Lai Châu đẩy mạnh giám sát, phản biện xã hội
Là địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng những năm gần đây hoạt động giám sát, phản biện xã hội trên địa bàn Lai Châu diễn ra khá mạnh mẽ. Với sự chủ trì của MTTQ và các đoàn thể nhân dân, cùng với các chuyên gia, bà con các dân tộc chủ động hơn trong công tác này.
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các hoạt động của hệ thống MTTQ huyện Than Uyên tập trung vào nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, có việc giám sát chi trả hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. MTTQ các cấp huyện Than Uyên đã triển khai giám sát việc lập danh sách đối tượng hỗ trợ, kinh phí chi trả, các chính sách hỗ trợ…
Nhìn chung các địa phương đã rà soát và lập danh sách kịp thời, tổ chức chi trả đảm bảo đúng chế độ, đúng đối tượng. Tuy nhiên, việc phối hợp chưa chặt chẽ dẫn đến hỗ trợ một số đối tượng đã chết hoặc chưa đúng do thay đổi điều kiện chính sách.
Kết quả đối với các trường hợp có công, toàn huyện thực hiện hỗ trợ 102 người có công với cách mạng với tổng 152 triệu đồng (nộp lại ngân sách 1 triệu đồng do 1 đối tượng đã mất); 1.295 đối tượng bảo trợ xã hội kinh phí 1 tỷ 936,5 triệu đồng (nộp lại ngân sách 1 triệu đồng do 1 đối tượng đã mất). Việc giám sát phát hiện kịp thời một số sai sót khiến nhân dân yên tâm hơn trong triển khai các chủ trương, chính sách.
Từ năm 2015 đến nay, MTTQ huyện chủ trì phối hợp các tổ chức thành viên xây dựng thực hiện 15 cuộc giám sát trên các lĩnh vực như việc thực hiện chế độ chính sách, Quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp…
Qua đó, phát hiện, đề xuất cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện chính sách những tồn tại, bất cập để kịp thời xem xét, giải quyết thấu đáo. Một trong những địa phương thực hiện tốt công tác giám sát là thị trấn Than Uyên.
Bà Nguyễn Thị Như, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Than Uyên cho biết: “MTTQ huyện thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động trong công tác giám sát, phản biện xã hội; bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức tốt thực hiện công tác này. Những nội dung giám sát ở nhiều lĩnh vực, chủ yếu liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, dư luận quan tâm. Sau giám sát theo dõi việc tiếp thu và khắc phục sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm đơn vị cá nhân được giám sát, phản biện và góp ý”.
Lai Châu là tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng công tác giám sát phản biện xã hội khá mạnh mẽ. Trong giai đoạn 2015-2020, MTTQ các cấp đã chủ trì 109 cuộc giám sát phối hợp với HĐND và các tổ chức chính trị - xã hội giám sát 963 cuộc; tham gia 175 nội dung mang tính phản biện xã hội; gửi 468 văn bản phản biện xã hội, tổ chức 133 hội nghị đối thoại trực tiếp, đóng góp ý kiến tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lai Châu Lê Bá Thành cho biết, MTTQ tỉnh Lai Châu luôn đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng gần dân, thiết thực, hiệu quả; vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ, tích cực, chủ động phản ánh, góp ý kiến, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội; đồng thời, thường xuyên kiện toàn củng cố, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, phát huy vai trò của các chuyên gia ở các ngành, các lĩnh vực, Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn của MTTQ các cấp.
Ngoài hoạt động giám sát, phản biện do MTTQ các cấp tổ chức, các đoàn thể cũng tích cực tham gia giám sát, phản biện trong lĩnh vực của mình. Liên đoàn Lao động tỉnh giám sát việc thực hiện bảo đảm quyền lợi của các đoàn viên công đoàn, người lao động; giám sát về việc thực hiện Luật Bảo hiểm tại các cơ quan, đơn vị…; Hội Nông dân giám sát về các chương trình kinh tế, xã hội ở địa phương, nhất là thực hiện triển khai xây dựng nông thôn mới…
Nhiều cán bộ ban đầu e ngại khi đụng chạm đến những vấn đề “gai góc”. Song, qua thực hiện công tác, cán bộ Mặt trận và đoàn thể dần dần thể hiện bản lĩnh của mình trong việc đóng góp ý kiến, bảo vệ quyền lợi của nhân dân.
Theo ông Lê Bá Thành, giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ tỉnh Lai Châu trong thời gian tới.