Biến giấc mơ thành 'có thật' cho gần 50 cặp đôi khuyết tật
Có những giấc mơ mãi chỉ là giấc mơ, có những giấc mơ là có thật. Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế người khuyết tật và hưởng ứng tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020. Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Phụ nữ Hà Nội tổ chức Lễ cưới tập thể “Giấc mơ có thật” lần thứ 3 với sự góp mặt của gần 50 cặp đôi là người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến từ nhiều vùng miền của tổ quốc.
Lễ cưới tập thể "Giấc mơ có thật" được diễn ra hết sức trang trọng với đầy đủ nghi lễ truyền thống trong sự chứng kiến của không chỉ người thân, bạn bè mà còn có rất nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm tham dự. Đây sẽ là một điều rất có ý nghĩa đối với những người không may mắn bị khuyết tật, những người luôn bị thiệt thòi trong cuộc sống, họ phải tự nỗ lực bản thân để vươn lên trong cuộc sống.
Tại buổi lễ cưới tập thể này có rất nhiều các cặp đôi là người khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang yêu nhau hoặc đã đăng ký kết hôn (đã có con), hoặc mong muốn được kết hôn nhưng không có khả năng, điều kiện để tổ chức đám cưới.
Anh Trương Xuân Lâm và chị Nguyễn Thị Hoa đến từ thành phố Quy Nhơn chia sẻ trong sự xúc động, nghẹn ngào: Chúng tôi quen nhau thông qua mạng internet và tình yêu cứ nảy nở dần theo ngày tháng cùng với những dòng tin nhắn, những cuộc điện thoại. Tình yêu đã thắm đượm rồi, nhưng vì hoàn cảnh không cho phép, chúng tôi chưa tổ chức được đám cưới với nhau, nhờ có chương trình này mà chúng tôi được tổ chức một đám cưới hết sức ý nghĩa với sự chứng kiến của đông đảo bạn bè và gia đình hai bên. Chúng tôi sẽ cố gắng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để sống bên nhau đến đầu bạc răng long.
Anh Tạ Đức Công (44 tuổi) và chị Mai Thị Năm (34 tuổi), đến từ huyện Phúc Thọ, Hà Nội.
Họ là đôi vợ chồng bị khuyết tật vận động nặng. Và những “trái ngọt” có được đến hôm nay, là cả một hành trình cùng nhau cố gắng, động viên và ở bên nhau bền bỉ của cả hai.
Anh Công và chị Năm đến với nhau chỉ có tình yêu và hai bàn tay trắng. Tình cảm của anh chị bị gia đình cực kỳ phản đối mà nếu nhớ lại vẫn chẳng thoát khỏi cảm giác tủi thân. Vậy mà, họ tự động viên nhau, quyết tâm lấy nhau bằng được, và sẽ cố gắng làm lụng để tự trang trải cho chính cuộc sống của mình, để chứng tỏ cho bố mẹ và người thân biết rằng, người khuyết tật đến với nhau vẫn có được hạnh phúc. Và tài sản lớn nhất của anh chị giờ đây là một người con trai 13 tuổi ngoan ngoãn, khỏe mạnh, đó là hạnh phúc “vẹn tròn” của anh chị.
"Giấc mơ có thật " năm 2020 là một hoạt động xã hội mang tính nhân văn sâu sắc nhằm khuyến khích sự tham gia đầy đủ, bình đẳng của người khuyết tật và hành động vì sự hòa nhập, phát triển của người khuyết tật trong mọi mặt của xã hội. Nó cũng là cam kết quan trọng của chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững để "không bỏ lại ai phía sau".