Người vay bị ‘cắt cổ’
Dù bị cấm, nhưng tín dụng đen vẫn như trăm hoa đua nở, len lỏi vào từng ngóc ngách cuộc sống không gì ngăn cản được. Những chiếc vòi bạch tuộc của tín dụng đen đang dần siết chặt quanh cổ những người dân khốn khổ cần vay vốn. Vì sao?
Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam 7 nghi phạm với cáo buộc cho vay nặng lãi với lãi suất “cắt cổ” hơn 120%/năm. Cầm đầu đường dây cho vay nặng lãi này là Nguyễn Trung Hiếu (tức Hiếu “chùa Vua”). Để trốn tránh sự chú ý của các cơ quan thực thi pháp luật, Hiếu “chùa Vua” và đám đàn em đã núp bóng việc bốc bát họ để thực hiện hành vi cho vay nặng lãi “cắt cổ” người dân.
Khi có người muốn “bốc bát họ” với số tiền 5-500 triệu đồng, Hiếu “chùa Vua” sai đàn em đi thăm dò hoàn cảnh gia đình, nhân thân người vay tiền, địa chỉ... để sau này dễ dàng “thu hồi nợ”. Đến thời hạn mà không trả được nợ, đàn em của Hiếu “chùa Vua” sẽ thay nhau đến nhà để đòi tiền. Hình thức đòi nợ của băng nhóm này cũng vẫn là chiêu bài quen thuộc: Chửi bới, đe dọa, ném mắm tôm trộn sơn để tạo áp lực với “con nợ”.
Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội triệt phá các đường dây cho vay nặng lãi với lãi suất cao. Nhiều băng nhóm cho vay nặng lãi khác cũng đã bị công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hốt trọn vào “kho”. Song, tín dụng đen không vì thế mà chấm dứt, hay chí ít là “thuyên giảm”, mà vẫn cứ mặc nhiên tồn tại và hồn nhiên phát triển như cỏ dại, phạt mãi không hết.
Dư luận xã hội không khỏi lo lắng trước vấn nạn tín dụng đen hoành hành công khai, đi cùng với nó là các băng nhóm đòi nợ kiểu xã hội đen gây mất an ninh trật tự. Ở một số đô thị lớn, lực lượng thực thi pháp luật cứ triệt phá được một đường dây tín dụng đen, lập tức lại “mọc” ra vài đường dây mới, hoạt động với thủ đoạn tinh vi hơn. Một số nơi khác, các băng nhóm cho vay nặng lãi nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Nguyên nhân dẫn đến vấn nạn tín dụng đen cũng đã được các chuyên gia kinh tế, tiền tệ, nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Đó là việc nhiều người không thể tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng vì không có tài sản thế chấp, không có người bảo lãnh, mà dù có thì thủ tục cũng rất “loằng ngoằng” mất nhiều thời gian. Vì thế họ tìm đến đến tín dụng đen như một cứu cánh, bởi nó không cần tài sản thế chấp, thủ tục giải ngân lại rất nhanh.
Tạm chưa bàn đến những con bạc khát nước vay mượn để sát phạt đỏ đen. Chỉ riêng những người thực sự có nhu cầu vay vốn để kinh doanh, làm ăn, trang trải các khoản tiêu dùng trong nhà cũng đã là con số cực lớn rồi. Khi đang rất cần vốn để liên doanh với đối tác, lẽ nào doanh nhân không cố “xoay” bằng được tiền dù biết bị “cắt cổ”. Đến hạn trả góp tiền mua nhà cho ngân hàng, có lẽ tín dụng đen sẽ là lựa chọn cho nhiều người.
Theo nguyên lý hoạt động của thị trường, có cầu ắt có cung, khi còn nhiều người có nhu cầu vay vốn nhanh, dễ dàng thì tín dụng đen vẫn còn đất để phát triển. Họ đâu biết rằng bản thân đang tự chui đầu vào rọ, sập bẫy của các băng nhóm cho vay nặng lãi để rồi thân bại danh liệt. Cũng có người biết trước được kết cục thảm hại đó, nhưng vẫn cố bấu víu lấy một tia hy vọng mong manh “đánh nhanh, thắng nhanh”, để không bị vỡ nợ.
Song, một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến thực trạng tín dụng đen phát triển như cỏ dại mà ít người nhắc tới, đó chính là ở một số nơi, một số lúc, một số cá nhân trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật đã bảo kê, bao che cho các đường dây cho vay nặng lãi. Khi có người chống lưng đằng sau, các băng nhóm cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen có lý do gì phải sợ hay kiêng dè? Người dân có tố cáo cũng chẳng có tác dụng gì, thậm chí còn bị trả thù. Vậy thì tốt nhất là yên lặng, không nghe, không biết, không thấy.
Việc trấn áp tội phạm lâu nay không thể phó mặc hoàn toàn vào lực lượng thực thi công vụ tại các cơ quan bảo vệ pháp luật, mà còn phải dựa vào thế trận an ninh nhân dân rất nhiều. Khi mà người dân không nghe, không biết, không thấy thì làm sao các băng nhóm xã hội đen, các đường dây cho vay nặng lãi có thể bị sa lưới pháp luật?
Đó là lý do mà các băng nhóm xã hội đen, các đường dây cho vay nặng lãi vẫn có thể phát triển như cỏ dại sau mưa. Cũng vì thế mà còn rất nhiều người dân bị sập bẫy, để rồi bị chúng “cắt cổ” dẫn đến tán gia bại sản, thân bại danh liệt. Vấn nạn này chỉ có thể chấm dứt khi có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, từ ngân hàng, tổ chức tín dụng, tới các đoàn thể, chính quyền địa phương, nhất là lực lượng công an. Khi đó, có thể người dân sẽ nói không với tín dụng đen, không bị chúng “cắt cổ” nữa.