Trở về quê hương viết truyện ký đầu tiên về Covid-19
Với “Paris+14”, TS Cù Thu Hương, Việt kiều Pháp, người vừa là nhân chứng vừa là nạn nhân của Covid-19 - trở thành người Việt đầu tiên viết truyện ký về đại dịch và được xuất bản ở Việt Nam.
Ngày 2/12, tại Hà Nội, NXB Hội Nhà văn tổ chức buổi giao lưu và ra mắt cuốn truyện ký "Paris+14" của tác giả - TS Cù Thu Hương. Buổi giao lưu - ra mắt có sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học, cùng bạn bè của tác giả.
Phát biểu tại sự kiện, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đồng thời là Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Hội Nhà văn nói: "Cuốn truyện ký “Paris+14” của tác giả Cù Thu Hương cho ta thấy một thế giới thay đổi nhiều bởi những con virus vô hình, không nhìn thấy nhưng làm cho cả thế giới trở nên rối loạn. Qua cuốn sách ta mới nhận thấy chúng ta quá mong manh, yếu đuối… nhưng lại cho ta thấy ẩn trong cái mong manh ấy lại chứa đựng sức mạnh cực kỳ lớn lao và kỳ bí".
Trong khi đó, TS Cù Thu Hương cho biết, “Paris+14” được hình thành trong một tình huống bất ngờ. Chính vì đại dịch Covid-19 ập đến làm đảo lộn thế giới, khiến cho TS Cù Thu Hương trở thành người “bất đắc dĩ” cầm bút viết những điều mắt thấy, tai nghe về đại dịch Covid-19.
Chia sẻ kỹ hơn, TS Cù Thu Hương cho biết: Sau khi đón Tết Canh Tý ở Hà Nội, tôi quay trở lại Paris ngày 6/2/2020. Lúc đó Việt Nam đã bắt đầu có những trường hợp bị phát hiện nhiễm virus Corona chủng mới. Trong khi đó ở Vũ Hán – Trung Quốc đã có nhiều người chết vì nhiễm virus này. Khi đặt chân xuống sân bay ở Pháp, tôi thấy cảnh tượng thưa thớt, vắng vẻ hẳn...
Ở Pháp ít ngày, cảm giác vừa lo sợ, vừa cô quạnh cứ xâm chiếm, muốn cái gì đó ấm áp, bao bọc, TS Cù Thu Hương quyết định quay về Việt Nam. Ngày 14/3, chị lên chuyến bay thương mại cuối cùng của Hàng không Việt Nam từ Paris trở về Hà Nội. Ngày 15/3, đặt chân xuống sân bay Nội Bài, bắt đầu thực hiện việc cách ly 14 ngày tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô (Sơn Tây, Hà Nội).
Từ những trải nghiệm đặc biệt của mình trong đại dịch Covid-19, tác giả Cù Thu Hương đã ghi lại một cách chân thực những điều mình chứng kiến - qua góc nhìn và thông tin mà chị thu nhận được. Những cung bậc cảm xúc, lúc vui, khi buồn, thậm chí lo lắng, hoảng sợ… đã xuất hiện trong hành trình di chuyển được chị ghi chép lại, đôi chỗ khiến độc giả xúc động.
Trong những ngày ở Pháp, TS Cù Thu Hương tiếp tục theo dõi diễn biến về dịch bệnh trên toàn thế giới qua các phương tiện truyền thông và chứng kiến những ngày đầu, người Pháp còn khá bình thản, hầu như chẳng lo lắng. Nhưng rồi, hàng ngày theo dõi tin tức, lại thêm thời tiết ở Pháp lúc nóng, lúc lạnh thất thường nên tác giả bị ngạt mũi, đau họng, tâm lý lo lắng xuất hiện. Càng lo hơn khi thấy những bài ở bên Ý bệnh viện đang chọn bệnh nhân để cứu. Ra đường thấy người Pháp vẫn bình thường, khẩu trang không đeo, vẫn nói cười như trước…
“Tự nhiên không còn tin tưởng ở phương pháp chống dịch tại Pháp, thấy lo lắng nếu có bị nhiễm bệnh chắc gì đã được vào viện nằm, sợ cô đơn, vì bệnh viện Pháp bình thường đã khó vào thăm nom, giờ lại là bệnh lây nhiễm thì sẽ chỉ có một mình nếu chẳng may mắc bệnh phải vào viện”- tác giả chia sẻ.
Nhưng ngay từ đầu, TS Cù Thu Hương không có ý định viết sách mà chỉ viết những trải nghiệm của mình để đưa lên trang facebook cá nhân. Song bất ngờ là những status của chị nhận được sự chia sẻ, bình luận, khuyến khích của nhiều bạn bè trên mạng. Trong thời gian 14 ngày ở khu cách ly, tác giả viết thêm 6 phần nữa, và một bài thơ.
Sau đó, để hoàn thành cuốn sách, chị đã viết thêm những phần khác, để thành một cuốn sách gồm 12 phần: Tôi không phải là virus, Đất mẹ, Ngôi nhà chung…
Được sự khích lệ của nhà thơ Hữu Việt - bạn học cũ, TS Cù Thu Hương đã hoàn thành cuốn sách “Paris+14” và gửi tới NXB Hội Nhà văn.
Đại diện NXB Hội Nhà văn cho biết, tác giả mang bản thảo đến nhà xuất bản một cách đầy rụt rè, nhưng đây lại là một bản thảo rất đặc biệt, được viết bằng chính những trải nghiệm của tác giả mà hiếm nhà văn nào có được những trải nghiệm ấy.
Tác giả Cù Thu Hương là TS Tâm lý học, sinh năm 1963 tại Hà Nội. Chị sinh ra trong một gia đình nhà giáo: Bố là PGS, nhà giáo ưu tú Cù Đình Tú, nguyên chủ nhiệm khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc và Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Mẹ là giảng viên bộ môn Kinh tế chính trị, nguyên Chủ nhiệm khoa Giáo dục chính trị Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Hiện chị làm trong lĩnh vực thương mại, thời trang, chuyên gia tư vấn tâm lý…