Cảnh báo chỉ số cực đại bức xạ tia cực tím trong 3 ngày tới
Từ ngày 4 - 6/12, chỉ số tia cực tím (UV) cực đại tiềm năng tại Bắc Bộ đều có nguy cơ gây hại cao; khu vực Trung Bộ phổ biến ở mức có nguy cơ gây hại trung bình.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chỉ số tia cực tím (UV) cực đại tiềm năng trong các ngày 4-6/12 tại Bắc Bộ đều có nguy cơ gây hại cao; khu vực Trung Bộ phổ biến ở mức có nguy cơ gây hại trung bình, riêng thành phố Hội An (ngày 4/12) có nguy cơ gây hại cao; từ Nha Trang-Cà Mau đều có nguy cơ gây hại cao.
Để phòng tránh tác hại tia UV, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần mặc quần áo bảo hộ, bao gồm các loại áo có khả năng chống nắng như áo dài tay, áo khoác có cổ, quần dài, tối màu, mũ rộng vành để che mặt, cổ và tai. Nếu có thể, nên lựa chọn chất liệu vải chống nắng đặc biệt.
Đeo kính râm bảo vệ mắt, lựa chọn chất liệu tròng kính có khả năng chống nắng, độ hấp thụ tia UV từ 99-100% sẽ bảo vệ tốt nhất cho mắt và vùng da xung quanh.
Bổ sung hoa quả tươi giàu vitamin C, giúp hạn chế tác động có hại từ tia cực tím. Sử dụng kem chống nắng đều đặn mỗi khi ra ngoài, ngay cả khi trời nhiều mây.
Việt Nam là một nước nhiệt đới, lượng ánh sáng mặt trời nhiều và có cường độ mạnh, cường độ ánh sáng mặt trời càng cao do đó cường độ tia UV cũng cao tương ứng. Vậy tia UV là gì, chỉ số tia UV bao nhiêu là có hại?
1. Tia UV là gì?
Tia UV (Ultraviolet) hay còn gọi là tia tử ngoại, tia cực tím là sóng điện từ có bước sóng ngắn hơn bước sóng của ánh sáng nhìn thấy nhưng dài hơn bước sóng của tia X. Phổ của tia cực tím có thể chia ra thành 2 vùng tia: vùng tử ngoại gần (có bước sóng từ 380 - 200 nm) và vùng tử ngoại xạ hay còn gọi là vùng tử ngoại chân không (có bước sóng từ 200 - 10 nm).
Khi quan tâm đến ảnh hưởng của tia UV đến sức khỏe con người và môi trường, tia tử ngoại được chia ra làm 3 loại: tia UVA (bước sóng từ 380 - 315 nm) còn được gọi là sóng dài hay ánh sáng đen, tia UVB (bước sóng 315 - 280 nm) còn được gọi là sóng trung, tia UVC (bước sóng ngắn hơn 280 nm) còn gọi là sóng ngắn hay sóng có tính tiệt trùng.
2. Tia UV có ở đâu?
Cụm từ cực tím trong tia cực tím có nghĩa là bên trên của màu tím. Sắc tím là màu sắc có bước sóng ngắn nhất mà mắt thường của chúng ta có thể nhìn thấy. Do vượt ngoài bước sóng của màu tím, nên tia UV là loại tia vô hình với mắt người. Một vài loài động vật như: chim, bò sát, côn trùng (ong...) có thể nhìn thấy tia cực tím. Một vài loại trái cây, hoa quả và hạt trở nên sặc sỡ hơn trong môi trường tia cực tím so với hình ảnh trong ánh sáng thường được nhìn bởi mắt người, để hấp dẫn các loài côn trùng và chim. Một vài loài chim còn có những hình thù đặc biệt trên bộ lông của chúng mà chỉ nhìn được dưới tia cực tím, không thể nhìn được dưới ánh sáng mà con người nhìn thấy. Nước tiểu của một số loài động vật cũng chỉ có thể quan sát được bằng tia cực tím.
Mặt Trời tỏa ra cả 3 loại tia cực tím: UVA, UVB và UVC, có ánh sáng mặt trời nghĩa là có tia cực tím. Tuy nhiên, theo lí thuyết, bởi vì sự hấp thụ của tầng ozone, 99% tia cực tím đến được mặt đất thuộc dạng tia UVA, trong khi đó bản thân tầng ozon được tạo ra nhờ các phản ứng hóa học với sự tham gia của tia UVC nên UVC bị tầng ozon hấp thụ. Tuy nhiên, tình trạng thủng tầng ozon hiện nay đang ở mức báo động khiến các tia UVB, UVC trở nên dày đặc hơn trong ánh sáng mặt trời.
Các loại thủy tinh tùy theo chất lượng, thông thường trong suốt với tia UVA (UVA đi xuyên thủy tinh) nhưng mờ đục với các tia sóng ngắn hơn (UVB, UVC không chiếu qua được thủy tinh). Silic hay thạch anh tùy theo chất lượng có thể trong suốt với cả tia UVC.