Sức khỏe nhân dân là điều quan trọng nhất
Liên quan đến ca nhiễm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục truy vết đến đâu thì xử lý cách ly đến đó.
Ngày 2/12, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11. Liên quan đến ca nhiễm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục truy vết đến đâu thì xử lý cách ly đến đó. Không hoang mang nhưng không được chủ quan. Thực hiện mục tiêu kép nhưng ưu tiên bảo vệ sức khỏe người dân là quan trọng nhất.
Việt Nam thuộc nhóm quốc gia tăng trưởng cao nhất
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế Việt Nam trong tháng 11 tiếp tục duy trì đà phục hồi trong điều kiện bình thường mới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2020 giảm 0,01% so với tháng trước. Đặc biệt, xuất siêu ở mức kỷ lục 20,1 tỷ USD; xuất khẩu đạt 254 tỷ USD. Sản xuất công nghiệp có bước khởi sắc; đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo tháng 11/2020 tăng 11,9% so với cùng kỳ. Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tiếp tục xu hướng phục hồi; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2020 tăng 8,5%.
Nhờ sự phục hồi kinh tế một cách vững chắc như vậy khiến niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế Việt Nam đang rất khả quan. Đặc biệt, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 lên mức 2,4%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất thế giới.
Dù đạt được những kết quả như vậy, nhưng Thủ tướng cũng nêu ra nhiều thách thức chúng ta cần nỗ lực vượt qua. Đó là dịch Covid-19 diễn biến khó lường, vẫn chưa kiểm soát tại nhiều nước, nhiều khu vực; căng thẳng thương mại và công nghệ còn leo thang và khó đoán; không chỉ địa chính trị phức tạp mà thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trong nước, bão lụt đã đi qua nhưng để lại nhiều thiệt hại về người và của, đời sống của người dân nhiều tỉnh miền Trung hiện nay còn nhiều khó khăn. Đi liền với đó là xuất hiện ca Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng tại TP HCM. Với những công việc này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giải quyết rất quyết liệt. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã vào cuộc, chủ động, khẩn trương.
Ưu tiên bảo vệ sức khỏe người dân
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu một số nhiệm vụ cụ thể. Với công tác phòng chống dịch Covid-19 cần thực hiện cách ly xã hội đối với những khu vực có nguy cơ cao, khoanh vùng hợp lý, chặt chẽ, không làm quá rộng mà tê liệt các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn, trong đó, TP HCM cơ bản vẫn hoạt động kinh tế - xã hội như bình thường. Truy vết đến đâu thì xử lý cách ly đến đó. Không hoang mang nhưng không được chủ quan. Thực hiện mục tiêu kép nhưng ưu tiên bảo vệ sức khỏe người dân là quan trọng nhất.
Phát triển kinh tế để giải quyết việc làm, nhưng mà nếu sa đà về kinh tế mà không chú ý dịch bệnh thì cái giá phải trả rất lớn như nhiều nước đã từng gặp phải. Tiếp tục đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng khoảng 2,5-3%. Đẩy mạnh giải ngân nhưng đảm bảo chất lượng công trình không được hình thức, lãng phí. Bên cạnh đầu tư công, phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trong nước và FDI.
Theo Thủ tướng, muốn làm được điều đó thì phải cải cách môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa tận dụng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh xu thế dịch chuyển vốn đầu tư, chuỗi cung ứng.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các bộ liên quan phối hợp triển khai gói hỗ trợ ngành hàng không, du lịch, những ngành chịu tác động nặng nề nhất.
“Chúng ta đang nói kích cầu tiêu dùng bằng cách đưa hàng về nông thôn. Hôm nay, chúng ta đưa ra sáng kiến mới, đề xuất chương trình mới, chương trình đưa hàng nông thôn lên thành thị” - Thủ tướng nói. Đó là phải đưa sản phẩm của bà con nông dân, nông thôn ra thành thị, có như vậy mới giúp chuyển thu nhập từ thành thị về nông thôn, mới giúp thúc đẩy sản lượng, công ăn việc làm và tăng trưởng ở vùng nông thôn.
Đình chỉ trưởng đoàn tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines
Tại cuộc họp báo chiều cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết vấn đề người dân quan tâm nhất là ca mắc Covid-19 ở TP HCM. Ông Dũng cho biết, Thủ tướng luôn quán triệt tinh thần “không để mất bò mới lo làm chuồng”. Sau 90 ngày, Việt Nam xuất hiện ca nhiễm mới nên vấn đề này được đặc biệt quan tâm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhắc lại tinh thần của Thủ tướng là khẩn trương khoanh vùng, dập dịch. Bộ Giao thông Vận tải được giao làm rõ trách nhiệm của cơ quan hàng không, cụ thể là Vietnam Airlines trong vụ việc tiếp viên của Hãng này không chấp hành nghiêm quy định cách ly khiến dịch Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng.
Ông Dũng cho biết, Bộ GTVT đã ra quyết định tạm đình chỉ 15 ngày Trưởng đoàn tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines để kiểm điểm, rút kinh nghiệm. “Đây là bài học cho tất cả tổ chức, cá nhân trong việc không thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19” - ông Dũng nói.
Trả lời câu hỏi việc để tiếp viên của Vietnam Airlines về cách ly tại nhà sau 4 ngày cách ly tập trung với 2 lần xét nghiệm âm tính có đúng quy định không? Tại sao Vietnam Airlines lại được áp dụng cơ chế này? Bộ GTVT sẽ xử lý Vietnam Airlines như thế nào? Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đầu tiên phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật với cá nhân vi phạm.
Theo ông Đông, các quy định về quản lý, phòng chống dịch Covid-19 đã được Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế quy định rất rõ ràng, chặt chẽ. Việc lập khu cách ly ở đầu mối các địa phương đã được chấp thuận nhưng phải gắn với trách nhiệm kiểm tra, giám sát. “Nhưng trước hết phải nói đến trách nhiệm cá nhân chưa tuân thủ và có yếu tố chủ quan khi xét nghiệm âm tính nên có tiếp xúc với người khác” - ông Đông nói.
Thứ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết, trong vụ việc này có trách nhiệm của cơ quan chủ quản - Hãng hàng không Vietnam Airlines. Ông Đông khẳng định, trong vận tải công cộng, các yêu cầu về phòng, chống dịch là rất chặt chẽ, đặc biệt với các tổ lái và tiếp viên - là những người có khả năng lây nhiễm cao nên càng phải tuân thủ.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, Việt Nam đã có bài học kinh nghiệm 2 đợt chống dịch vừa qua, vì vậy Bộ Y tế đã đưa ra các giải pháp quyết liệt, khẩn trương thần tốc hơn nữa để truy vết đối tượng F1, F2. Về giải pháp chặn sự lây lan của dịch dù rất quyết liệt nhưng chưa bàn đến phương án cách ly xã hội. Những khu vực có nguy cơ cao sẽ giãn cách còn lại sẽ hoạt động bình thường.