Thầy giáo trẻ vượt núi 'trồng người'
Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, từ nhỏ đã quen với bữa ăn toàn củ sắn, củ mài, cho nên thầy giáo trẻ Lò Văn Quang (xã Mường Khong, huyện Tuần Giáo, tỉnh Ðiện Biên) luôn tâm huyết với sự nghiệp "trồng người" trên rẻo cao, giúp đỡ học sinh vượt khó, thoát nghèo.
Mười năm nay, đồng bào dân tộc thiểu số ở Mường Khong đã quen với hình ảnh một thanh niên luôn khoác trên mình bộ quần áo mưa, chân đi ủng cao cổ bất kể nắng mưa.
Ðó là thầy giáo Lò Văn Quang, công tác tại Trường tiểu học Khong Hin (xã Mường Khong, huyện Tuần Giáo, tỉnh Ðiện Biên).
Mỗi ngày, thầy Quang đều vượt gần 20 km đường đồi núi trơn trượt, bụi bặm để "cõng chữ" lên non.
Chiếc xe máy cũ, bộ quần áo mưa và đôi ủng cao cổ là những "trợ thủ" đắc lực, giúp thầy giáo người Thái kịp giờ lên lớp. Thế nhưng, trong mười năm gắn bó với nghề giáo, không ít lần thầy và các đồng nghiệp đã phải bất chấp mưa lũ, cùng nhau khiêng xe máy, vượt suối, lội bùn ngập tới bắp chân để tới trường.
Lò Văn Quang sinh ra và lớn lên trong một gia đình dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Sau thời gian ngồi ghế giảng đường tại Trường cao đẳng Sư phạm Ðiện Biên, anh đã tìm được niềm đam mê với bảng đen và phấn trắng. Ra trường, thầy giáo trẻ được phân công về dạy học tại Trường tiểu học Nậm Din (xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo, tỉnh Ðiện Biên).
Công tác ở một ngôi trường nhỏ ở vùng sâu, vùng xa, nhưng thầy giáo trẻ chưa từng có ý nghĩ ganh tị, so bì với đồng nghiệp tại trung tâm huyện hay thành phố. "Chỉ cần phát huy tốt khả năng, vai trò của bản thân, thì dù làm gì, ở đâu cũng đều là cống hiến cho xã hội. Với lại, nếu người nào cũng chọn việc nhẹ nhàng, thì những việc khó khăn, gian khổ sẽ dành cho ai?", thầy giáo sinh năm 1988 chia sẻ.
Sau bảy năm miệt mài công tác, thầy giáo và các đồng nghiệp đã nỗ lực đưa Trường tiểu học Nậm Din trở thành ngôi trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Năm 2017, thầy Quang được phân công về công tác tại Trường tiểu học Khong Hin.
Mặc dù đây là ngôi trường nằm không xa xã Mường Khong, nhưng đường đến trường của các thầy, cô giáo cũng như học sinh Trường tiểu học Khong Hin chủ yếu vẫn là đường đất, nhiều em phải leo vách núi, lội suối sâu. Ðiều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, trường phải thuê gầm nhà sàn của các hộ dân chung quanh mới tạm đủ chỗ ở cho học sinh bán trú.
Thương học sinh vất vả mà vẫn thiệt thòi, thầy Quang và đồng nghiệp tận dụng cả nhà công vụ để cơi nới làm bếp ăn, nơi sinh hoạt, đọc sách, học bài cho học sinh. Không chỉ lo nơi ăn, chốn ngủ, các thầy, cô giáo ở Trường tiểu học Khong Hin còn chăm sóc học sinh như con em trong gia đình.
Ngoài giờ lên lớp, thầy còn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, vừa lắng nghe tâm tư, chia sẻ, vừa dạy thêm học sinh các kỹ năng cần thiết. Tại những "tiết học" đầm ấm này, nhiều thiếu nhi dân tộc thiểu số đã được truyền thêm nghị lực, bản lĩnh vượt khó, biết tới ước mơ và khát vọng thoát nghèo từ thầy Quang.
Với tình cảm chân thành dành cho học sinh, lòng nhiệt huyết với nghề, tinh thần xung kích, sẵn sàng đảm nhận việc khó, việc mới, trong các năm học 2015-2016 và 2019-2020, thầy giáo Lò Văn Quang đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Mới đây, thầy Quang trở thành một trong 99 "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" cấp Trung ương năm 2020. Thầy Quang đang liên hệ, kết nối với một số nhà hảo tâm để tạo nguồn lực nâng bước học sinh tới trường, góp phần giảm bớt khó khăn, gánh nặng trên vai những đứa trẻ dân tộc thiểu số.
"Tôi chỉ mong sao ngôi trường nơi tôi công tác được xây dựng khang trang, đầy đủ hơn để cải thiện điều kiện học tập, trở thành nơi nuôi dưỡng ước mơ cho học sinh vùng sâu, vùng xa, góp phần ươm mầm nguồn nhân lực cho tương lai nước nhà", thầy Lò Văn Quang nói.