Phát hiện hóa thạch loài bọ ba thùy dị thường có tai thỏ

03/12/2020 14:58

Hóa thạch bọ ba thùy dài 4cm này có tên khoa học là Phantaspis auritus, có đặc điểm là phần đầu phía trước mở rộng với hai thùy giống như đôi tai thỏ.

Một hóa thạch bọ ba thùy 500 triệu năm. Ảnh minh họa. (Nguồn: sciencemag.org).

Theo TTXVN, một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Acta Palaeontologica Polonica, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện một hóa thạch bọ ba thùy với phần đầu có hình thái dị thường, có niên đại khoảng 500 triệu năm ở tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc.

Viện Địa chất và Cổ sinh vật học Nam Kinh, thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết hóa thạch bọ ba thùy dài 4cm này có tên khoa học là Phantaspis auritus, có đặc điểm là phần đầu phía trước mở rộng với hai thùy giống như đôi tai thỏ.

Bọ ba thùy thuộc nhóm động vật chân đốt đã tuyệt chủng, sống phổ biến ở các đại dương trong khoảng từ 520 triệu năm đến khoảng 250 triệu năm trước.

Việc phát hiện hóa thạch độc đáo này cung cấp cho giới khoa học nhiều kiến thức mới về phạm vi hình thái và nền tảng cấu trúc của phần đầu đặc biệt của loài bọ ba thùy trong kỷ Cambri.

Nhà nghiên cứu Triệu Phương Thần thuộc Viện Địa chất và Cổ sinh vật học Nam Kinh cho biết: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy hóa thạch bọ ba thùy có hình thù kỳ lạ như vậy. Phần đầu kỳ dị thế này có thể giúp nó dọa kẻ thù trong tự nhiên hoặc săn mồi dễ dàng hơn".

Bọ ba thuỳ có thể được tìm thấy ở mọi lục địa trên Trái đất.

Bọ ba thuỳ thuộc nhóm động vật chân đốt, sống ở biển. Trên thực tế, chúng được biết đến là nhóm động vật chân đốt sớm nhất, tồn tại trong thời kỳ đầu kỷ Cambri cách đây 521 triệu năm. Vào cuối kỷ Permi khoảng 252 triệu năm trước đây, bọ ba thuỳ đã trải qua cuộc tuyệt chủng hàng loạt và ngày nay không còn tồn tại.

Đặc điểm của loài sinh vật bọ ba thùy

Vì bọ ba thuỳ hiện đã tuyệt chủng nên những gì chúng ta biết về loài sinh vật này đều đến từ hóa thạch. Những hóa thạch như vậy thường là những dấu tích vỏ của chúng trong lớp trầm tích và rồi trở thành đá cứng. Bọ ba thuỳ có một cơ thể mềm mại được bảo vệ bởi một lớp vỏ ngoài. Thông thường, chỉ có phần lưng bao phủ bên ngoài trở thành hóa thạch. Các phần bụng dưới, không thể trở thành hóa thạch có lẽ vì chúng được bao phủ bởi một lớp vỏ mềm.

Lớp vỏ ngoài được chia thành ba phần - ngực, đầu và phần đuôi. Một số loại bọ ba thuỳ được cho là có mắt trong khi những loại khác thì không. Đôi mắt của bọ ba thùy thường nằm ở phía trong của sườn lớn ở phần đầu. Mắt của loài sinh vật này thường là loại mắt kép, kiểu mắt lớn cấu tạo từ rất nhiều các con mắt nhỏ riêng biệt, tương tự như mắt ong hay mắt chuồn chuồn.

Một số cá thể bọ ba thuỳ có mắt kép lớn và lồi giúp chúng có thể nhìn được ở khoảng không rất rộng. Ngược lại, một số loại có mắt nhỏ hơn do đó chúng bị hạn chế tầm nhìn. Lớp vỏ ngoài cũng có các cơ quan như mấu, gờ, gai, hốc lõm v.v... Những sinh vật này có nhiều các cặp chi - ba cặp là trên phần đầu và một cặp dưới mỗi đoạn của lồng ngực và phần đuôi.

Bọ ba thùy sống ở độ sâu khác nhau dưới biển. Do đó, hóa thạch của chúng có thể sử dụng để đo lường độ sâu của môi trường cổ sinh, dùng để nhận biết môi trường địa chất tại một thời kỳ trong quá khứ. Ví dụ, một loài bọ ba thuỳ gọi là Whittardolithus được cho là đã sống ở đáy biển sâu trong khi một loài khác có tên là Neseuretus sống ở những khu vực nước nông.

Kích thước và hình dạng cơ thể khác nhau cũng chỉ ra rằng bọ ba thùy sống trong một hệ sinh thái khá rộng lớn. Những con bọ ba thuỳ không có mắt thường là loài sống ở mực nước sâu dưới đáy biển, ở nơi mà ánh sáng bị hạn chế và thậm chí không có ánh sáng. Một số loài như Cyclopyge có đôi mắt lớn cho phép chúng nhìn thấy mọi hướng, đây có lẽ là dấu hiệu cho thấy chúng sống ở trên mực nước biển.