Hạ nhiệt sức ép cạnh tranh cho hàng Việt
Việc ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do mở ra cơ hội cho hàng hóa của chúng ta tiến sâu hơn vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đặt ra những thách thức cạnh tranh khi hàng nước ngoài đổ bộ vào thị trường nội địa…
Thị trường nội địa giàu tiềm năng
Với dân số xấp xỉ 100 triệu người, thị trường nội địa chính là mảnh đất màu mỡ, giàu tiềm năng để các DN Việt khai thác và chiếm lĩnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP và gần đây nhất là Hiệp định RCEP, những ưu đãi về thuế quan được thực thi, câu chuyện giữ vững thị trường nội địa là một bài toán gây đau đầu đối với DN Việt. Bởi, hiện nay nhiều DN Việt vẫn đang bị phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, chưa biết cách tận dụng thị trường trong nước với rất nhiều ưu thế.
Không thể phủ nhận, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, khi tạo nên những “cuộc đua” về nâng cao chất lượng sản phẩm giữa các DN, cũng như tạo ra những hiệu ứng tốt trên thị trường nội địa, đơn cử, ngày càng nhiều DN Việt tạo nên thương hiệu, xây dựng được chữ tín trên thị trường như TH Truemilk, Vinamilk, Biti’s, May 10, Canifa...
Song, theo giới chuyên gia kinh tế, để có thể cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại từ các nước phát triển vẫn là cả một bài toán khó, nhất là trong điều kiện thuế quan không còn là lợi thế để cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu, hầu hết các mặt hàng sẽ hưởng lợi với mức thuế quan là 0% trong vài năm tới.
Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, hàng xuất khẩu của châu Âu (EU) sang Việt Nam sẽ tăng khoảng 29% (tương đương khoảng 15 tỉ euro) vào năm 2035. Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), nếu chỉ tính riêng với hàng hóa từ châu Âu vào Việt Nam đã tạo ra mức độ cạnh tranh rất lớn cho hàng Việt tại nội địa, chưa kể hàng hóa từ các nước khác như Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam.
Trong khi đó, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của người dân ngày càng nâng lên đòi hỏi các DN cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, mẫu mã... mới có thể cạnh tranh được với hàng hóa ngoại nhập trong bối cảnh hiện nay.
Hạ nhiệt áp lực cạnh tranh cách nào?
Nói về những FTA mà Việt Nam đang tham gia ký kết và thực thi, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho rằng, các FTA như EVFTA, đặc biệt là RCEP tạo ra sức ép cạnh tranh hàng hóa cho Việt Nam do nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng năng lượng cạnh tranh, hàm lượng giá trị gia tăng cũng cao hơn so với khả năng hiện tại của Việt Nam. Đáng chú ý, Trung Quốc với lợi thế hàng hóa phong phú, giá rẻ cũng sẽ đặt ra những thách thức lớn đối với các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam.
“Bởi vậy, tham gia vào bất kỳ Hiệp định thương mại tự do nào với những thành viên có trình độ kỹ thuật cao hơn sẽ là thách thức lớn nhất với các sản phẩm hàng hoá của Việt Nam, đòi hỏi các DN phải thay đổi mình, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm”, ông Thái nhấn mạnh.
Để giảm thiểu áp lực cạnh tranh, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nêu quan điểm, với lợi thế am hiểu tâm lý người tiêu dùng Việt, các DN trong nước cần chủ động cung ứng những sản phẩm chất lượng tốt nhất, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân Việt Nam, khai thác tốt nhất lợi thế sân nhà...
Cùng với những hiệu ứng từ Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, khi người Việt đã tin dùng và đồng hành với DN Việt, những áp lực cạnh tranh đến từ các Hiệp định thương mại tự do sẽ trở nên “nhẹ gánh”.
Theo ông Phú, ngoài việc cải tiến về chất lượng, mẫu mã, thương hiệu, giá cả thì việc phân phối sản phẩm như thế nào cũng là một chiến lược cạnh tranh quan trọng nhằm giữ vững thị trường nội địa với sức mua hơn 100 triệu dân.
Việc đa dạng các kênh phân phối, tiến tới tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm chính là mấu chốt để hút khách hàng trước áp lực cạnh tranh từ hàng hóa ngoại.