MTTQ Hà Tĩnh tiếp nhận hơn 400 ý kiến của cử tri gửi đến HĐND tỉnh
Sáng 6/12, đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đã chuyển tải những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân đến diễn đàn kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, năm 2020, MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm của cấp uỷ, chính quyền, không ngừng đa dạng hoá và đổi mới các hình thức tập hợp, phát động nhiều phong trào thi đua thiết thực.
Cuối tháng 10 vừa qua, Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn lũ lịch sử, Ủy ban MTTQ, Ban Cứu trợ tỉnh đã tổ chức tiếp nhận, phân phối nguồn tiền hàng của 3.739 tổ chức, cá nhân kịp thời đến với người dân vùng lũ.
“Tại diễn đàn này, cho phép tôi thay mặt Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh trân trọng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến cơ quan, ban, bộ ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước, các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và đồng bào trong cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài đã kịp thời chia sẻ, động viên, ủng hộ Nhân dân ta đẩy lùi đại dịch Covid 19 và khắc phục lũ lụt, tái thiết cuộc sống” – bà Nguyễn Thị Mai Thủy nhấn mạnh.
Thông qua các “kênh”, MTTQ Hà Tĩnh đã tiếp nhận 435 ý kiến, kiến nghị phản ánh của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII.
Nhất là, sau lũ lụt, đời sống của một bộ phận nhân dân vẫn còn rất khó khăn, khắc phục sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề. Cử tri đề nghị tỉnh tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất; khôi phục, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống Nhân dân. Sửa chữa, xây dựng mới nhà ở cho nhân dân; xây nhà cộng đồng tránh bão lũ.
Cử tri đề nghị tỉnh Hà Tĩnh cần rà soát quy hoạch phòng chống thiên tai, bố trí sắp xếp dân cư vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất, vùng thường xuyên bị ngập lụt sâu; nghiên cứu tổng thể và có giải pháp phòng lũ, thoát lũ hạ du hồ Kẻ Gỗ.
Công tác cải cách hành chính cũng được cử tri và nhân dân Hà Tĩnh quan tâm. Để nâng cao chất lượng cải cách hành chính, nhất là trong lĩnh vực hành chính công, cử tri và nhân dân mong muốn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực điều hành của bộ máy gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Vấn đề ô nhiễm môi trường tiếp tục được cử tri phản ánh. Công tác thu gom, vận chuyển, tập kết, đặc biệt là xử lý rác thải sinh hoạt ở một số địa phương gặp rất nhiều khó khăn do chưa có nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn, chi phí vận chuyển đi xử lý nơi khác cao. Do vậy vẫn còn tình trạng các hộ dân vứt rác bên đường, dọc sông, hồ và đồng ruộng, tự đốt rác tại gia đình, khu dân cư... gây ô nhiễm môi trường.
Cử tri đề nghị UBND tỉnh sớm đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung; tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm; đồng thời yêu cầu chính quyền các địa phương phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Nhất là tại một số cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, một số doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi, xây dựng trang trại, nông trại. Vì thế cử trị đề nghị tỉnh chỉ đạo các các cơ quan chức năng liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác quản lý, xử lý môi trường ở khu vực này và có quy định, chế tài để kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi nông hộ trong khu dân cư.
Cử tri Hà Tĩnh cũng đề nghị UBND tỉnh, các ngành chức năng và chính quyền các cấp thường xuyên tổ chức đối thoại nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và đặc biệt giải quyết dứt điểm kiến nghị, đề xuất của nhân dân sau đối thoại để hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp của công dân.
Trong thực hiện nếp sống văn minh, cử tri và nhân dân Hà Tĩnh vẫn còn băn khoăn trước tình trạng vi phạm quy chế về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang vẫn tiếp diễn tại các khu dân cư kể cả nông thôn và đô thị.
Đề nghị UBND tỉnh có các giải pháp quyết liệt hơn trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Mai Thuỷ, tại Hà Tĩnh hiện có 37 ban/260 Ban Thanh tra nhân dân, 176/262 Ban giám sát đầu tư cộng đồng chưa được cấp kinh phí hoạt động. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đề nghị UBND chỉ đạo Sở Tài chính có văn bản hướng dẫn thực hiện thống nhất đảm bảo kinh phí tối thiểu cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng là 5 triệu đồng/năm/Ban theo đúng quy định. “Nội dung này đã kiến nghị tại nhiều kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa được tiếp thu giải quyết” – bà Nguyễn Thị Mai Thủy nhấn mạnh.