Thẳng thắn, dân chủ, lắng nghe dân

Hoài Vũ 03/12/2020 09:00

Kỳ họp lần này đã cho thấy bản lĩnh của ĐBQH khi đã “dựa trên ý nguyện của cử tri” để nói lên tiếng nói tại nghị trường Diên Hồng.

Toàn cảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV. Nguồn: Quochoi.vn.

1. Nói như lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong buổi họp báo khi nhậm chức: “Quốc hội khóa XIV sẽ chuyển từ Quốc hội tham luận sang tranh luận”. Không khí đó ngày càng được thể hiện rõ nét qua mỗi kỳ họp. Và tại kỳ họp thứ 10-kỳ họp áp chót của khóa XIV, dấu ấn đó ngày càng được khắc họa.

Trong kỳ họp này, vấn đề xây dựng luật lại được tranh luận rất thẳng thắn. Điển hình như tranh luận về việc có cần thiết ban hành dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở hay không? Có nên tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 dự án luật là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ; hay việc chuyển quản lý, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an. Từ ý kiến của các ĐBQH, Tổng Thư ký Quốc hội đã lấy phiếu xin ý kiến ĐBQH trước khi quyết định. Cuối cùng, dựa trên ý kiến của ĐBQH, Quốc hội đã không tán thành việc ‘’tách’’ dự án luật Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường bộ do có 302 ĐBQH (tương đương 62,79% tổng số ĐBQH) không đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ, cũng như 321 ĐBQH không tán thành việc chuyển quản lý, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an. Tương tự đối với Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đã có 290 ĐBQH (tương đương 73,79% tổng số ĐBQH) đã thể hiện chính kiến chưa cần thiết ban hành luật này. Kết quả này sẽ được chuyển cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, xem xét.

Dân chủ không chỉ trong góp ý xây dựng luật, ngay những luật chuẩn bị bấm nút thông qua, Quốc hội cũng cho thấy sự dân chủ lắng nghe ý kiến ĐBQH, thực chất là ý kiến cử tri phản ánh thông qua mỗi ĐBQH. Có thể thấy khi biểu quyết thông qua Luật Cư trú sửa đổi, Quốc hội đã quyết định Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú vẫn được sử dụng đến hết 31/12/2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú nhằm tránh làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, thêm phiền phức cho người dân, tạo áp lực lớn cho các cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm luật mới có hiệu lực thi hành (1/7/2021). Bởi trước khi bấm nút thông qua luật, đã có 266/481 ĐBQH đồng ý với phương án cho phép người dân được tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022.

2. Kỳ họp lần này đã cho thấy bản lĩnh của ĐBQH khi đã “dựa trên ý nguyện của cử tri” để nói lên tiếng nói tại nghị trường Diên Hồng. Đơn cử như khi Quốc hội thảo luận về Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) vốn xuất thân từ sĩ quan công an đã đưa ra những phân tích: Ở phường chỉ có ban bảo vệ dân phố mà không có đội dân phòng, ngược lại ở xã có đội dân phòng mà không có ban bảo vệ dân phố. Đang rành mạch giờ tự nhiên “gom” 3 lực lượng này thành một lực lượng là chưa hợp lý.

Từ thực tiễn cơ sở, ông Hòa đã đưa ra những số liệu để “phản biện” quan điểm trong tờ trình của dự án luật. Theo đó, lực lượng công an xã hiện nay đã nghỉ gần 1/3, không còn là con số 126.000 như Tờ trình của Chính phủ. Số liệu trong tờ trình đưa ra là chưa phù hợp. “Luật nói rằng sẽ giảm chi ngân sách nhưng giảm làm sao được khi 1.500.000 người và tất cả các chế độ đều ghi trong luật. Làm nhiệm vụ thì phải có chế độ bồi dưỡng 24/24, chi theo quy định của Bộ luật Lao động. Như vậy tiền ở đâu? Ví dụ ở TPHCM, Hà Nội là 2 thành phố giàu nên dễ chi, nhưng một số tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc, Đông Bắc và các tỉnh nghèo thì lấy gì để chi? Nếu không chi thì so bì tại sao tỉnh A có, tỉnh B, tỉnh C có mà ở đây không có? Chúng ta chưa đánh giá tác động như thế nào mà đã đưa ra" - ông Hòa phân tích.

Hay đơn cử như, ĐB Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) trong giờ giải lao ông “bất chợt” nhận được điện thoại của một cử tri đặt câu hỏi và ông không trả lời được nên phải chuyển tới Ban soạn thảo luật để giải đáp. Trước sự lắng nghe của Bộ trưởng Công an Tô Lâm, ông Bình nêu vấn đề: “Từ khi chúng ta tăng cường lực lượng Công an chính quy xuống xã. Như tỉnh Quảng Nam, mỗi xã ít nhất 5 người, đánh giá chung và khảo sát cho thấy khi công an chính quy về xã tình hình an ninh trật tự tốt hơn rất nhiều. Tại sao cần phải có thêm lực lượng tham gia hỗ trợ, gồm bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách?”. Đưa ra những dẫn chứng trên để thấy, ý kiến cử tri được ĐBQH phản ánh đã quyết định lớn trong việc Quốc hội đưa ra những quyết sách.

3. Như khẳng định của Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tại buổi họp báo trước kỳ họp: “Quốc hội sẽ truy đến cùng việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn. Chỉ khi nào Nghị quyết chất vấn được thực hiện thì thôi”. Và đúng như kỳ vọng, phiên “chất vấn quét”- hỏi ai, người đó trả lời đã “nóng” đến phút cuối cùng. Sau 2,5 ngày đã có 121 lượt ĐBQH chất vấn; có 41 lượt ĐBQH tranh luận; Thủ tướng; Chủ tịch Quốc hội; 3 phó thủ tướng và 15 bộ trưởng; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trực tiếp trả lời chất vấn các vấn đề ĐBQH đặt ra.

Không khí thẳng thắn, sôi nổi khi nội dung hỏi-đáp đã đi thẳng vào những vấn đề mà người dân đang quan tâm như: xử lý nghiêm hành vi khai thác rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy điện; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong thiết kế, xây dựng, vận hành các công trình thủy điện; tăng cường kiểm soát chất lượng, hiệu quả biên soạn, thẩm định sách giáo khoa. Những tồn tại, hạn chế, bất cập theo như đánh giá của các ĐBQH thì “Chính phủ cần nhanh chóng đưa ra giải pháp kịp thời đột phá”.

Nghị trường Quốc hội “nóng” cũng là bởi đây chính là sự mong muốn của cử tri với ĐBQH, Quốc hội và Chính phủ. Bởi chỉ khi nào ĐBQH phản ánh được suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của hàng chục triệu cử tri vào nghị trường thì nghị trường mới có “hơi thở”.

Cũng xin nhấn mạnh rằng, sự giám sát của cử tri và nhân dân tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt đối với những người sẽ tái cử trong bầu cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 gắn với nhiệm kỳ đại hội XIII của Đảng. Đây cũng là lúc cử tri quyết định lá phiếu tín nhiệm của mình.

Hoài Vũ