Lạng Sơn, vì đâu núi đồi tan hoang?- Bài cuối: Ai phải chịu trách nhiệm?
Sở TNMT tham mưu, trình UBND tỉnh Lạng Sơn ký ban hành Quyết định 1188/QĐ-UBND có nhiều nội dung trái luật gây ra nhiều hệ lụy (Báo Đại Đoàn kết đã phản ánh ở số báo trước). Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề “trách nhiệm”, thì cả UBND tỉnh Lạng Sơn và Sở TNMT đều “né” trả lời nội dung này.
“Né” trả lời câu hỏi
Được biết, sau hơn 1 năm thực hiện Quyết định số 1188/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lạng Sơn, đến tháng 10/2020, UBND các huyện chấp thuận san gạt, cải tạo mặt bằng và chuyển thông tin tính tiền cấp quyền khai thác đất 68 hồ sơ của tổ chức, cá nhân. Trong đó, có 3 hồ sơ của tổ chức và 65 hồ sơ của hộ gia đình, cá nhân. Hồ sơ đăng ký san lấp, cải tạo mặt bằng tại 8/11 huyện thành phố, gồm có: Hữu Lũng (22 hồ sơ), Lộc Bình (19 hồ sơ), Chi Lăng (7 hồ sơ), Cao Lộc (10 hồ sơ), Văn Quan (3 hồ sơ), Đình Lập (4 hồ sơ), Văn Lãng (2 hồ sơ), thành phố Lạng Sơn (1 hồ sơ).
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, trên cơ sở văn bản của Phòng TNMT cấp huyện về việc chuyển thông tin tính tiền cấp quyền khai thác đất, Sở TNMT tỉnh Lạng Sơn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Cục thuế và UBND huyện tính tiền cấp quyền khai thác, san lấp đất, trình UBND tỉnh ban hành 68 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác đất với số tiền 1 tỷ 725 triệu đồng trên tổng khối lượng 1.116.094,97 m3 đất san lấp.
Để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và hướng khắc phục hậu quả do Quyết định số 1188/QĐ-UBND gây ra, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã đăng ký làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn về nội dung trên.
Tuy nhiên, ông Phạm Hùng Trường- Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ thông tin ngắn gọn là nội dung Quyết định 1188, Ủy ban tỉnh đã giao cho Sở TNMT và các ngành liên quan tham mưu, xử lý.
Tiếp tục đem câu hỏi “Trách nhiệm thuộc về ai?” đến Sở TNMT tỉnh Lạng Sơn để hỏi rõ ngọn ngành, thì Sở TN&MT đã từ chối bố trí lịch làm việc trực tiếp với phóng viên. Sau đó, ông Chu Văn Thạch - Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Lạng Sơn đã ký văn bản trả lời Báo Đại Đoàn Kết với nội dung cũng rất ngắn gọn, chung chung: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại công văn số 4386/VP-TK của Văn phòng UBND tỉnh về việc đề xuất thực hiện kết luận của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp. Hiện nay, Sở TNMT chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan đang tiến hành rà soát, dự thảo báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện Quyết định số 1188 và đề xuất thực hiện Kết luận số 56KL-KTrVB của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp”.
Mặc dù trong nội dung Báo Đại Đoàn Kết đăng ký làm việc đặt câu hỏi rất rõ ràng về trách nhiệm của Sở TNMT như thế nào khi trình UBND tỉnh ban hành Quyết định trái pháp luật, tuy nhiên trong văn bản trả lời của Sở TNMT tỉnh Lạng Sơn tuyệt nhiên không có câu chữ nào đề cập đến trách nhiệm của Sở này.
Bị “tuýt còi” vẫn đề xuất cho thực hiện nốt
Lý giải về lý do trình UBND tỉnh và quá trình ban hành Quyết định số 1188/QĐ-UBND, tại Văn bản báo của gửi UBND tỉnh của Sở TNMT Lạng Sơn cho rằng, trong một thời gian dài, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thường xuyên xảy ra tình trạng các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự ý san, gạt, đào, đắp, cải tạo mặt bằng, vận chuyển đất dùng cho san lấp mà không xin phép hoặc thông báo với chính quyền địa phương. Tình trạng trên đã gây khó khăn trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý tài nguyên, môi trường, quản lý thuế, phí theo quy định, tác động xấu đến cảnh quan thiên nhiên, mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường.
Trong khi báo cáo của Sở TNMT thể hiện, đối chiếu các quy định pháp luật về đất đai, khoáng sản, môi trường không có quy định cụ thể để quản lý đối với các trường hợp nêu trên thì cuộc họp Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh tháng 1/2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã kết luận tại Thông báo số 25/TB- UBND ngày 16/1/2019 giao Sở TNMT chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành về việc quản lý, khai thác đất san lấp khi hạ độ cao, cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Sau đó, Sở TNMT đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan soạn thảo Quyết định ban hành quy định về việc san, gạt, đào, đắp, cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nhằm đảm bảo cho việc thực hiện Luật Khoáng sản, Luật Đất đai, Luật bảo vệ môi trường, Luật quản lý thuế một cách thống nhất, đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Báo cáo của Sở TNMT cũng thể hiện, Quyết định số 1188/QĐ-UBND là văn bản cá biệt, nhưng nội dung chứa quy phạm pháp luật quy định nguyên tắc san lấp, cải tạo mặt bằng; Các hành vi bị cấm; Các trường hợp được phép, không được phép san lấp, cải tạo mặt bằng; Thủ tục hành chính đối với hoạt động san lấp, cải tạo mặt bằng; Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân... Việc đặt ra quy phạm pháp luật trong văn bản cá biệt như trên là vi phạm điều cấm tại Khoản 2, Điều 14 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Ban hành văn bản không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Điều 4 của Luật này nhưng có chứa quy phạm pháp luật”.
Từ kết quả kiểm tra, rà soát nêu trên, thực hiện kết luận của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Sở TNMT kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh thu hồi, hủy bỏ Quyết định số 1188/QĐ-UBND ngày 28/6/2019 của UBND tỉnh Lạng Sơn quy định về việc san, gạt, đào, đắp, cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Mặc dù bị Bộ Tư pháp “tuýt còi”, yêu cầu bãi bỏ và chính Sở TNMT đề nghị thu hồi Quyết định 1188, nhưng không hiểu sao, tại văn bản Báo cáo UBND tỉnh Lạng Sơn, Sở TNMT vẫn kiến nghị UBND tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho các đơn vị tiếp tục thực hiện cho đến hết thời hạn cho phép. Hiện nay, Sở TNMT đã tiếp nhận 7 hồ sơ chuyển thông tin tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và có một số hồ sơ đã được UBND huyện chấp thuận, nhưng chưa chuyển thông tin tính tiền cấp quyền khai thác đất san lấp. Sở TNMT đề nghị UBND tỉnh giao Sở TNMT tiếp tục thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (đất san lấp).
Cả UBND tỉnh, Sở TNMT đều “né” trả lời về trách nhiệm khi tỉnh ban hành quyết định trái luật, chẳng lẽ không ai chịu trách nhiệm?