Chỗ dựa vững chắc của khối đại đoàn kết
Năm qua, phần lớn người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn Hà Nội đã phát huy tốt vai trò, vị trí của mình trong công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở khu dân cư, thôn, làng mình sinh sống.
An Phú vốn là một xã nghèo của huyện Mỹ Đức. Địa hình phức tạp, lại xa trung tâm. Xã có xấp xỉ 70% dân số là người Mường. Thế nhưng, những năm gần đây, ai đến An Phú cũng phải ngạc nhiên khi hạ tầng được xây dựng khang trang. Những con đường bê tông rộng rãi cho ô tô đi lại. Kênh mương ngoài đồng cũng được bê tông hóa vững chắc.
Cùng với đó, cơ cấu sản xuất thay đổi rõ rệt. Bà con các dân tộc đã yên tâm sản xuất hai vụ lúa, năng suất cao. Những xứ đồng úng trũng, bà con đã cấy một vụ lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi lợn, gia súc gia cầm, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển từ cấy lúa sang trồng sen …
Cơ cấu cây trồng vật nuôi có chuyển biến rõ nét, có nhiều mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như mô hình trồng sen kết hợp với nuôi trồng thủy sản phát triển du lịch, chăn nuôi dê. Những rừng keo đến tuổi thu hoạch bạt ngàn trên các triền núi, cùng với những trang trại, nông trại nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi dưới chân núi thực sự đã là cây con xóa nghèo, làm giàu cho nhiều hộ. Có được những thành tựu ấy, là sự cộng hưởng giữa chính sách dân tộc của Trung ương cũng như của thành phố Hà Nội với sự đoàn kết của bà con các dân tộc.
Ở An Phú, bà con dân tộc vẫn gọi những người có uy tín trong cộng đồng là “chất keo” kết dính mọi người. Năm 2020 này, khi cả nước phải phòng chống dịch bệnh Covid-19, người dân An Phú cũng gương mẫu chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Ông Trần Thành Được là người có uy tín xã An Phú. Suốt những năm qua ông luôn xông xáo trong vận động nhân dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh, trật tự.
Ông Được cho biết: “Cấp ủy, chính quyền cơ sở luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người có uy tín tham gia vào các hoạt động của địa phương. Do đó chúng tôi tự thấy trách nhiệm gương mẫu, tiên phong trong việc vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế, xã hội. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, bản thân tôi cùng với những cán bộ Mặt trận cơ sở đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng người, tuyên truyền kịp thời về bệnh dịch và cách phòng chống. Nhờ vậy, xã An Phú luôn là vùng an toàn, khống chế và làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh”.
Hà Nội hiện có khoảng 107.847 người DTTS đang sinh sống tại 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm 1,3% dân số toàn thành phố. Đồng bào DTTS cư trú tập trung theo cộng đồng tại 153 thôn, thuộc 14 xã của 5 huyện gồm: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức. Trong đó chủ yếu là người dân tộc Mường và dân tộc Dao.
Từ lâu, người có uy tín trong cộng đồng luôn được cấp ủy, chính quyền và Mặt trận quan tâm, coi đây là cầu nối trong triển khai các chủ trương, chính sách, trong thực hiện xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6-3-2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số DTTS, ngay trong năm 2018, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt danh sách 152 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 - 2023. Tháng 10 vừa qua, thành phố Hà Nội phê duyệt danh sách bầu bổ sung 25 người có uy tín, thay thế và đưa ra khỏi danh sách 31 người.
Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Tất Vinh cho biết: “Những năm qua, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể thường xuyên cung cấp thông tin, tổ chức hội nghị phổ biến chính sách, pháp luật; tổ chức cho người có uy tín đi thăm quan học tập kinh nghiệm và tiếp xúc với lãnh đạo các cấp; động viên người có uy tín tiêu biểu để vận động đồng bào DTTS giữ gìn khối đại đoàn kết dân tộc, tham gia phòng chống tội phạm, tích cực sản xuất, xóa đói giảm nghèo…”.
Huyện Ba Vì có 7 xã DTTS, đều là những xã vùng sâu, vùng xa. Những năm gần đây, Ba Vì có những bước tiến vững chắc trong phát triển kinh tế, xã hội. Vai trò của người có uy tín trong cộng đồng không chỉ thể hiện ở vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới, mà còn trong cải thiện đời sống văn hóa tinh thần, giữ gìn an ninh trật tự, đẩy mạnh khuyến học…
Ông Đinh Văn Nho, người uy tín của thôn Khánh Chúc Đồi (xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì) luôn có những đóng góp nổi bật trong công tác khuyến học. Ông đã cùng cán bộ thôn tuyên truyền, vận động xây dựng được 18 chi hội khuyến học. Nhờ đó, nhân dân thôn Khánh Chúc Đồi đã luôn bảo đảm đưa trẻ đến trường đúng độ tuổi. Những năm, gần đây, ngày càng nhiều cháu đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng có uy tín.
Ông Đinh Văn Nho chia sẻ kinh nghiệm: “Người có uy tín phải là tấm gương sáng, mẫu mực để làm gương cho bà con noi theo. Người có uy tín cũng cần không ngừng học tập nâng cao nhận thức, từ đó có thể phát huy tốt vai trò của mình trong cộng đồng”.
Ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định, người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ trong cộng đồng các DTTS ở nước ta nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng có vai trò rất quan trọng. Tiếng nói của họ luôn được tôn trọng, được dân làng và con cháu noi theo. Vì vậy, trong công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng bào, nếu cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và cơ quan công tác dân tộc “tranh thủ” được lực lượng này thì hiệu quả công tác sẽ cao hơn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng cho rằng, đa số người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ đều sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, tuổi cao, trình độ văn hóa hạn chế, thiếu thông tin… do đó cần phải đảm bảo tối thiểu cho người có uy tín có đủ 3 điều kiện: Được cấp phương tiện nghe, nhìn để tiếp cận thông tin, định kỳ được bồi dưỡng, cung cấp thông tin; được quan tâm động viên cả về vật chất và tinh thần; những đề nghị của người có uy tín, già làng, trưởng bản về những khó khăn, bức xúc của cộng đồng phải được cơ quan và người có trách nhiệm giải quyết nghiêm túc, thấu đáo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác vận động của người có uy tín vẫn còn một số hạn chế như khả năng vận động, giải thích, thuyết phục còn yếu; tổ chức vận động chưa linh hoạt, chưa thiết thực; Chưa hiểu rõ được vai trò cụ thể của mình trong việc tham gia hoạt động cùng chính quyền…
“Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS thì cần làm tốt chương trình, mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS, đưa nghị quyết vào đời sống và phải có sự đồng thuận, tham gia của bà con DTTS; tiếp tục tạo điều kiện để phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư, xây dựng hệ thống triển khai đồng bộ” - ông Đỗ Văn Chiến chia sẻ.