Tự chủ đại học: Không thể buông lỏng giám sát
Từ những sai phạm trong đào tạo văn bằng 2 tại Trường ĐH Đông Đô vừa bị phanh phui, câu hỏi đặt ra là trách nhiệm giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ GDĐT ở đâu khi để Trường ĐH Đông Đô tuyển sinh và đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh trái quy định?
Trách nhiệm giám sát
Theo kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công An, quá trình hoạt động, Trường ĐH Đông Đô chưa được Bộ GDĐT cho phép đạo tạo văn bằng 2 theo quy định tại Quyết định số 22/2001/QĐ BGDĐT ngày 26/6/2001 của Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định về đào tạo cấp bằng ĐH thứ hai. Nhưng từ năm 2015, trường đã được Bộ GDĐT thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và cho đăng tải Đề án tuyển sinh lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT, trong đó có cả chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.
Rõ ràng đây là một nghịch lý khi Bộ GDĐT không cấp phép nhưng vẫn cho đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ với nội dung về trường có đào tạo văn bằng 2 chính quy.
Đối với người học, khi tìm hiểu về chương trình đào tạo của các nhà trường, thông tin đăng trên website của nhà trường chính là một cơ sở quan trọng để họ quyết định. Càng tin tưởng hơn nếu thông tin này được đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ GDĐT vì tâm lý Bộ GDĐT chắc chắn phải kiểm duyệt trước khi đăng tải. Song thực tế đã chứng minh, ngay cả thông báo có chữ ký, dấu đỏ của Bộ GDĐT về chỉ tiêu tuyển sinh của các trường của các năm học từ 2015 đến năm 2017 cũng có thông tin về chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy của Trường ĐH Đông Đô thì làm sao để người học và xã hội đối chiếu thông tin sai đúng?
Hiện nay, với chủ trương tự chủ, các trường ĐH đang được tự chủ rất cao trong tuyển sinh. Nhưng ngoài việc căn cứ vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm do Bộ GDĐT ra đề thi chung là cơ sở chung để xã hội nhìn vào chất lượng các trường thì với các hình thức tuyển sinh khác như xét học bạ, tổ chức kỳ thi riêng, xét tuyển kết hợp… xã hội rất khó đánh giá và giám sát chất lượng đầu vào của mỗi trường đang ở mức nào. Bộ GDĐT cũng chỉ đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với khối ngành sức khỏe và sư phạm do tình trạng những năm trước đó, nhiều trường tuyển sinh với điểm trúng tuyển rất thấp khiến xã hội bức xúc.
Đó là tuyển sinh chính quy còn tuyển sinh văn bằng 2, tại chức, liên kết hoặc đào tạo sau ĐH thì mỗi trường mỗi… phách. Mặc dù trên lý thuyết là trường nào cũng phải giữ thương hiệu của mình bằng chất lượng nhưng chính Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn từng chỉ ra một nghịch lý là tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ ở những trường tốp cao kém hơn các trường khác.
Một bộ phận người học tìm đến những nơi đó, đầu vào và đầu ra đều dễ dàng là một bất cập hiện nay trong thực tế. Trách nhiệm giám sát của các cơ quan quản lý, trong đó có Bộ GDĐT sẽ như thế nào nếu các trường không trung thực, thậm chí cố tình gian dối? Bằng chứng là đa số các vụ sai phạm bị phát hiện là do truyền thông lên tiếng còn ít khi công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ và các cơ quan chức năng phát hiện ra tiêu cực từ phía các trường. “Nếu chỉ trông chờ vào trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục ĐH mà thiếu trách nhiệm giám sát, thanh kiểm tra của các cơ quan quản lý thì khó đem lại kết quả như kỳ vọng”- TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam nhấn mạnh.
Xử lý thế nào?
Tại hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH được tổ chức vào ngày 17/7/2019, Bộ trưởng GDĐT đã phát biểu: “Các trường ĐH phải minh bạch điều kiện đảm bảo chất lượng, để những trường nào chất lượng sau một thời gian không cải thiện được thì phải đóng cửa...”.
Hiện nay với Trường ĐH Đông Đô, trong đào tạo đã vi phạm pháp luật. Dư luận đang đặt câu hỏi Bộ GDĐT có tham mưu, đề xuất đóng cửa nhà trường?
Tới thời điểm này, thông tin chính thức tới báo chí về những sai phạm trong việc đào tạo văn bằng 2 của Trường ĐH Đông Đô, Bộ GDĐT khẳng định sẽ kiên quyết xử lý những trường hợp sử dụng văn bằng được cấp sai quy định; thu hồi và hủy bỏ những văn bằng này.
Đại diện Bộ cũng thừa nhận thời gian qua, cùng với việc các cơ sở giáo dục ĐH được mở rộng quyền tự chủ, đã có tình trạng lạm dụng để làm sai. Mặt khác, công tác quản lý nhà nước của Bộ GDĐT trước đây cũng còn một số vấn đề bất cập, cần được tiếp tục chấn chỉnh, hoàn thiện. “Tuy nhiên, trong vụ việc này không có việc buông lỏng quản lý để tạo kẽ hở cho trường sai phạm”, đại diện Bộ chia sẻ và cho biết sau khi cơ quan điều tra có kết luận chính thức, Bộ GDĐT sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm đối với những đơn vị, cá nhân có liên quan; nếu có sai sót, vi phạm. Điều này đồng thuận với nhiều ý kiến đề xuất xử lý nghiêm những cá nhân có liên quan ở Bộ GDĐT tới vụ việc của Trường ĐH Đông Đô để tránh lặp lại sai phạm tiếp theo.
Bà Bùi Thị An- Đại biểu Quốc hội khóa 13 nhấn mạnh, ngay cả với những trường hợp sử dụng bằng giả để trục lợi cá nhân cũng cần xử lý nghiêm minh vừa để răn đe, vừa có tính giáo dục đối với những trường hợp khác. Bởi làm nghiên cứu khoa học mà gian dối thì không thể chấp nhận được. Nghiên cứu sinh và tiến sĩ mà trắng trợn mua bằng, làm giả chứng chỉ thì không có đủ tư cách…