Giáo dục nghề nghiệp: Đổi mới theo hướng tự chủ

Thu Hương 03/12/2020 08:00

Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cần phải sẵn sàng để có nguồn lao động có kỹ năng nghề đủ cung ứng cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI vào Việt Nam trong thời gian tới.

Đây là khẳng định của ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Bộ LĐTBXH. Một trong nhiều giải pháp được đề cập là đổi mới đào tạo của các cơ sở GDNN theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự giải trình.

Việc đào tạo lực lượng lao động theo hướng có năng lực thực sự cần được chú trọng.

Tận dụng cơ hội vàng

Theo Tổng cục GDNN, trong khó khăn chung của đại dịch Covid-19 gây ra, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được kết quả ấn tượng. Những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đã giúp nền kinh tế ổn định và trở thành một điểm đến của dịch chuyển đầu tư FDI, đặc biệt là xu hướng dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc.

Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng về thu hút đầu tư do môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, thị trường nội địa lớn, mức sống người dân ngày càng tăng… Bên cạnh những thuận lợi, thách thức đặt ra là việc chạy đua thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI từ các quốc gia khác trong khu vực đang tạo sức ép cạnh tranh lớn đối với chúng ta. Để chuẩn bị sẵn sàng đón làn sóng này, phân tích của các chuyên gia cho thấy nguồn nhân lực cần phải phát triển đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Trong đó, đào tạo phải gắn với thị trường lao động không chỉ là khẩu hiệu chung chung mà phải là bước đi cụ thể với mỗi cơ sở GDNN. Cần lấy sự chấp nhận của thị trường lao động là thước đo của hiệu quả GDNN.

Từ đề xuất về 5 lĩnh vực các tập đoàn quốc tế có xu hướng dịch chuyển là: công nghệ thông tin và công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, thiết bị điện tử, thương mại điện tử và logistics, hàng tiêu dùng và bán lẻ, các chuyên gia cho rằng GDNN cần bám sát các định hướng này để chuẩn bị cho đúng và trúng, kịp thời trong thời gian tới.

Cụ thể, thống kê từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy xét theo khu vực doanh nghiệp FDI, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo hoặc đào tạo ngắn hạn vẫn còn cao, chiếm khoảng 44%. Điều này thấy rõ việc các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam trong giai đoạn vừa qua chủ yếu để tận dụng nguồn nhân lực phổ thông giá rẻ. Đây là lợi thế của Việt Nam lâu nay song trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lợi thế này sẽ mất đi. Thị trường lao động đòi hỏi nguồn nhân lực phải có nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn như khả năng giao tiếp, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo, trình độ tin học,…

Đổi mới đào tạo

Trong bối cảnh hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là chìa khóa quan trọng để Việt Nam cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, thực tế nguồn nhân lực của Việt Nam còn khá hạn chế cả về quy mô và chất lượng. Điều này đòi hỏi các cấp quản lý đến cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, người lao động cần có các giải pháp toàn diện và đồng bộ để thay đổi. Trong đó, cần coi đào tạo nguồn nhân lực hợp lý và hiệu quả là giải pháp thiết thực nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ nhân lực. Để làm được điều đó, việc đào tạo lực lượng lao động theo hướng có năng lực thực sự cần được chú trọng.

TS Nguyễn Thị Hằng- Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II (TPHCM) cho rằng để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập khu vực, quốc tế, cơ sở GDNN cần phải đổi mới về tư duy trong tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự giải trình.

Từ thực tiễn triển khai thí điểm tự chủ trong 5 năm qua và thực trạng GDNN hiện nay, bà Hằng đề xuất ngành GDNN cần thực hiện đồng bộ 6 giải pháp. Thứ nhất, tăng cường công tác truyền thông về tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở GDNN nhằm tạo sự nhất trí cao của các đơn vị. Thứ hai, hoàn thiện thể chế về cơ chế tự chủ đối với các cơ sở GDNN. Thứ ba, ban hành cơ chế đặt hàng đào tạo cho các cơ sở GDNN thực hiện tự chủ. Đây là xương sống trong việc thực hiện tự chủ của cơ sở GDNN. Chuyển từ cơ chế cấp phát sang cơ chế đặt hàng nhằm tạo sự công bằng trong phát triển các cơ sở GDNN thực hiện tự chủ. Thứ tư, đổi mới cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý nội bộ cơ sở GDNN. Thứ năm, thực hiện định hướng các nội dung phù hợp với tự chủ và trách nhiệm giải trình cơ sở GDNN. Thứ sáu, xây dựng cơ chế giám sát.

Về phía Tổng cục GDNN xác định việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo nói chung, nhà giáo GDNN nói riêng là “cái gốc” của mọi sự phát triển. Để nâng chất lượng GDNN từng bước đạt chuẩn chất lượng khu vực và quốc tế để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong nước và hội nhập với thị trường lao động khu vực và thế giới cũng như thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo cần đổi mới một cách toàn diện.

“Vấn đề năng lực của nhà giáo cần phải thích ứng với thời đại công nghệ thông tin, thiết kế bài giảng hiện đại, phù hợp với yêu cầu của xã hội, của doanh nghiệp… đang đặt ra trước mắt. Vấn đề cơ chế chính sách để tạo động lực cho nhà giáo bao gồm điều kiện làm việc, cơ sở vật chất, tôn vinh nhà giáo… cũng cần phải quan tâm hơn. Quan trọng nhất là vấn đề thích ứng với yêu cầu mới” – TS Trương Anh Dũng nhấn mạnh.

Thu Hương