Nghiêm trị tội phạm môi trường
Gần một trăm con lợn nghi nhiễm dịch bệnh vừa bị vứt bỏ tại khu vực giáp ranh giữa xã Nghĩa Lạc (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) và xã Xuân Bình (huyện Nghi Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Cho dù chính quyền đã thu gom, tiêu hủy thì đây vẫn là một sự việc nguy hiểm.
Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc để xử lý theo pháp luật. Đơn vị, cá nhân nào đã thả, vứt bỏ số lợn nói trên? Nếu là lợn bị mất trộm, đương nhiên đã có người trình báo và đến nhận. Ở đây gần 100 con lợn qua kiểm tra đều có biểu hiện bị dịch bệnh, rất yếu và nhiều con đã chết. Từ đó cho thấy, do lợn bị nhiễm bệnh, nên người ta đã đem vứt trộm ra môi trường.
Hành vi vứt lợn nhiễm bệnh ra môi trường nói trên rõ ràng là hành vi khá nghiêm trọng. Nếu những con lợn chỉ nhiễm những loại dịch bệnh thông thường vẫn và đang được xử lý bình thường thì là một chuyện. Nếu như đàn lợn trên lại nhiễm những loại bệnh mới hay những mầm bệnh dịch nguy hiểm, rất nguy hiểm nào đó, hay có kẻ nào đó cố tình phát tác dịch bệnh, nếu không kịp thời phát hiện, thu gom, xử lý thì hậu quả thật khôn lường.
Việc vứt bỏ, thả lợn bị nhiễm bệnh trong vụ việc nói trên là hành vi cố tình, cố ý, rất tinh vi, khi đem vứt bỏ tại khu vực giáp ranh giữa địa bàn hai xã, hai tỉnh. Ở đây cũng chỉ bàn đến động cơ do thói quen, hay không muốn tốn kém thêm, mà người ta đã đem vứt trộm để “cho rảnh nợ” mà thôi... Và dù cho trường hợp nào thì đơn vị, cá nhân thực hiện cũng đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Tình trạng xả thải bừa bãi ra môi trường, vứt xác động vật chết ra môi trường từ lâu nay ở không ít nơi, ít chỗ đã như một thứ tệ nạn. Câu chuyện chỉ biết sạch ở nhà mình để rồi ném rác, ném súc vật chết sang hàng xóm, ra đường, ném xuống sông thường xảy ra đã từ lâu, ở nhiều nơi. Xã hội phát triển, từ việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh cùng với sự điều chỉnh của pháp luật, tình trạng này đã giảm bớt, tuy nhiên đây đó, cũng vẫn còn không ít. Như vài năm trước, khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở nhiều nơi làm chết nhiều đàn lợn, không ít người đã đem lợn chết ném xuống sông. Nhiều con sông từ Bắc chí Nam đã hết sức ô nhiễm, xác gà lợn nổi lềnh bềnh.
Ai cũng biết việc thả súc vật bị bệnh ra môi trường, bỏ súc vật bị dịch chết xuống sông là vô cùng nguy hiểm. Không chỉ ô nhiễm, triệt hạ nguồn nước mà còn phát tán bệnh tật cho các loại gia súc, gia cầm, và cho cả con người. Vì sao người ta biết mà vẫn làm? Do thói quen tùy tiện, sự ích kỷ, thiếu ý thức pháp luật, ý thức trách nhiệm với cộng đồng? Nếu như trước kia nói chưa có quy định, chế tài của pháp luật, người dân tùy tiện đã đành, nhưng nhiều năm qua, pháp luật đã điều chỉnh, có quy định rõ ràng, thế nhưng vẫn tình trạng cũ diễn ra.
Khoản 7 Điều 13 Luật Thú y 2015 về những hành vi bị nghiêm cấm đã quy định rõ, cấm vứt động vật mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng, xả nước thải mang mầm bệnh ra môi trường. Khoản 6, Điều 5 Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định hành vi vận chuyển, vứt gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra môi trường bị phạt từ 5-6 triệu đồng với cá nhân; và phải khắc phục hậu quả như buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật, xác động vật và sản phẩm của chúng. Còn Điều 241 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật: Nếu người nào làm lây lan dịch bệnh cho động vật, thực vật gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong những hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Thậm chí khung cao hơn từ 5- 7 năm.
Quy định của pháp luật là vậy, nhưng thực tế nơi nơi, người ta vẫn vi phạm, cố tình vi phạm. Vấn đề chính là do các cơ quan có trách nhiệm đã lơi lỏng, không phát hiện, xử lý nghiêm minh. Vi phạm thì tràn lan, nhưng có rất ít vụ việc bị xử lý.
Từ những vấn nạn như việc vứt xác động vật chết do dịch bệnh xuống sông, hay vứt thả lợn bị dịch ra môi trường vừa diễn ra cho thấy, yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm cần mạnh tay điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm. Với những vụ như hàng trăm con lợn nhiễm bệnh thả ra môi trường cần phải điều tra làm rõ để xử lý, thậm chí có thể phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đưa ra xét xử theo quy định.
Chỉ có làm mạnh, làm nghiêm, thì mới hạn chế, chấm dứt những thói quen tùy tiện, hay những hành vi cố tình vi phạm pháp luật, kiểu ném lợn chết vì dịch xuống sông hay thả lợn bị nhiễm bệnh ra môi trường. Một nhà nước pháp quyền do dân, vì dân, xây dựng xã hội văn minh, hiện đại không thể để tồn tại mãi những thói quen, hành vi tùy tiện, vi phạm pháp luật, dù ở bất cứ lĩnh vực nào.