Phạt sao cho thấu tình, đạt lý?
Mới đây, thông tin về vụ một số người ngồi nhậu trên vỉa hè bị phạt nặng do không đeo khẩu trang được nhiều người quan tâm.
Thứ nhất, đó là mức phạt nặng (6 triệu đồng với 3 trong số 4 người). Và thứ hai, (chính là điểm gây tranh cãi) là khi đang ngồi ăn nhậu lực lượng chức năng tới phạt do không đeo khẩu trang thì liệu đã thấu tình đạt lý?
Cũng cần phải nói ngay rằng, trong cuộc chiến chống Covdi-19, không nghiêm không được. Không nghiêm sẽ dễ “toang”. Rõ nhất là vụ bệnh nhân 1342 là tiếp viên hàng không chỉ vì chủ quan, coi thường dịch bệnh, vi phạm quy định tại khu cách ly tập trung cũng như tự cách ly tại nhà đã gây ra hậu quả lớn, khiến ít nhất tới thời điểm này đã có thêm 3 người bị lây Covid-19. Rồi còn phải phong tỏa, truy vết, hơn trăm ngàn học sinh sinh viên phải tạm thời nghỉ học. Nên khi Công an TP HCM quyết định khởi tố vụ án thì lập tức nhận được sự đồng tình của xã hội.
Nhân đây, cũng cần nhắc lại, trong cả hai lần chống Covid-19 đã qua, không ít trường hợp coi thường quy định y tế, khiến dư luận xã hội bức xúc. Có người thuê nhân viên đi cách ly tập trung thay. Có người hồn nhiên tổ chức sinh nhật ngay trong khu tập trung với sự tham gia của nhiều người. Có người (trong giới showbiz) đỏng đảnh tưởng mình là “ông tướng” chê bai phòng cách ly.
Chưa hết, có người còn hung hăng tấn công lực lượng kiểm soát, có nghĩa là không chấp hành quy định dù ở mức tối thiểu. Cũng có trường hợp (BN17) tìm cách “thoát khỏi” khai báo, kiểm tra y tế khi từ vùng dịch nước ngoài về, gieo bệnh cho nhiều người, rất đáng lên án.
Sở dĩ đã có tình trạng ấy, bên cạnh sự thiếu ý thức của từng người, thì còn là việc xử phạt không nghiêm. Vì thế, lần này, xử nghiêm là đúng, là cần thiết.
Nhưng, vấn đề ở đây là có nhất thiết trường hợp nào cũng phải thật rắn hay không?
Ngày 5/12, lãnh đạo UBND phường Phạm Ngũ Lão (Q.1, TP HCM) cho biết từ đầu năm đến nay đã xử phạt gần 110 trường hợp liên quan đến các hành vi không đeo khẩu trang khi ra đường, khu vực công cộng.
Trong đó, riêng chiều 4/12, phường đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Đặc biệt, 3 trường hợp phản ứng gay gắt là nhóm 4 người uống bia trên vỉa hè, 1 nhân viên trông giữ xe ở tiệm hớt tóc và một phụ huynh đưa đón con. Tất cả đều không mang khẩu trang. Khi bị lập biên bản, họ đã bất hợp tác.
Riêng vụ nhậu trên vỉa hè không đeo khẩu trang bị phạt 6 triệu đồng. Đại diện UBND phường Phạm Ngũ Lão cho biết trước đó nhiều ngày khi UBND TP phát thông báo tái khởi động các biện pháp ngăn chặn, nhằm hạn chế lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, chủ trương của phường là nhắc nhở, khuyến cáo. Cơ quan chức năng vừa tuyên truyền vừa tặng khẩu trang. Sau đợt tuyên truyền, phường mới bắt đầu áp dụng các biện pháp xử lý.
Như đã nói, cách làm ấy là đúng, nhưng dư luận băn khoăn ở chỗ đối với các nơi ăn uống, người ra vào nhiều, nhưng lại là khu vực riêng tư thì xử phạt thế nào với người không đeo khẩu trang?
Theo luật sư Nguyễn Anh Minh (Đoàn luật sư TP HCM), việc xử phạt không mang khẩu trang ở khu vực công cộng là cần thiết bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp. Đặc biệt, với đô thị đông dân như TP HCM lại càng cần kiểm soát chặt chẽ.
“Mức xử phạt từ 1 đến 3 triệu đồng bảo đảm tính răn đe. Tuy nhiên, quá trình xử phạt cũng cần xem xét các tình huống cụ thể vừa thấu tình, đạt lý, không nên cứng nhắc. Ví dụ, người lao động, người bán vỉa hè có hoàn cảnh khó khăn và họ không đủ điều kiện trang bị khẩu trang chính quyền cũng nên hỗ trợ” - luật sư Minh bày tỏ.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu với các nhóm nhậu đã được nhắc đeo khẩu trang mà vẫn phản ứng, thì phải phạt “cho chừa”. Nhưng cũng nên cân nhắc khi xử lý. Trong trường hợp này có cái khó là đang ăn uống mà đeo khẩu trang cũng không dễ gì.
Nhân đây cũng cần lưu ý hiện nhiều quán ăn nhậu không thực hiện các quy định phòng chống Covid-19 của ngành y tế. Không giãn cách, không có tấm chắn, kể cả người bán hàng, nhân viên phục vụ cũng không đeo khẩu trang. Nhà hàng cũng không có nước sát khuẩn. Đây mới là nơi nhiều nguy cơ dịch bệnh, cần phải “soi” cho kỹ.