Làm gì cũng cần trí tuệ và lòng dũng cảm
Tình cờ chúng tôi gặp TS tâm lý học Cù Thu Hương- một Việt kiều Pháp, khi đã thấy trên đường phố Hà Nội không khí chuẩn bị đón Gáng sinh và Tết dương lịch. Gặp, mới hay, chị vẫn đang trong những ngày về Việt Nam tránh Covid-19. Gặp, mới hay, chị là con gái của PGS - nhà giáo ưu tú Cù Đình Tú, một nhà ngôn ngữ học hàng đầu của Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm hai khoa Ngữ văn của Trường ĐH Sư phạm Việt Bắc và Trường ĐH Sư phạm TP HCM. Trong những ngày về Việt Nam, TS Cù Thu Hương đã viết xong cuốn truyện ký đầu tiên về Covid-19: “Paris+14”.
PV:Tôi muốn bắt đầu câu chuyện này bằng việc nhắc đến PGS - nhà giáo ưu tú Cù Đình Tú, cha chị. Trong ký ức nhiều người, nhà ngôn ngữ học Cù Đình Tú là một thầy giáo tận tụy, chu toàn với gia đình, chu đáo với anh em đồng nghiệp.
TS Cù Thu Hương: Cảm ơn anh đã nhớ tới bố tôi. Mỗi lần nhắc đến bố, cả ba chị em tôi chắc đều rơm rớm nước mắt. Bố luôn ngự chị trong chị em tôi, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng tôi, mặc dù bố đã xa chúng tôi về mặt sinh học được 7 năm rồi, bố tôi mất năm 2013.
Tôi muốn nhắc đến PGS Cù Đình Tú còn là vì, gần đây dư luận ồn lên vụ sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông mới, mà tôi biết, sinh thời ông từng được mời tham gia viết sách tiếng Việt. Ông ra đi khi vẫn còn dự định dang dở phải không, thưa chị?
- Tôi còn nhớ, sau khi về hưu, bố được Bộ Giáo dục mời tham gia viết sách tiếng Việt cho cải cách giáo dục cấp 2 và cấp 3. Những ngày đó bố đi lại đã khó khăn, chân cứ yếu dần đi, nhưng bố không hề kêu than gì mà vẫn cố gắng hoàn thành tập sách cho nhà xuất bản. Đến khi không chịu được nữa bố mới đồng ý đi kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện. Cả nhà chúng tôi choáng váng khi nhận được phiếu kết quả chụp của bố. Bố bị bệnh nan y và phát hiện chậm. Mẹ con tôi khi biết được tin này, cảm giác như trời sụp, nhưng bảo nhau “còn nước, còn tát”. Bố trải qua hai lần đại phẫu thuật, chống chọi với căn bệnh quái ác 13 năm.
Sau phẫu thuật, bố phải ngồi xe lăn, chịu khó luyện tập vật lý trị liệu. Mẹ là người luôn bên bố, chăm sóc, động viên. Ngược lại với đôi chân không đi được thì trí óc của bố vẫn rất tỉnh táo, bố vẫn ngồi trên xe lăn, đọc các luận án thạc sĩ, tiến sĩ của học trò, bố vẫn làm việc. Tôi còn nhớ, có những luận án của nghiên cứu sinh Hàn Quốc, chuyên ngành của bố tôi, bố phải đọc phản biện qua ghi âm để chuyển tới hội đồng.
Hồi đó tôi mỗi lần ngồi trò chuyện với bố, được bố kể về dự định viết cuốn sách “Lịch sử ngôn ngữ văn chương Việt Nam” với 1.200 trang, bố còn say sưa kể cho tôi một số chương bố dự định đã sắp xếp, nội dung các chương đó. Thế rồi, sức khỏe bố cứ yếu dần đi, bố ngồi kém, tôi đã đề xuất mua cái máy ghi âm để bố nói vào trong đó, rồi sau đó tôi sẽ nhờ một số đồng nghiệp của bố tại NXB Giáo dục biên tập, ngay cả sau đó một anh học trò của bố là Giám đốc NXB Đại học Sư phạm có đến đề nghị, nhưng ông không đồng ý, vì sợ qua người khác sẽ bị sai lệch nội dung. Rất tiếc chúng tôi không giúp được bố ra cuốn sách đó, cho đến nay chưa ai viết cuốn sách đó.
Phẩm cách nào của PGS Cù Đình Tú mà chị thấy mình có ảnh hưởng?
- Cần cù, sáng tạo, tự tin, cầu tiến, chân thành và nhân văn.
Chị tốt nghiệp đại học và nhận bằng Tiến sĩ ở Nga. Tôi tò mò muốn biết, vì sao chị không theo ngành ngôn ngữ của cha? Chị đã sống ở Nga bao lâu?
- Tôi sang Nga vào tháng 8/1981, rời nước Nga năm 2002, tôi sống ở Nga 22 năm tại hai thành phố: Saint Petersburg và Matxcova. Với tôi nước Nga như là một đất nước thứ hai, đất nước của tuổi trẻ, của thanh xuân, của trí tuệ, của lòng nhân ái. Trong cuộc đời tôi, nếu không có những năm tháng học tập và thực hành tại nước Nga thì có lẽ không có tôi như bây giờ.
Còn vì sao tôi không theo ngành ngôn ngữ của cha, có thể ngắn gọn thế này: Tôi muốn thử sức, muốn tự khẳng định bản thân và tôi thích chính xác. Tôi muốn thi khối A để có được điểm cao đi học ở nước ngoài. Vì tôi nghĩ khả năng của người Việt Nam mình sẽ vươn ra tầm thế giới. Mặc dù tôi rất thích ngành của bố tôi và nếu tôi theo ngành đó thì sẽ có nhiều thuận lợi (Cười).
Gắn bó với nước Nga, song chị lại quyết định chọn Pháp. Chắc hẳn phải có lý do đặc biệt?
- Những năm cuối 1990 tình hình kinh tế, xã hội của Nga bất ổn. Xã hội bị phân hóa nhiều, thật giả lẫn lộn, cuộc sống, con người không được an toàn. Chọn Pháp là một sự tình cờ, như là sự trốn chạy cuộc khủng hoảng tài chính tại Nga tháng 8 năm 1998. Khi chọn Pháp là nghĩ đến tương lai cho con trai với mong muốn con sẽ được hưởng nền giáo dục tốt trong xã hội bình đẳng, có thể phát triển được hết khả năng của bản thân (Cười).
Hành trình khởi nghiệp ở Pháp của chị chắc cũng đối diện không ít khó khăn?
- Đúng thế, rất khó khăn. Đến giờ nghĩ lại, tôi không hiểu tại sao mình lại vượt qua. Khởi nghiệp bằng ngành thời trang, ngành mà tôi chưa bao giờ học, ngay cả may hoàn chỉnh một cái áo tôi cũng chưa may. Tiếng Pháp lần đầu tiên tôi làm quen, ấn tượng đầu tiên khi bước chân đến Paris sao họ nói nhẹ thế, cứ như tiếng gió ấy. Tôi vượt qua được và thành công chính nhờ những công cụ, kho tri thức của nước Pháp và sự đam mê thời trang vô bờ bến của tôi.
Hiện nay tôi làm thương mại là chính chứ không làm thiết kế nữa. Thực ra làm công việc gì cũng là một sự liều lĩnh, đều đòi hỏi phải có lòng dũng cảm và trí tuệ. Với tôi ngành công nghiệp thời trang luôn tạo cho tôi sức sáng tạo, độ tươi trẻ, sự lãng mạn, không phải chỉ là kiếm tiền mà là để khẳng định sự tự tin, tiềm năng được đánh thức, được chuyển hóa trong mỗi con người.
Ngày 14/3, chị lên chuyến bay thương mại cuối cùng của Vietnam Airlines từ Paris trở về Hà Nội trước khi châu Âu đóng cửa bầu trời vì Covid-19, đồng nghĩa với việc để lại gia đình ở Pháp. Quyết định đó hẳn không dễ với chị?
- Đó là một quyết định khó khăn, mặc dù con trai đã 27 tuổi nhưng lúc nào tôi cũng muốn gần con. Thực ra lúc đó tôi có hy vọng nước Pháp sẽ khống chế được dịch và con trai, con dâu trẻ nên sức đề kháng tốt, và cũng chỉ còn biết khấn trời, ông bà tổ tiên phù hộ cho tụi trẻ may mắn. Rất nhớ, rất thương tụi trẻ, nhiều đêm cứ khóc thầm vì lo lắng và nhớ.
Nhưng cũng chính vì sự trở về Việt Nam hơn nửa năm trời, mà chị lại trở thành tác giả của cuốn truyện ký đầu tiên về Covid-19: “Paris+14”. Ban đầu, chị có ý định viết để xuất bản thành sách không hay chỉ đơn thuần là ghi lại như những trang nhật ký cho riêng mình?
- Tôi không có ý định viết để xuất bản thành sách. Chỉ đơn thuần ghi lại những sự kiện, chen lồng cảm xúc của tôi về những thời khắc đó như những trang nhật ký cho riêng mình và cho một số bạn bè trên facebook của tôi.
Có một điều thế này: viết trên facebook thì dễ, muốn viết sao cũng được, vì đó là viết cho mình (tất nhiên là cho cả bạn bè mình), còn viết sách, sách là cho công chúng cho nên phải viết sao để cho mỗi người đọc đều cảm nhận được thông tin mình muốn truyền tải đó mới là cái khó cần phải vượt qua, bởi vì có làm được như thế thì mới là trân trọng, tôn trọng người đọc. Tôi muốn mỗi con chữ đều gửi gắm kiến thức, tâm tư, tình cảm của tôi trong đó, muốn qua đó truyền được năng lượng cho bạn đọc. Viết cuốn truyện ký “Paris+14” này, biết bao lần phải ngưng lại vì mắt bị nhòe bởi nước mắt, biết bao lần không dám đọc thành tiếng vì giọng cứ nghẹn lại.
Tôi muốn ghi lại bức tranh về đại dịch mà mình tận mắt chứng kiến để mọi người hiện tại và sau này có thể hình dung được một cách tổng thể đại dịch Covid-19. Thông qua việc viết, tôi gửi gắm thông điệp nhân văn và con người phải luôn đồng hành, nhân văn giữa con người với con người và nhân văn giữa con người với thiên nhiên.
Chưa từng cầm bút viết văn, viết sách. Vậy khi bắt tay viết, chị đối diện những khó khăn gì?
- Đúng vậy, trước khi viết “Paris+14” tôi chưa cầm bút viết văn, viết sách. Mặc dù từ khi vào học phổ thông, các thầy cô đã phát hiện ra khả năng nổi trội của tôi cả hai môn Văn, Toán. Tôi còn là một cây làm báo tường, viết báo thời học sinh. Rồi vào đại học ở nước ngoài, được học trong môi trường các giáo sư, tiến sĩ giỏi nên tôi tiếp thu được rất nhiều kiến thức trong đó cách viết. Tôi đã tự hoàn thành hai luận án: luận án tốt nghiệp đại học và luận án Phó Tiến sĩ như một công trình nghiên cứu khoa học. Trong số 3 sinh viên được chuyển tiếp sinh năm đó chỉ có tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ thành công luận án.
Với tôi, văn là người. Văn là thể hiện tâm tư, cảm xúc, trạng thái của người, cho nên tôi cảm nhận thế nào, nhìn thấy thế nào thì tôi viết thôi, không hề bị áp lực gì. Tất cả những nội dung trong “Paris+14” là xúc cảm từ đáy lòng của tôi.
Tôi biết đến chị đầu tiên qua những status về Covid-19 qua mạng xã hội. Vậy ai hay điều gì thôi thúc chị xuất bản cuốn sách?
- Chính bạn đọc đã thôi thúc tôi xuất bản cuốn “Paris+14”. Ngày 17/3/2020, tôi có đăng trên facebook bài ký sự đầu tiên về cuộc “hoảng loạn” của tôi tháo chạy khỏi kinh đô ánh sáng. Bài đăng chưa được một ngày, lượng truy cập và bình luận, chia sẻ tăng đến chóng mặt. Có nhiều bạn đọc nhắn tin cho tôi nói về những xúc động của họ khi đọc bài viết, và rằng qua những đoạn văn của tôi tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc ở họ trỗi dậy hơn bao giờ hết. Đọc những dòng tâm sự của họ, tôi ứa nước mắt, một cảm giác được sẻ chia, an ủi thật sự. Rất nhiều bạn đọc đề nghị tôi viết tiếp, kể tiếp…
Qua mạng xã hội, điều tôi bất ngờ nhất là rất nhiều bạn đọc chờ đợi những bài đăng của tôi.
Trong thời gian 14 ngày cách ly ở Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô (Sơn Tây, Hà Nội) tôi đã viết và đăng trên trang facebook của mình 6 phần và một bài thơ vẫn chỉ với mục đích ghi lại cho những ai không được trải nghiệm như tôi.
Có phải bài thơ chị viết về người lính, những chiến sĩ không quản nguy hiểm để phục vụ bà con từ xa Tổ quốc trở về đất Mẹ: “Những ngôi sao màu xanh/ Cứ lặng thầm tỏa sáng/ Giữa đất trời bao la/ Miền Sơn Tây quê Mẹ/ Những ngôi sao màu xanh/ Thân thương và bình dị/ Chẳng phô trương ồn ào/ Cứ lặng thầm tỏa sáng”?
- Vâng. Đó là những cảm xúc của tôi khi chứng kiến những người lính, những chiến sĩ ngày đêm làm việc, không kêu ca, lo lắng khi mà vừa đối diện hiểm họa khó lường của Covid-19, vừa phải làm việc cực kỳ nặng nhọc. Có những lần, khi chứng kiến các anh, các em, các cháu mồ hôi đầm đìa vận chuyển hàng tấn hàng mà gia đình gửi vào “tiếp tế” cho người thân thực hiện cách ly, tôi đã khóc. Trong sách, tôi cũng có viết kỹ về điều này, xin trích một đoạn rất ngắn: “Có tận mắt chứng kiến cảnh các chiến sĩ thân hình gầy gò, nhễ nhại mồ hôi, chuyển hàng từ xe tải xuống, xếp vào xe đẩy, gò lưng đẩy xe bò lên dốc, rồi lại bê từng món đồ đặt xuống sân… mới thấy thương, thấy xót! Việc gửi đồ nhiều quá mức cần thiết vừa làm cho các chiến sĩ vất vả thêm, vừa rất lãng phí…”
Mặc dù trong cuốn sách chị đã kể khá chi tiết những câu chuyện về người dân, đặc biệt là những Việt kiều ở Pháp. Nhưng tôi vẫn muốn chị chia sẻ thêm cảm nhận riêng về những khoảnh khắc khó quên nhất trong những ngày ở Pháp, đối diện với hình ảnh nước Pháp “phong thành”. Rồi điều gì khiến chị, lúc đầu không định về Việt Nam, nhưng chỉ ít giờ sau lại quyết định trở về?
- Sau khi đón Tết Canh Tý ở Hà Nội, tôi quay trở lại Paris ngày 6/2/2020. Sự thực lúc trên máy bay chưa có cảm giác trống rỗng, vẫn còn vui, háo hức lắm, nhưng vừa xuống sân bay một cái, tự nhiên rùng mình. Cảnh tượng thưa thớt, vắng vẻ hẳn, có thể so sánh thế này: trước kia mỗi lần tôi sang số người tấp nập 100 lần thì giờ chỉ bằng 1/10, có khi còn ít hơn. Phải nói là hụt hẫng thật sự!
Trong khi ở châu Á nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, đang sôi sục với nạn Covid-19 thì ở Pháp vẫn còn im ắng lắm, nên cảm giác yên tâm dần dần xâm chiếm tôi.
Thế rồi, hàng ngày coi tin tức, mấy ngày đó hầu như lúc nào cũng chỉ dán mắt vào màn hình máy tính, hay điện thoại để mà xem tin tức, xem thay đổi số nhiễm từng giờ. Trời lúc nóng, lúc lạnh, thất thường lắm, mưa gió thường xuyên. Ngạt mũi, đau họng thế là thấy lo, nhất là khi thấy những bài ở bên Ý bệnh viện đang chọn bệnh nhân để cứu, thì toát mồ hôi, càng theo dõi tin tức, càng thấy lo, hoảng sợ, có lúc thấy bế tắc vì bản thân không làm chủ được tình huống. Ra đường thấy dân Pháp vẫn bình thường, khẩu trang không đeo, vẫn nói cười như trước… Tự nhiên không còn tin tưởng ở phương pháp chống dịch tại Pháp, thấy lo lắng nếu có bị nhiễm bệnh chắc gì đã được vào viện nằm, sợ cô đơn, vì bệnh viện Pháp bình thường đã khó vào thăm nom, giờ lại lại bệnh lây nhiễm thì sẽ chỉ có một mình nếu chẳng may mắc bệnh phải vào viện.
Cảm giác vừa lo sợ, vừa cô quạnh cứ xâm chiếm, muốn cái gì đó ấm áp, bao bọc, bảo vệ thế là tôi quyết định trở về Việt Nam.
Cảm nhận của chị về cách chống dịch của những nơi mà chị đi qua? Điều gì khiến chị xúc động nhất?
- Cách chống dịch ở những nơi tôi đã đi qua, tôi chỉ thấy Việt Nam là nghiêm túc nhất, nhất quán từ trên xuống dưới, ý thức của người Việt Nam đa phần rất nghiêm túc, họ hiểu thực sự mức độ nguy hiểm của nạn dịch này. Dân mình chịu khổ và biết hạn chế nhu cầu cá nhân.
Điều tôi xúc động nhất chính là những người quân nhân, tôi thấy một sự chịu đựng nhẫn nại vô cùng, ngày nào cứ sau mỗi lần họ đưa thức ăn tới, vừa ăn là tôi lại trào nước mắt. Ý thức cộng đồng của người Việt khá tốt.
Thật tình mà nói, ít, rất ít những trang sách viết về Covid-19, dù đây là một đại dịch làm khuynh đảo toàn thế giới. Viết “Paris+14”, chị hi vọng điều gì?
- Đúng là hầu chưa có những trang viết đầy đủ về bức tranh này mà chỉ có từng nơi, từng phần, vì thực ra cũng hiếm có ai có một hành trình trải nghiệm dài như tôi. Tôi viết “Paris+14” với hy vọng rằng tất cả những câu chuyện trong cuốn sách là một bức tranh toàn cảnh về nạn dịch chưa có hồi kết, sẽ giúp ích được tất cả mọi người ngoài vòng cách ly nhưng là trong cuộc của đại dịch này hiểu rõ: Cách phòng chống virus cho bản thân mỗi người; Phải bảo vệ thiên nhiên, phải yêu thương thiên nhiên và phải coi đó là người bạn đồng hành vĩnh viễn của mình; Hãy tôn trọng nhau, đối sử với nhau nhân văn, phải vì nhau mà sống; Chỉ có đoàn kết mới có thể cùng nhau vượt qua nạn dịch; Quê hương là nơi mà ta có thể quay về bất cứ lúc nào cho nên ta phải trân quý giá trị đó.
Tôi cũng muốn chị chia sẻ thêm về những điều mắt thấy tai nghe, về nỗi niềm của những người con xa xứ, khi phải sống trong thấp thỏm về dịch bệnh, và hẳn không ít người muốn trở về đất Mẹ Việt Nam?
- Có nhiều thái cực khác nhau: Nhiều người lo sợ thực sự và thất vọng trước cách xử lý tình huống nạn dịch tại nơi mình sinh sống, họ sống trong lo sợ nên cố thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa đã được thế giới khuyến cáo, họ không còn ngại ngùng có bị kỳ thị hay là không nữa mà cái quan tâm của họ là không được để bị nhiễm bệnh. Họ muốn trở về đất Mẹ Việt Nam, họ yên tâm với cách chống dịch của Việt Nam. Rất nhiều người đã thay đổi quan điểm về quê hương, họ thấy gắn bó và tin tưởng. Rất nhiều người muốn trở về hẳn.
Trân trọng cảm ơn chị!
TS Cù Thu Hương sinh năm 1963 tại Hà Nội. Tốt nghiệp đại học và nhận bằng Tiến sĩ tâm lý học tại Trường Đại học Tổng hợp Leningrad (nay là thành phố Sankt-Peterburg - Nga) năm 1991. Hiện chị là Giám đốc thương mại và thời trang tại Pháp. Chuyên gia tư vấn tâm lý.
Cuốn sách “Paris+14” là tác phẩm đầu tay của chị, do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Sách dày hơn 300 trang, gồm 12 phần : Tôi không phải là virus!, Bóng tối đang dần nuốt chửng kinh đô ánh sáng, Thiên đường yêu thương, Sân bay trong mây, Đất mẹ, Ngôi nhà chung, Lực lượng 24/24, Vòng một, Paris14 = Hà Nội...