Chú voi con nặng 120 kg ra đời tại Vườn thú của Nhật Bản

P.Vân (tổng hợp) 04/12/2020 16:32

Là sự kết hợp của voi mẹ tên Authi và voi bố tên Artid, ở thời điểm chào đời vào ngày 31/10, voi con này cao khoảng 1 m, nặng 120 kg nhưng "bé gái" voi này vẫn chưa có tên.

Voi con đầu tiên được sinh ra ngay tại vườn bách thú hơn 100 năm tuổi. (Nguồn: asahi.com).

Theo TTXVN, từ ngày 1/12, vườn bách thú lâu đời nhất Nhật Bản Ueno Zoological Gardens ở thủ đô Tokyo đã bắt đầu mở cửa cho khách tham quan chiêm ngưỡng voi con đầu tiên được sinh ra ngay tại vườn bách thú hơn 100 năm tuổi này.

Ở thời điểm chào đời vào ngày 31/10, voi con này cao khoảng 1 m, nặng 120 kg. Đây là sự kết hợp của voi mẹ tên Authi và voi bố tên Artid, món quà mà Thái Lan năm 2002 gửi tới Nhật Bản mừng ngày sinh của Công chúa Aiko, con gái duy nhất của Nhật Hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako.

Điều đáng tiếc, voi bố Artid đã qua đời hồi tháng Tám do sức khỏe suy yếu vì bệnh.

Mặc dù đã chào đời hơn một tháng, "bé gái" voi này vẫn chưa có tên. Hiện Ueno Zoological Gardens đã kêu gọi dân chúng bình chọn trực tuyến trong số tên voi con được Đại sứ quán Thái Lan tại Tokyo đề xuất gồm Arun (Bình minh), Atsadong (Hoàng hôn) hoặc Tawan (Mặt Trời), theo tiếng Thái. Kết quả sau cùng sẽ được công bố vào ngày 15/12.

Hiện hoạt động thăm quan voi con chỉ diễn ra 2 giờ/ngày để tránh gây căng thẳng cho động vật.

Giúp loài voi sinh con tại Việt Nam

Theo báo Người Lao động, trước thực trạng hàng chục năm voi nhà không thể sinh con, gần 10 năm trước, tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk và ban hành nghị quyết hỗ trợ kinh phí đối với tổ chức, hộ gia đình nuôi voi sinh sản nhằm bảo tồn loài động vật này. Một trong những mục tiêu chính là cho voi nhà sinh sản nhằm tăng số lượng ít ỏi còn lại nhưng đến nay voi con sinh ra đều chết.

Voi nhà ở Đắk Lắk phải phục vụ du lịch.

Theo Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, đề tài nghiên cứu khả năng sinh sản của voi nhà triển khai từ năm 2016. Bằng phương pháp lấy mẫu máu voi cái xét nghiệm để xác định thời điểm rụng trứng và thúc đẩy giao phối, gia tăng khả năng thụ thai cho voi nhà.

Vào năm 2017, những người quan tâm đến loài voi xôn xao trước thông tin 1 con voi nhà có tên H’Ban Nang đã mang thai, sau khoảng 30 năm voi nhà ở Đắk Lắk "tịt ngòi". Lúc đó, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cùng với các chuyên gia bảo tồn động vật quốc tế đã chuẩn bị rất chu đáo các khâu để đón voi con. Sau nhiều tháng dài chờ đợi, đêm 8/10/2018, voi H’Ban Nang chuyển dạ nhưng voi con chết trước khi ra ngoài.

Cũng trong năm 2017, qua xét nghiệm hóc-môn sinh sản, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đã xác định được thời điểm rụng trứng của voi Bặc Khăm (SN 1975) nên cho giao phối với voi đực và đã mang thai. Sau đó, chủ voi đưa Bặc Khăm vào rừng để chăm sóc, nuôi dưỡng. Nhưng ngày 1/2/2019, voi mẹ đã sinh 1 con voi đực nhưng voi con cũng chết trước khi ra khỏi bụng mẹ.

Chú voi Yă Tao lúc còn sống bên dòng suối Ia Tul

Chú voi cuối cùng ở Bắc Tây Nguyên đã chết bên bờ suối

Theo Dân trí, ngày 4/12, gia đình anh Siu Kiêm (xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) cho biết, con voi Yă Tao - con voi cuối cùng ở khu vực Bắc Tây Nguyên đã chết sau nhiều ngày chán ăn, mệt mỏi.

Chị Ploanh, người nhà chủ voi, cho biết ngày 3/12, con voi Yă Tao được đưa ra bờ sông Ia Tul uống nước. Sau khi uống xong, voi nằm vật bên bờ suối, một lúc sau thì chết.

"Con voi Yă Tao đã gắn bó với gia đình tôi nhiều năm. Hôm nay, gia đình sẽ mai táng Yă Tao ngay tại bờ suối Ia Tul này", chị Ploanh buồn bã nói và cho biết trước khi chết, con voi đã có biểu hiện chán ăn, mệt mỏi từ ngày trước.

Chú voi Yă Tao đã chết bên bờ suối sau nhiều ngày chán ăn, mệt mỏi.

Voi Yă Tao được ông Ksor Chăm (ở xã Chư Mố, huyện Ia Pa) mua trong một phiên chợ voi ở Đăk Lăk năm 1990. Sau khi ông Chăm qua đời, người con rể Siu Kiêm thay cha chăm sóc voi Yă Tao. Hàng ngày, Yă Tao được anh Siu Kiêm chăm sóc, nuôi dưỡng trong làng Chư Tol. Đến khi chết, voi Yẵ Tao được xác định tròn 50 tuổi.

Tính từ đầu năm 2014 đến nay, voi Yă Tao là con voi cuối cùng còn sống ở khu vực Bắc Tây Nguyên.

P.Vân (tổng hợp)