Bà Trần Uyên Phương khẳng định không ký hợp đồng giả cách
Ngày 4/12, Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam đã có thông cáo đến cơ quan báo chí, truyền thông về việc ngăn chặn chuyển nhượng và cung cấp thông tin liên quan đến tài sản của bà Trần Uyên Phương.
Theo đó, phía đại diện của bà Trần Uyên Phương khẳng định hiện chưa nhận được các thông tin, văn bản chính thức, chưa làm việc với Cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, các luật sư sẽ hợp tác toàn diện với các Cơ quan điều tra để sớm làm rõ sự việc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
“Chúng tôi cho rằng, theo quy định pháp luật, nếu có tố cáo thì các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, xác minh, làm rõ các thông tin để giải quyết đơn tố cáo. Đó là việc làm hết sức bình thường và không thể suy diễn khi cơ quan điều tra làm rõ thông tin về bà Phương đồng nghĩa với việc bà Phương vi phạm pháp luật, đồng nghĩa với việc các tố cáo là đúng. Người tố cáo cũng phải chịu trách nhiệm nếu các tố cáo của mình là sai”, đại diện pháp luật của bà Trần Uyên Phương khẳng định.
Đối với nội dung tố cáo của các đương sự mà cơ quan điều tra Bộ Công an đang thụ lý xác minh, cho rằng có việc "cho vay nặng lãi" và "chiếm đoạt tài sản" thông qua các hợp đồng giả cách, phía bà Trần Uyên Phương cho biết: "Cho đến nay, chúng tôi chỉ biết được có các tố cáo đó qua báo chí. Chúng tôi cũng không được biết chi tiết về nội dung tố cáo."
Ngoài ra, các luật sư cũng khẳng định các giao dịch bà Trần Uyên Phương đã thực hiện không phải là giả cách, hoàn toàn là sự tự nguyện của các bên, thậm chí xuất phát từ sự chủ động đề xuất của đối tác.
Một Hợp đồng được ký tự nguyện, hợp pháp, được thực hiện trên thực tế thì không thể coi là giả cách. Các bên tham gia giao dịch có đủ năng lực hành vi dân sự, thậm chí còn là những người có kinh nghiệm nhiều năm trên thương trường, không bị cưỡng ép phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Bên bán tự nguyện chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua thông qua hợp đồng chuyển nhượng, nhận đủ tiền, chuyển giao tài sản trên thực tế cho bên mua thì không thể nói là bên mua “chiếm đoạt tài sản”.
Nếu các bên không chịu trách nhiệm về chữ ký của mình trong giao dịch, sẵn sàng phủ nhận những gì mình ký thì bất cứ giao dịch nào cũng có thể bị suy diễn thành giả cách. Theo quy định pháp luật, nếu có tố cáo thì các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét.
Đồng thời, cũng khẳng định thêm, việc "lùm xùm" của bà Trần Uyên Phương không liên quan đến Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
Như trước đó báo chí đã thông tin, ngày 25/11, Bộ Công an đề nghị Chủ tịch UBND TP HCM chỉ đạo tạm dừng biến động và cung cấp toàn bộ hồ sơ pháp lý đối với 33 thửa đất đứng tên bà Trần Uyên Phương - con gái chủ tịch Tân Hiệp Phát để phục vụ điều tra, xác minh vụ việc liên quan đến tố cáo là chủ mưu trong vụ cho vay lãi cao, dùng thủ đoạn để chiếm đất.
Các thửa đất bị ngừng giao dịch chuyển nhượng, mua bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp bao gồm 4 thửa đất tại quận Thủ Đức gồm thửa 1186 - 100 rộng 847 m2; thửa 1186 - 101 rộng 837 m3; thửa 1186 - 102 rộng 833 m2 và thửa 1186 - 112 rộng 822 m2 thuộc tờ bản đồ số 4, tại phường Hiệp Bình Chánh.
29 thửa đất số 454, 455, 456,457, 458, 459, 460, 461, 462, 463, 464, 465, 466, 467,468, 469, 450, 451, 452, 453, 454, 455, 456, 457, 458, 459, 460, 461, 462, 463, 464, 465, 466, 467, 468, 469, 470, 471, 472, 473, 474, 475, 476, 477, 478, 479, 480, 481, 482 thuộc tờ bản đồ số 107 (TL2005) tại địa chỉ 230 Hồ Học Lãm, khu phố 3, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã có văn bản 4335 ngày 9/11 gửi UBND tỉnh Đồng Nai về việc đề nghị tạm dừng biến động phục vụ công tác điều tra, xác minh.
Động thái ngăn chặn chuyển dịch tài sản của Cơ quan CSĐT Bộ Công an được thực hiện sau khi cơ quan này nhận được tố cáo của nhiều cá nhân và doanh nghiệp cho rằng các cá nhân trong gia đình bà Trần Uyên Phương, ông Trần Quý Thanh đã chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn cho vay tiền với lãi suất cao, lập hợp đồng giả cách chuyển nhượng tài sản, sau đó biến giả thành thật.