Xuất khẩu đồ gỗ và rừng đang mất dần
Với việc phát triển ồ ạt thủy điện, nhiều vạt rừng đã bị khai quang, kể cả rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng vùng lõi.
Tại Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021-2025”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Trong xu thế biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai nhất là bão lũ và sạt lở đất ở Tây Bắc và miền Trung vừa qua cho thấy vai trò quan trọng của rừng và phát triển bền vững. Do đó ngành lâm nghiệp Việt Nam cần chú trọng phát triển vùng nguyên liệu hợp pháp, đủ lớn để xây dựng thành công ngành công nghiệp chế biến gỗ hàng đầu thế giới.
Còn theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, thị trường thương mại đồ nội thất của thế giới là rất lớn, khoảng 450 tỷ USD giá trị thương mại/năm; trong đó khoảng 150 tỷ USD giá trị thương mại của đồ nội thất bằng gỗ. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng trên 6% thị phần toàn cầu nên các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng, phát triển thị phần.
Vẫn theo ông Tuấn, giai đoạn 2021- 2025 định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp, đóng góp quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Trong đó, tiếp tục phát triển rừng trồng nguyên liệu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng rừng, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, đảm bảo cung cấp tối thiểu 80% nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản. Duy trì ổn định nguồn cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu gỗ từ khai thác cây trồng phân tán, cây vườn nhà, vườn rừng và vườn cây cao su thanh lý với sản lượng gỗ từ 7-10 triệu m3/năm. Về giá trị kim ngạch xuất khẩu, nâng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2021 đạt 14-14,5 tỷ USD, tăng từ 10-11% so với năm 2020, và đạt 18-20 tỷ USD vào năm 2025. Chủ động nguồn nguyên liệu gỗ và vật liệu phụ trợ trong nước, bảo đảm 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu có nguồn gốc hợp pháp.
Tuy nhiên, đó chắc cũng chỉ là… mục tiêu phấn đấu, vì thực tế thì rừng vẫn bị đốn hạ. Rõ nhất là với việc phát triển ồ ạt thủy điện, nhiều vạt rừng đã bị khai quang, kể cả rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng vùng lõi. Điều đó ai cũng biết, nhất là cơ quan quản lý và địa phương nơi có dự án thủy điện. Nhưng, dẫu có biết thì cũng là biết thế, hậu họa để con cháu lo.