Kim Lân qua góc nhìn của người đương thời
Kim Lân là mẫu nhà văn của “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Văn chương cốt ở sự tinh cứ không cốt ở sự nhiều.
Nhà văn Kim Lân sinh năm 1920, cùng tuổi với Tô Hoài, Chế Lan Viên, Võ Quảng, Nguyễn Xuân Xanh. Cuộc đời văn chương của ông không đồ sộ nhưng với “Vợ nhặt”, “Làng”, Kim Lân đã tạo dựng được cho mình một tượng đài nghệ thuật, đi vào lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, có thể đứng vững trong nhiều bảng xếp hạng văn học Việt Nam thế kỷ XX.
Nhà văn Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, sinh ra ở mảnh đất Phù Lưu (Bắc Ninh). Ông chọn bút danh Kim Lân vì mê nhân vật Đổng Kim Lân trong vở tuồng “Sơn Hậu”. Kim Lân đã sống với nghề văn, làng văn một cách đĩnh đạc và nhanh chóng xác lập, định vị cho mình một chỗ đứng trên văn đàn. Những tác phẩm của ông cho thấy Kim Lân là một nhà văn rất tinh tường, am hiểu tới tận gốc rễ về cuộc sống của những người nông dân.
Kim Lân là mẫu nhà văn của “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Văn chương cốt ở sự tinh cứ không cốt ở sự nhiều. Trên đường văn, ông để lại 27 truyện, trong đó có 14 truyện viết và in trước Cách mạng Tháng Tám, 13 truyện viết và in sau Cách mạng Tháng Tám.
Cũng từ rất sớm, Kim Lân gác bút. Ông cảm thán: “Viết được thì viết, không viết được thì thôi. Những cái cố gượng viết đều giả, đều khô khan, đọc lại thấy xấu hổ lắm…”.
Không muốn mình viết khô, viết giả, tránh xa những tranh luận, thị phi, Kim Lân nghĩ nhiều viết ít. Có lúc có đoạn, chỉ thấy ông viết những bài báo nhỏ, về một cuốn sách, về một kỷ niệm với bạn văn. Như thể không viết không được, thì ông mới viết. Có lúc có đoạn, ông lại tìm mình, làm mới mình qua việc đóng phim. Những vai diễn của Kim Lân, ít thôi - như Lý Cựu trong “Chị Dậu”, Pụ Pạng trong “Vợ chồng A Phủ”, Lão Hạc trong “Làng Vũ Đại ngày ấy” - đến nay vẫn khiến nhiều người ám ảnh.
Kim Lân đã bỏ lại thế gian này đến nay 13 năm song những trang văn của ông còn lấp lánh, sống động trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Dưới đây là đánh giá của người đương thời về ông.
GS Phong Lê: Kim Lân vẫn còn đó qua thế giới nhân vật của mình
Nghĩ về Kim Lân là nghĩ về một thế hệ nhà văn tiền chiến, với thế giới người bé mọn là đối tượng quan tâm chung. Nhưng ngoài sự sống đó, ông còn có một mảng màu khác, có thể nói là đặc sắc, trong những thú chơi thanh lịch của một vùng quê Kinh Bắc như đánh vật, chọi gà, thả chim, nuôi chó săn, làm đèn hàng Mã...
Chỉ viết những gì mình thuộc; không tuyên ngôn, không phô trương ồn ào; càng không sa vào những cuộc đánh đấu, mà chỉ muốn là một người viết khiêm nhường, một phận người tử tế, phải chăng đó là một trong các nguyên cớ khiến Kim Lân kiên trì chủ trương viết ít; và đó là điều có gây thiệt cho ông, và cũng là thiệt cho nền văn học nửa sau thế kỷ XX của chúng ta.
Thế nhưng con người luôn luôn nhún nhường, và không ưa chen lấn, lại vẫn thật ấn tượng trong những trang ít ỏi đã được viết, bởi cách sống và cách viết của ông. Làm một người tử tế - như ông mong muốn, quả đâu là dễ trong cuộc đời; và khi chọn nó làm mục tiêu cho cách sống và cách viết, ông đã cho ta một khẳng định về sự hiện diện cao quý “đói cho sạch, rách cho thơm” của mình. Với tôi, tôi không ngần ngại khi đặt ông kề sau Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng - những tên tuổi lớn trong văn học thời 1941-1945. Cũng những tên tuổi đó, sau một kết thúc vinh quang, lại tiếp tục là người khởi đầu và xây nền móng cho văn học sau 1945 bằng chính tấm gương sống và viết của họ.
Kim Lân đã qua đời ngót 15 năm, nhưng gương mặt ông, hình bóng ông dường như vẫn ở đâu đó bên ta, qua thế giới nhân vật gồm chính những bà con, anh em, cô bác quen thuộc của chúng ta, số đông có nguồn cội thôn quê, và hẳn chắc còn lâu mới hết phận nghèo vất vả. Ông vẫn còn đó qua thế giới nhân vật của mình; và với ông, thế giới những phận người bé mọn vẫn tiếp tục cuộc hành trình của họ.
GS.TS Trần Đăng Suyền: Kim Lân đi vào lịch sử văn học Việt Nam hiện đại như một cây bút truyện ngắn tài năng
Kim Lân là nhà văn chuyên viết truyện ngắn, thường viết về nông thôn và người nông dân, có sáng tác trải qua hai thời kỳ: trước cách mạng tháng Tám năm 1945 và sau năm 1945. Muốn đánh giá đúng đóng góp của Kim Lân, cần phải đặt những sáng tác của ông vào trào lưu văn học hiện thực Việt Nam giai đoạn 1930 đến 1945 và nền văn học cách mạng giai đoạn từ 1945 đến 1975.
Trước năm 1945, Kim Lân là nhà văn hiện thực xuất hiện ở chặng đường cuối cùng của trào lưu văn học hiện thực: từ 1940 đến 1945. Thời kỳ này, thế giới nghệ thuật của Kim Lân chỉ tập trung ở khung cảnh làng quê cùng với những người nông dân. Tác phẩm đầu tay của ông là truyện ngắn “Đứa con người vợ lẽ”, một truyện ngắn có tính chất tự truyện, đăng trên Trung Bắc chủ nhật, số 120, năm 1942. Cùng với “Đứa con người vợ lẽ” các truyện ngắn “Đứa con người cô đầu”, “Cô Vịa", "Người kép già"…, thường gắn với những câu chuyện riêng của gia đình ông nhưng vẫn đặt ra được những vấn đề có ý nghĩa xã hội nhất định.
Trong trào lưu văn học hiện thực chặng đường cuối cùng 1940 - 1945, Kim Lân chỉ thực sự có vị trí văn học, tạo được sự chú ý khi ông đi vào đề tài độc đáo, tập trung viết về đời sống phong tục, những thú chơi của người nông dân vùng Bắc Ninh quê hương ông. Khác với Nguyễn Tuân – nhà văn lãng mạn viết về những thú chơi của những con người tài hoa, nghệ sĩ, những con người của thế giới "Vang bóng một thời", bị lạc thời, thất thế, lấy cái thú chơi tao nhã của mình để đối chọi lại cái xã hội đầy phàm tục; Kim Lân là nhà văn hiện thực viết rất hay về phong tục và đời sống làng quê. Đó là những thú chơi và những sinh hoạt văn hoá cổ truyền của người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, được gọi là những “thú đồng quê” hay “phong lưu đồng ruộng” của người dân quê như chơi núi non bộ, nuôi chim bồ câu, chọi gà, chó săn... tạo thành một chùm sáng tác liền mạch về phong tục đồng quê, hấp dẫn người đọc không chỉ vì đã cung cấp được những tri thức về phong tục mà chủ yếu là vì ông đã làm hiển hiện lên cuộc sống và con người của làng quê Việt Nam truyền thống tuy nghèo khổ, thiếu thốn mà vẫn yêu đời.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Kim Lân vẫn tiếp tục viết về nông thôn và người nông dân. Ông viết chân thật, xúc động về cuộc sống và người dân quê mà ông hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí của họ - những con người gắn bó tha thiết với quê hương và cách mạng. Ông thường viết về những cảnh tội nghiệp, cuộc sống khốn khổ đến cùng cực của người nông dân dưới chế độ cũ và sự đổi đời của họ nhờ cách mạng. Ngòi bút của ông tập trung khai thác những phương diện xã hội chính trị của đời sống nông dân gắn liền với vận mệnh chung của đất nước. Trong số những tác phẩm viết về đề tài này, “Vợ nhặt”, “Làng” xứng đáng thuộc loại những tác phẩm xuất sắc nhất của văn học Việt Nam hiện đại.
Kim Lân viết ít. Nhiều người đã lí giải về vấn đề này. Đó là bản lĩnh, là sự tỉnh táo, là thái độ hết sức nghiêm túc trong sáng tạo nghệ thuật.
Nhà phê bình Lê Thành Nghị: Kim Lân - một người lịch lãm, thấu hiểu bài học làm người
Kim Lân là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp văn chương của ông không đồ sộ, chủ yếu là truyện ngắn. Đề tài quen thuộc trong sáng tác của ông là làng quê vùng Kinh Bắc. Tuy vậy, Kim Lân để lại trong tâm trí người đọc những ấn tượng khó quên phong cách của một ngòi bút bình dị mà đặc sắc, tài hoa, khó bị trộn lẫn, ít bị phôi pha theo thời gian.
Kim Lân tự “rửa tay gác kiếm” khá sớm. Từ sau 1960 đến năm ông mất 2007 hầu như ông không viết nữa. Lựa chọn im lặng cũng là một thái độ sống tích cực trong lĩnh vực văn chương, khi thấy đã đến lúc cần sự im lặng. Ít khi thấy Kim Lân đăng đàn ở các Hội nghị, Hội thảo, hoặc ồn ào ở chỗ đông người. Hồi ông phụ trách công tác bồi dưỡng các nhà văn trẻ của Hội Nhà văn, nếu ai đó cần học hỏi điều gì, Kim Lân cứ thủ thỉ tâm tình, không sách vở, lý sự nhiều, chỉ nói những gì mình có, mình nghĩ, những kinh nghiệm của riêng mình. Người viết thế hệ sau nhận được ở ông những bài học chân thành của một bậc thợ cả dễ gần, hiền lành, không giấu nghề. Ông khác hẳn với một vài người cầm bút khác, người thì suốt đời chẳng đọc ai, chẳng đọc gì nhưng thường khinh bạc coi ai cũng chẳng ra gì, người thì hợm hĩnh đòi “thách đấu với Nguyễn Du”, “thách đấu với 50 nhà thơ Việt hiện đại”… Kim Lân để lại ấn tượng trong chúng ta bằng cách khác, cái cách của một người lịch lãm, thấm sâu văn hóa làng quê, thấu hiểu bài học làm người, cách của một tài năng độc đáo, độc đáo ngay trong sự khiêm nhường để tránh không làm tổn thương người khác. Nếu quá trình sống của mỗi người là sự tự họa bức chân dung của người đó trong ký ức của người đối diện, thì đó chính là bức chân dung ông tự vẽ trên trang giấy tâm hồn người bên cạnh. Chính vì vậy, ông càng thêm lớn, càng thêm gần, càng thêm nhớ tiếc trong mỗi chúng ta.