Gỡ bế tắc đàm phán hậu Brexit
Đàm phán thỏa thuận thương mại và an ninh hậu Brexit được Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thực hiện điện đàm vào chiều ngày 5/12 (giờ London), sau khi hai đoàn đàm phán Anh và EU không thể tìm được tiếng nói chung sau một tuần đàm phán tại London kết thúc vào chiều 4/12.
Trong thông cáo chung, trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh David Frost và người đồng cấp EU Michel Barnier cho biết họ đã không thể nhất trí với nhau một số điểm trong một số vấn đề vì thế cuộc đàm phán lịch sử này đã phải dừng lại. Hai bên kỳ vọng cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Anh và EU chiều 5/12 có thể tìm ra được một thỏa hiệp chung. Chính phủ Anh rất muốn hai bên đạt được dự thỏa thuận chung vào đầu tuần tới để kịp trình lên Hạ viện và Thượng viện thông qua trước lễ Giáng sinh.
Tuy vậy thì người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn nói rằng “London sẽ không thể nhất trí với một thỏa thuận không tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Anh về chủ quyền và giành lại quyền kiểm soát”. Trong khi đó, Pháp, một trong những thành viên chủ chốt của EU, tuyên bố sẽ phủ quyết bất cứ thỏa thuận nào không đáp ứng được yêu cầu của EU về thương mại công bằng và quyền tiếp cận ngư trường của Anh.
Cũng cần nhắc lại, sau khi chính thức rời khỏi EU vào ngày 31/1, nước Anh bắt đầu quá trình chuyển tiếp kéo dài đến ngày 31/12 để thảo luận với EU về một thỏa thuận thương mại mới cho mối quan hệ có kim ngạch trao đổi song phương trị giá gần 1.000 tỉ USD/năm. Nếu như không đạt được thỏa thuận trước “thời hạn chót” 31/12 sẽ gây gián đoạn và tổn thất kinh tế cho cả hai bên, mà Anh được dự báo sẽ chịu tổn thất lớn hơn.
Trước khi bước vào vòng đàm phán then chốt, cả EU và Anh đều cho thấy dấu hiệu “xuống thang”. Tuy nhiên cả hai bên đều biết rằng không điều gì có thể đạt được một cách dễ dàng, đặc biệt là vấn đề thương mại.
Theo giới quan sát, các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã “bày tỏ lạc quan một cách thận trọng” khi cho rằng London cũng không thể không nhượng bộ vì rằng họ đã “phụ thuộc quá nhiều vào châu Âu”. Trong một phiên họp tại Brussels hồi giữa tháng 10, các nhà lãnh đạo EU còn cho rằng đã chuẩn bị cho kịch bản Anh ra đi mà không có thỏa thuận. Động thái này khiến Trưởng đoàn đàm phán Anh David Frost thất vọng và cho rằng EU không còn giữ cam kết tăng cường đàm phán để đi đến quan hệ đối tác tương lai như đã hứa. Còn Thủ tướng Johnson cảnh báo rằng nước Anh sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán trừ khi Hội nghị thượng đỉnh EU đạt kết quả đột phá.
Đáp lại, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo “vẫn còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước” và rằng EU muốn có một thỏa thuận nhưng “không phải bằng bất cứ giá nào.”
Anh và EU đã tiến hành nhiều vòng đàm phán kể từ khi Anh rời EU từ đầu năm nay nhưng vẫn vướng mắc trong một loạt vấn đề chính như quyền đánh bắt cá, cơ chế giải quyết tranh chấp và cạnh tranh công bằng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã không ít lần nói tới khả năng đạt được thỏa hiệp trong các vấn đề hóc búa về quyền đánh cá. Ông khẳng định sẵn sàng tìm kiếm một “thỏa hiệp tốt” để đảm bảo quyền tiếp cận của ngư dân Pháp tới các vùng biển của Vương quốc Anh.
Quá trình đàm phán Brexit giữa EU chính thức bắt đầu từ tháng 3/2020 cho đến nay nhưng không đạt được nhiều tiến triển. Hiện đàm phán Brexit đã ở vào giai đoạn cuối cùng buộc hai bên phải đưa ra quyết định đạt được thỏa thuận hay không thỏa thuận để có thể kịp trình Nghị viện EU thông qua vào phiên họp cuối cùng của năm vào giữa tháng 12/2020 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, thời điểm Anh chính thức rời khỏi khối thị trường chung EU