Giải cứu VNA và ‘bóng ma’ bảo hộ
Dư luận đang đổ dồn trách móc tiếp viên Vietnam Airlines coi thường sức khỏe cộng đồng khi vẫn tiếp xúc trong thời gian cách ly, gây lây nhiễm Covid-19 khiến thành phố lớn nhất nước đang trong tình trạng bất an. Kịch bản bùng phát đợt dịch mới gây lo ngại về thiệt hại quá lớn cho đất nước, lớn hơn nhiều lần 12.000 tỷ đồng mà VNA vừa được duyệt giải cứu, nếu lần này lây nhiễm rộng ra cộng đồng.
Việc Vietnam Airlines được “giải cứu” trong khi hãng bay tư nhân vẫn chờ được cứu xét một lần nữa cho thấy thực tế: Vẫn ưu đãi doanh nghiệp nhà nước hơn doanh nghiệp tư nhân. “Bóng ma” bảo hộ dường như lại xuất hiện, ám ảnh khu vực kinh tế tư nhân và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng mà Đảng đã xác định, Chính phủ nỗ lực thực hiện.
VNA được cứu bằng chính sách riêng
Hàng không tư nhân hiện đã vươn lên chiếm lĩnh thị phần nội địa lớn nhất và chiếm ngang ngửa với VNA về thị phần quốc tế. Trong những năm gần đây, khoảng 80% tăng trưởng của ngành hàng không là từ 2 hãng bay tư nhân. Từ chỗ VNA được độc quyền về thị trường, về vốn đầu tư, được ưu tiên được bay trong lúc đại dịch Covid-19 căng thẳng nhất đến lúc các hãng khó khăn nhất, bị cạn kiệt dòng tiền hoạt động, VNA lại được ưu tiên bổ sung 12.000 tỷ đồng. Trong đó có 6.800 tỷ đồng từ vốn nhà nước, 4.000 tỷ đồng vay ưu đãi bằng lãi suất tái cấp vốn với bảo lãnh của Chính phủ.
Thực chất khoản vay ưu đã 4.000 tỷ đồng là chính sách dành riêng cho VNA. Trước đó, 2 hãng bay tư nhân, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không không ít lền đề xuất Chính phủ xem xét, hỗ trợ công bằng cho các hãng hàng không, trong đó có khoản 25.000 tỷ vay dài hạn lãi suất ưu đãi dành cho tất cả các hãng hàng không. Thế nhưng lần này, chỉ VNA được cứu bằng chính sách riêng, gói riêng. “Bóng ma” bảo hộ dường như lại xuất hiện.
Lãnh đạo VNA thừa nhận năm nay VNA lỗ 14 - 15.000 tỷ đồng, sang năm lỗ tương tự, tức 2 năm lỗ gần 30.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của VNA đầu năm nay là 18.600 tỷ, giờ còn 6.600 tỷ đồng. Ngân sách đang khó khăn, vốn ngân sách là từ thuế của người dân, doanh nghiệp, trong đó có thể từ hãng đối thủ cạnh tranh của VNA. Dịch còn phức tạp, VNA không biết khi nào hết lỗ chứ chưa nói gì đến hoàn vốn, tăng vốn chủ sở hữu nhà nước. Vậy mà đầu tư hết vào “giỏ” VNA liệu có mạo hiểm? Trường hợp xấu là VNA tiếp tục thua lỗ không có khả năng hồi phục, Chính phủ liệu có thu hồi được không? Ai là người chịu trách nhiệm với hàng chục nghìn tỷ vốn đầu tư nhà nước vào VNA?
Ưu tiên, bảo hộ cho chỉ một hãng hàng không là dùng chính sách để xác định trước người thắng cuộc, hoặc người được cứu. Điều này trái với quy định của Luật Hàng không và triệt tiêu động lực cạnh tranh của thị trường. Không có cạnh tranh, chất lượng và giá cả của dịch vụ hàng không khó lòng được cải thiện. Mà như vậy thì người dân sẽ không được hưởng lợi gì.
Các hãng hàng không trong nước có cạnh tranh bình đẳng với nhau để vươn lên thì năng lực của toàn bộ ngành hàng không quốc gia mới được tăng cường. Chỉ khi có cạnh tranh người dân mới được hưởng giá vé rẻ hơn, dịch vụ tốt hơn. Khi ra thị trường thế giới, năng lực cạnh tranh của ngành hàng không Việt Nam chắc chắn mạnh mẽ hơn với các hãng được quản lý tốt, chi phí giá vé thấp.
Ở góc độ đóng góp cho ngân sách quốc gia, các hãng tư nhân, khi hoạt động hiệu quả như vừa qua thì chắc chắn các loại thuế thu nộp ngân sách là rất lớn, hàng ngàn tỉ mỗi năm. Nếu dùng chính sách bảo hộ kìm hãm làm giảm doanh thu, thậm chí khiến hãng bay tư nhân phải rút lui khỏi thị trường vì không được cứu như VNA trong đại dịch Covid 19 này thì ngân sách cũng giảm thu theo.
Muốn trở thành nòng cốt, VNA phải cạnh tranh bình đẳng
Trước đó, Quyết định 236 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 có nội dung ‘xây dựng VNA thành lực lượng vận tải hàng không nòng cốt’. Một số động thái ưu ái VNA để thực hiện mục tiêu này của Bộ GTVT đã bị truyền thông lên tiếng phản đối.
Để đưa VNA thành lực lượng vận tải hàng không nòng cốt thì phải tạo một nền tảng và sức ép buộc VNA phải cạnh tranh bình đẳng để vươn lên chứ không thể bằng chính sách bảo hộ, bằng hành động ưu ái. Khoanh sẵn thị trường, bổ sung thêm vốn chỉ cho 1 hãng khi hãng khác đang suy kiệt dòng tiền vì Covid-19 vì hãng này có vốn nhà nước, được xác định là ‘nòng cốt’ là không được, không nên và có thể làm cho ngành hàng không lụn bại.
Trong khi đó, mục tiêu của các hãng hàng không ở Việt Nam là cạnh tranh với các hãng bay hùng mạnh trên thế giới chứ không phải chỉ ở “ao làng” trong nước như nhiều thập kỷ trước do VNA “một mình một chợ”.
Kinh nghiệm bảo hộ dành cả vốn, thị trường cho doanh nghiệp nhà nước bao năm qua đã cho chúng ta những bài học xương máu, đầy đau thương mất mát. Bài học ưu ái quá nhiều cho doanh nghiệp FDI cũng khiến doanh nghiệp tư nhân càng bị chèn ép, chậm lớn.
Chính phủ và Bộ GTVT bao giờ cũng phải nghĩ đến toàn bộ nền kinh tế của đất nước và cả ngành hàng không chứ không phải chỉ nghĩ đến một hãng. Nhờ có cạnh tranh chúng ta đã có hàng không phổ cập. Chúng ta bước đầu đã có một thị trường hàng không có tính cạnh tranh và áp lực đó thúc đẩy các hãng phải bay đúng giờ hơn, giá vé rẻ hơn, chất lượng phục vụ tốt hơn. Tại sao lại đảo ngược cái ta đã làm được?
Dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 một lần nữa xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Muốn tự lực, tự cường thì doanh nghiệp tư nhân phải thực sự mạnh, phải được yên tâm đầu tư, kinh doanh, không còn bị ám ảnh bởi ‘bóng ma’ bảo hộ. Cùng với việc hỗ trợ VNA thì Chính phủ cần đồng thời hỗ trợ cho các hãng bay tư nhân. Như thế sẽ khiến các hãng cạnh tranh bình đẳng, có lợi cho môi trường kinh doanh không phân biệt đối xử nước ta đang theo đuổi, thực hiện.