - dù đã đi vào hoạt động 7 năm nay, nhưng quyền lợi của người dân khi nhường đất cho dự án vẫn chưa chủ đầu tư đoái hoài.

Chây ì chi trả

Như chúng tôi đã phản ánh, dù đã đi vào vận hành 7 năm nay nhưng đến nay, tại Dự án thủy điện Khe Bố vẫn còn rất nhiều vướng mắc, tồn tại. Cụ thể, theo số liệu thống kê, liên quan đến thủy điện Khe Bố hiện có 45 vấn đề tồn tại trên địa bàn 6 xã, thị trấn.

Đó là các nội dung tồn đọng về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; về bù trừ chênh lệch nơi đi nơi đến; về việc cắm mốc tăng dày và điều chỉnh đường ven lòng hồ có sự sai lệch giữa hồ sơ được cấp có thẩm quyền phê duyệt với thực tế; là việc điều chỉnh hồ sơ quy hoạch ban đầu có sự sai lệch đối với các khu tái định cư; là việc cung cấp hồ sơ địa chính phục vụ lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSD đất đối với các hộ bị ảnh hưởng do ngập lòng hồ thủy điện (UBND huyện yêu cầu từ năm 2018 nhưng chưa được chủ đầu tư thực hiện).

Tính ra, có đến hàng trăm hộ dân và hàng trăm thửa đất các loại chưa được lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ; hoặc chưa thống nhất về phương án, nên chưa ký hồ sơ bồi thường, hỗ trợ về đất. Bên cạnh đó, còn có hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng lũ năm 2018 cũng chưa được giải quyết…

Ông Lương Văn Khiền – trú tại bản Tam Hương, xã Tam Quang bên mảnh đất bị thu hồi nhưng chưa được đền bù.

Theo đó, hiện nay tại 6 xã đang còn hàng trăm hộ dân với hàng trăm thửa đất chưa được hỗ trợ đền bù, nhiều tồn tại cần phải giải quyết. Cụ thể, tại thị trấn Thạch Giám có 200 hộ, xã Tam Thái có 136 hộ, xã Yên Thắng 21 hộ, xã Tam Quang 115 hộ, xã Tam Đình có 158 hộ, xã Xá Lượng có hơn 200 hộ.

Nhìn vào số liệu được công bố thật sự đáng buồn, bởi không ai nghĩ rằng, một dự án thủy điện có công suất 100MW, được đi vào tích nước hoạt động từ năm 2013, với công suất 100MW, sản lượng trung bình mỗi năm khoảng 400 triệu kWh/năm, tổng doanh thu khoảng 450 tỷ/năm. Mỗi năm đóng ngân sách cho Nhà nước khoảng 95 tỷ đồng.

Được xem là một trong 3 thủy điện lớn nhất xứ Nghệ nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong những vướng mắc cho người dân. “Chúng tôi cũng không nghĩ họ thờ ơ với dân như thế, khi dự án vào, dân chúng tôi nhường đất, nhường rừng, nhường nơi ở ngàn đời cho họ xây dựng. Vậy nhưng, đã gần 15 năm ròng rã, đổi lại chúng tôi không được gì, chỉ mất thời gian đi kiến nghị”, ông Lương Văn Thoại trú bản Tam Hương, xã Tam Quang bức xúc.

Anh Nguyễn Văn Dương (SN 1981) trú tại làng Khe Bố, xã Tam Quang bị thiệt hại nặng sau trận ngập lụt vào năm 7/2018 mà theo người dân là do thủy điện Khe Bố xả lũ.

Bức xúc đến nỗi, trong một lần làm việc với chủ đầu tư, ông Nguyễn Văn Hải – Bí thư huyện Tương Dương cho rằng, nguyên nhân cơ bản dẫn đến nhiều tồn tại là do chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, cố tình thực hiện không đúng quy trình, quy định của nhà nước, đưa ra những lý do không chính đáng để chây ì việc chi trả…

Thậm chí, ông Hải còn quả quyết với những vị trí đã được kiểm kê, kiểm đếm, trích lục, hoàn thiện hồ sơ thì chủ đầu tư phải phê duyệt phương án để hoàn thành việc chi trả trước ngày 31/12/2020.

Đồng thời chỉ đạo UBND huyện, Văn phòng Huyện ủy hoàn thiện báo cáo để gửi lên Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh. Trong báo cáo nêu rõ thực trạng và đề nghị UBND tỉnh xem xét, nếu chậm xử lý các tồn tại, vướng mắc thì có văn bản trình Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam dừng việc tích nước thủy điện Khe Bố.

Thực tế giật mình

Đem những con số thu thập được, chúng tôi về với người dân để đối chiếu. Thực tế còn giật mình hơn. Qua trao đổi với người dân địa phương, những hộ trực tiếp bị ảnh hưởng bởi dự án, chúng tôi thấy, những thắc mắc ấy là có cơ sở, thậm chí những hộ này phải được ưu tiên đền bù trước. Có mặt tại bản Tam Hương, xã Tam Quang vào những ngày cuối tháng 11, nơi đóng chân của thủy điện Khe Bố.

Khi biết chúng tôi về tìm hiểu những vướng mắc, tồn tại kéo dài tại dự án này. Nhiều hộ dân đã vây lấy để được trình bày. Xin được trình bày trước là ông Vi Văn Tiến (63 tuổi) cho biết, gia đình cách chân đập chừng vài trăm mét, ngày ấy một phần diện tích đất vườn được giao cho thủy điện làm mặt bằng. Vì dự án, gia đình đã nhượng đất, vậy nhưng đến nay chủ đâu tư vẫn không thực hiện bồi thường TĐC.

“Chừng ấy năm, dù đất đã nhường nhưng chúng tôi vẫn chưa được bồi thường. Đề nghị chủ đầu tư nếu không thực hiện bồi thường TĐC cho chúng tôi thì đề nghị có văn bản trả lại đất, để có cơ sở cấp bìa đỏ”, ông Tiến mong muốn. Đó cũng là quan điểm của 3 hộ dân gồm hộ ông Lương Văn Khiển, Lương Văn Thoải, Vi Văn Tặm. Cả 4 hộ đều mong sử dụng đất để ở chứ không nhận tiền đền bù. Điều đáng nói, những kiến nghị trên đã được chủ đầu tư đã cam kết thực hiện tại mục 11, biên bản làm việc ngày 10/8/2018, nhưng đến nay chưa thực hiện.

Nền móng nhà
Nền móng nhà

Cũng tại xã Tam Quang, hiện có 67 hộ dân tại làng Khe Bố bức xúc vì hơn 2 năm qua chủ đầu tư vẫn chưa giải quyết dứt điểm phương án hỗ trợ do ảnh hưởng xả lũ năm 2018 theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 611/UBND-BTD ngày 17/7/2020.

Có mặt tại gia đình anh Nguyễn Văn Dương (SN 1981) dù đã 2 năm trôi qua, nhưng anh vẫn nhớ như in vào ngày 19/7/2018 khi nhà máy thủy điện Khe Bố xả lũ gây ngập úng nặng, gây thiệt hại nặng nề về tài sản.

“Ngày 19/7/2018, chúng tôi nhận được thông báo qua loa đài xả lũ, nhưng chưa đầy 1 tiếng đồng hồ sau, cả làng đang trong giai đoạn chuẩn bị di dời tài sản thì nước lũ ập đến. “Lúc đó, tôi nhờ mấy thanh niên khỏe mạnh trong làng chuyển giúp điều hòa, loa máy...còn lại bị ngập hết. Vì gia đình kinh doanh karaoke nên thiệt hại rất lớn”, anh Dương chia sẻ.

Cạnh nhà anh Dương là gia đình bà Bùi Thị Huệ (67 tuổi) cũng bị ảnh hưởng tương tự. Theo bà Huệ, chưa khi nào người dân ở đây bị ngập nặng như vậy, trên thì thủy điện Khe Bố xả lũ, dưới thủy điện Chi Khê giữ nước không xả, liên tục như vậy gần nửa tháng.

“Nền móng căn nhà của gia đình bị sập, nứt ngang, dọc, đến nay chúng tôi vẫn chưa được đền bù”, bà Huệ bức xúc. Sau sự việc trên, người dân đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng mong muốn được xem xét giải quyết có biện pháp để hỗ trợ, đền bù thiệt hại về tài sản. Tuy nhiên, người dân ở đây chỉ nhận được câu trả lời chối bỏ trách nhiệm của nhà máy thủy điện Khe Bố, còn cơ quan chức năng thì không có văn bản trả lời. Và đến nay, những kiến nghị ấy vẫn còn nằm trên giấy.

Điền Bắc