'Nọc độc' trên mạng xã hội: Cha mẹ phải biết cách bảo vệ con
Thời hiện đại, không thể tránh khỏi việc trẻ em sử dụng các thiết bị điện tử, tiếp xúc với mạng Internet. Tuy nhiên, cha mẹ cần có sự chuẩn bị tốt cho con về mặt tâm lý, tránh tình trạng “bỏ mặc”, gây ra hệ luỵ không đáng có.
Hệ luỵ từ các nội dung độc hại trên mạng xã hội
Gần đây, xảy ra liên tiếp các vụ việc trẻ em tử vong, nguyên nhân do học theo các video clip trên mạng. Điển hình, vào tháng 10.2020, chỉ 3 phút không có mặt phụ huynh, bé gái D. (5 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) đã dùng vải voan treo cổ trong phòng ngủ theo trò chơi trên YouTube. Sau 4 tiếng đồng hồ nỗ lực cứu chữa, bé đã không qua khỏi.
Tháng 11/2020, bé trai V.P.L. (SN 2012) trú tại ấp Trà Cổ, xã Bình Minh (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) tử vong trong tư thế treo cổ áo đang mặc vào móc áo, nguyên nhân có thể do học theo “thử thách Momo” trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, một vụ việc không kém phần nguy hiểm đã xảy ra cũng do học theo các nội dung trong các video clip là việc bé gái ở Phú Thọ đã nuốt một chiếc bấm móng tay dài 6 cm vào bụng. Gia đình chỉ biết khi cháu đã bị đau bụng, ho nhiều mới hỏi và cháu kể lại vụ việc.
Qua nội soi, các bác sĩ phát hiện và đã làm thủ thuật nội soi lấy được chiếc... bấm móng tay kích thước 1,6 x 6 cm trong dạ dày bé, lẫn với các thức ăn và đã gây tổn thương, gây xước niêm mạc dạ dày.
Đây là những vụ việc điển hình, gióng lên hồi chuông báo động về việc trẻ em tiếp xúc với các nội dung độc hại trên mạng xã hội. Người lớn không có sự kiểm soát kịp thời, dẫn đến hậu quả đau lòng.
Nguyên nhân của vấn đề phát sinh từ tâm lý của trẻ
Trao đổi với chuyên gia tâm lý Giang Đinh về vấn đề này, chuyên gia tâm lý cho biết, phần nhiều nguyên nhân các vụ việc xuất phát từ chính con trẻ. Dưới 18 tuổi, tâm sinh lý của trẻ chưa được ổn định, theo đó, khi xem những nội dung độc hại trên mạng xã hội, trẻ thường bị “kích động”.
Thậm chí, nếu người trưởng thành, hệ thần kinh được phát triển hoàn thiện vẫn có thể bị ảnh hưởng nếu như xem quá nhiều các nội dung độc hại, tác động trực tiếp đến tâm lý.
Đa phần, khi trẻ em tiếp cận với những nội dung đó, tâm lý thường xuất hiện 2 xu hướng chính, bị ám ảnh và muốn bắt chước các hành động có trong video clip. Theo đó, khi trẻ em quan tâm, bày tỏ sự thích thú với một nội dung bất kỳ, trẻ em có thể xem đi xem lại nhiều lần và thực hiện theo hành động đó.
Lỗi một phần do cha mẹ
Chuyên gia tâm lý Giang Đinh nêu ý kiến, trong thời điểm hiện nay, việc cấm đoán trẻ em sử dụng các thiết bị điện tử là điều rất khó, bởi khoảng không gian vui chơi, hoạt động thể chất cho trẻ em không được “rộng” như trước. Trong sinh hoạt thường ngày, trẻ em đa phần đi học về rồi vui chơi trong nhà, ít có sự giao lưu với trẻ em hàng xóm hoặc ra sân chơi do lối sống sinh hoạt hiện nay.
Chính vì vậy, trẻ em thường bị phụ thuộc vào các thiết bị điện tử. Nhiều gia đình do bố mẹ bận cũng thường xuyên cho con chơi, xem ipad, ti vi, điện thoại để bố mẹ tập trung làm việc.
Tuy nhiên, bố mẹ không có thời gian kiểm soát các nội dung mà con đã và đang tiếp cận, đặc biệt là nội dung trong các video clip trên YouTube. Nhiều nội dung xấu, độc đã tồn tại, xen ngang vào các video clip cho trẻ em mà người lớn không hề hay biết.
Từ đó, việc tiếp cận của trẻ em đối với những nội dung đó ngày càng nhiều, vô hình chung đã tác động lên tâm lý của trẻ. Một số trường hợp đã gây ra hệ luỵ đau lòng, bố mẹ không thể “sửa sai”.
Thay vì “né tránh”, hãy chuẩn bị tâm lý tốt cho con
Chuyên gia tâm lý Giang Đinh cho biết, trái lại với việc “né tránh”, thậm chí là cấm đoán, cha mẹ cần phải chuẩn bị tâm lý tốt cho con khi đối mặt với những nội dung đó.
Cụ thể, cha mẹ cần cập nhật những nội dung đang "hot" trên mạng xã hội, đặc biệt những nội dung được trẻ em quan tâm, có xu hướng kích động tâm lý của trẻ. Sau đó, chủ động trao đổi với con về những vấn đề này, giúp con nhận thức đúng sai để tránh bị ảnh hưởng xấu khi vô tình tiếp xúc với những nội dung đó.
Điển hình như “thử thách Momo”, cha mẹ cần tìm hiểu thông tin trên mạng, chia sẻ với con về những thông tin đó. Đồng thời, chủ động đưa câu hỏi tìm hiểu cảm nhận của con về vấn đề này để có sự hướng dẫn, định hướng đúng sai cho trẻ.
Nếu các bậc phụ huynh càng né tránh, thực hiện cấm đoán với trẻ theo một phương pháp bất kỳ, điều này sẽ càng kích thích sự tò mò của trẻ em. Theo đó, có thể gây tác dụng “ngược”.
Chính vì vậy, cha mẹ cần có sự đồng hành cùng con, chuẩn bị tâm lý để con hiểu được tại sao nên tránh xa những nội dung độc hại trên mạng xã hội.