Nhân rộng mô hình xã hội học tập ra cả nước

Nguyễn Phượng 01/12/2020 15:32

Ngày 1/12, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Đại hội biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2016 – 2020. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài tham dự.

Bà Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam tặng bằng khen cho các gia đình, dòng họ hiếu học tiêu biểu.
Bà Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam tặng Bằng khen cho các gia đình, dòng họ hiếu học tiêu biểu.

Cùng tham dự còn có đại diện lãnh đạo Trung ương, địa phương và 294 đại biểu đại diện cho gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập tiêu biểu toàn quốc.

Nguyên Phó Chủ tịch nước, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, phong trào xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập được triển khai có nề nếp và đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng xã hội học tập ngay từ cơ sở.

Tính đến hết tháng 9/2020, tỷ lệ gia đình học tập đạt gần 73% so với tổng gia đình trong cả nước. Tỷ lệ dòng họ học tập đạt 66,5% số chi tộc trong cả nước. Tương tự, tỷ lệ cộng đồng học tập đạt trên 65% số thôn, bản, tổ dân phố đơn vị học tập đạt 85 gần 86% số cơ quan, công sở, trường học, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ…do cấp xã quản lý.

“Nhiều gia đình nông dân hoặc công nhân, những người buôn bán nhỏ đã trở thành gia đình cử nhân, gia đình thạc sĩ hoặc gia đình tiến sĩ. Nhiều gia đình hiếu học có con em làm ở các công ty trong nước và ở nước ngoài, những cán bộ quản lý, những sĩ quan và những doanh nhân thành đạt. Các địa phương có số gia đình học tập với tỷ lệ đạt trên 80% so với tổng số gia đình trên địa bàn là Phú Thọ, Cao Bằng, Lào Cai, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Nam, Hải Dương…”, bà Nguyễn Thị Doan nói.

Tiêu biểu như chị Lê Ngọc Chi, phường Châu Phú A, Thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang đã nỗ lực vượt khó để học tập chăm lo cho mình và giúp đỡ mọi người xung quanh. Chị Chi cho biết, vì hoàn cảnh gia đình có quá nhiều khó khăn, bản thân lại là chị cả trong nhà nên chị phải nghỉ học để phụ giúp bố mẹ. Nhưng niềm đam mê học tập của chị chưa bao giờ vơi cạn.

Hàng ngày chị phải đi làm để có tiền phụ giúp gia đình. Tối đến chị lại tranh thủ theo học các lớp tiếng Anh. Dần dần chị trở thành người dạy tiếng Anh cho trẻ em và người lớn bằng việc mở lớp đàm thoại Anh ngữ. Nhận thấy kiến thức vi tính của mình còn kém cỏi, chị còn theo học khóa học “kỹ thuật viên vi tính” rồi mở phòng dạy vi tính tại nhà. Để có thêm thu nhập, chị còn học thêm nghề sữa chữa điện thoại. Từ nguồn thu nhập đó các em của chị đã được đến trường học hành đàng hoàng, có việc làm ổn định, đảm bảo cuộc sống.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của Hội Khuyến học Việt Nam trong việc xây dựng xã hội học tập. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, giáo dục có được như ngày hôm nay là nhờ sự đóng góp tích cực của hệ thống khuyến học cả nước và sự đồng tình của nhân dân trong việc hưởng ứng, tham gia xây dựng các mô hình học tập. Những tấm gương được tuyên dương hôm nay thật sự là những bông hoa đẹp, đại diện cho hàng triệu tấm gương hiếu học trong cả nước.

Trân trọng các mô hình học tập sáng tạo, thiết thực; trân trọng sự phát triển sâu rộng của phong trào học tập, sự đóng góp to lớn của Hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, qua phong trào sẽ góp phần đẩy mạnh học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và toàn xã hội. Việc làm đó đã đáp ứng được nguyện vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Thời gian tới, Hội Khuyến học cùng với các bộ ngành ở Trung ương và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, mở rộng quy mô từ gia đình ra dòng họ, cộng đồng; từ xã đến huyện, đến tỉnh và cả nước; có sự chỉ đạo thống nhất và xây dựng cơ chế giao nhiệm vụ đi kèm kinh phí thực hiện cho Hội Khuyến học…

Nhân dịp này, Hội Khuyến học Việt Nam đã trao thưởng cho 294 đại biểu đại diện cho gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2016 - 2020.

Nguyễn Phượng