Du lịch tạo sinh kế cho nông dân
Tại báo cáo thực trạng và tiềm năng phát triển kinh tế trang trại, HTX gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn của Bộ NNPTNT vừa công bố, đến năm 2019, cả nước có 34.348 trang trại nông nghiệp. Dự kiến đến ngày 31/12/2020 cả nước có 17.462 HTX nông nghiệp và 68 liên hiệp HTX nông nghiệp.
Dù số lượng trang trại nông nghiệp và HTX nông nghiệp không ngừng tăng theo từng năm, nhưng đang tiếc là chỉ có từ 3 - 5% tổng số trang trại nông nghiệp của từng địa phương ngoài sản xuất nông nghiệp có kết hợp thêm các hoạt động du lịch nông nghiệp và đa số các trang trại loại này không có hoạt động lưu trú khách du lịch qua đêm.
Nguyên nhân được nêu là hoạt động du lịch trong các trang trại, HTX nông nghiệp chủ yếu phát triển tự phát, không có quy hoạch nên chưa thu hút được nhiều khách du lịch. Bên cạnh đó, lao động làm việc trong các trang trại, HTX nông nghiệp không được đào tạo, thiếu kiến thức và kỹ năng du lịch nông nghiệp. Cùng với đó, là công tác quản lý nhà nước về trang trại, HTX gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa được hoàn thiện.
Làm thế nào để khai thác được tiềm năng du lịch, để du lịch là một trong động lực tạo sinh kế cho người nông dân là vấn đề đặt ra.
Có thể thấy một số địa phương đã triển khai hiệu quả thế mạnh nông nghiệp gắn với du lịch. Như tỉnh Hà Giang thời gian qua khai thác nhiều loại hình du lịch như: Du lịch địa chất, cộng đồng, sinh thái, hang động, tâm linh, du lịch gắn với nông nghiệp và dược liệu... Trong đó, phát triển du lịch nông nghiệp được xác định là một trong những hướng đi mới của Hà Giang được tỉnh đưa vào nghị quyết chuyên đề tại Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ, để xây dựng du lịch nông nghiệp hiệu quả phải có mô hình quản lý phù hợp, dựa trên quy mô, đặc tính văn hóa, đặc trưng của từng vùng miền và đặc biệt phải mang lại lợi ích, sinh kế cho người dân địa phương.