Bình tĩnh, kiên quyết chống dịch Covid-19: Khởi tố vụ án, khởi tố bị can là cần thiết

Đức Sơn - Minh Sang 04/12/2020 08:00

Liên quan tới hậu quả pháp lý đối với bệnh nhân 1342, khi không thực hiện nghiêm quy định về cách ly, một số luật sư cho biết việc cơ quan chức năng khởi tố vụ án, khởi tố bị can là cần thiết.

Khu cách ly riêng của Vietnam Airlines trong trụ sở ở đường Hồng Hà, quận Tân Bình.

Theo luật sư Nguyễn Minh Long, Giám đốc Công ty Luật TNHH Dragon (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), hành vi của tiếp viên hàng không là ý thức chủ quan. Biết khi dịch bệnh phức tạp, có nguy cơ lây lan mà vẫn không chấp hành quy định của cách ly, làm lây lan ra cộng đồng.

Điểm C, Khoản 1, Điều 240 Bộ luật Hình sự, quy định về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”, như sau: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Ngày 30/3/2020, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã có Công văn số 45/TANDTC-PC để hướng dẫn về việc “Xét xử tội phạm liên quan tới phòng, chống dịch bệnh Covid-19”. Mục 1.1 của Công văn số 45 quy định: “Người đã được thông báo mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid - 19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây: gây lan truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người”, quy định tại Điểm C, Khoản 1, Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người khác: trốn khỏi nơi cách ly; Không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, không khai báo đầy đủ hoặc khai báo gian dối”.

Căn cứ vào các quy định và hướng dẫn nêu trên cho thấy: Bệnh nhân 1342 là người trở về từ vùng có dịch bệnh Covid - 19, đã được thông báo cách ly (thời gian đầu cách ly tại khu cách ly tập trung, sau đó cách ly tại nhà).

Người dân đeo khẩu trang nơi công cộng tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: L.Anh - Đ.Xá

Nhưng bệnh nhân 1342 đã không tuân thủ quy định về cách ly, tiếp xúc với người khác, đặc biệt là cho bệnh nhân 1347 tới ở cùng trong thời gian cách ly. Hậu quả là làm lây nhiễm Covid-19 cho bệnh nhân 1347. Do vậy bệnh nhân 1342 có thể bị khởi tố về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, theo quy định tại Điểm C, Khoản 1, Điều 240 Bộ luật Hình sự.

“Là luật sư tham gia tố tụng nhiều năm, cá nhân tôi cho rằng, hiện nay chế tài xử lý các hành vi này tuy đã có quy định cụ thể, nhưng chưa đủ mạnh để răn đe, vì trên thực tế có rất nhiều trường hợp trốn tránh, giấu bệnh vẫn chưa được xử lý. Hiện một số trường hợp đã bị xử lý hành chính về hành vi trốn tránh cách ly. Tôi cho rằng các trường hợp trốn tránh, giấu bệnh cần được xử lý nghiêm và nhanh chóng, để nêu gương, cũng như có tính răn đe hơn”, luật sư Long chia sẻ.

Cùng quan điểm, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông Luật) phân tích: Bệnh nhân 1342 đã nắm rõ quy định cách ly y tế, thậm chí ký giấy cam kết nhưng vẫn tiếp xúc 3 người khác (mẹ và 2 người bạn). Hành vi này khiến một người đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và trở thành bệnh nhân 1347. Hai F1 của người này cũng vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với virus gây bệnh Covid-19 vào chiều 1/12.

Như vậy, hành vi không tuân thủ quy định về cách ly của bệnh nhân 1342 có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”, theo quy định tại Điểm C khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Người vi phạm bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Còn theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư chính pháp thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Đây là hành vi vô cùng nguy hiểm, gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế xã hội và có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh trở lại, khiến mọi người vô cùng hoang mang và lo lắng.

Do đó, hành vi của nam bệnh nhân này rất đáng lên án và phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Luật sư Cường viện dẫn về Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007; Điểm B Khoản 1 Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/03/2020 của Hội đồng Thẩm phán của Tòa án nhân dân Tối cao về việc hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời nhấn mạnh thêm: Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng như gây chết người thì hình phạt cao nhất có thể từ 10 đến 12 năm tù theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự.

Đức Sơn - Minh Sang