Kiểm soát chặt nợ công
Các nhà tài trợ nước ngoài đã từng bước điều chỉnh chính sách hợp tác phát triển với Việt Nam, theo hướng chuyển dần từ việc cung cấp ODA sang các khoản vay với điều kiện kém ưu đãi hơn, chi phí huy động vốn của một số khoản vay tăng.
Điều đó sẽ gây thêm áp lực lên nợ công, đồng nghĩa với nghĩa vụ trả nợ trên tổng thu ngân sách tăng nhanh. Trong khi đó, năm 2020 lại là năm cực kỳ khó khăn do tác động xấu từ đại dịch Covid-19, khiến thu ngân sách nhà nước khó đạt mục tiêu đặt ra.
Xây dựng phương án trả nợ đảm bảo tránh rủi ro
Tuy nhiên, đáng quan tâm hơn là các nhà tài trợ nước ngoài đã từng bước điều chỉnh chính sách hợp tác phát triển với Việt Nam theo hướng chuyển dần từ việc cung cấp ODA sang các khoản vay với điều kiện kém ưu đãi hơn, chi phí huy động vốn của một số khoản vay tăng gấp đôi so với giai đoạn trước đây làm gia tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ.
Từ đó cho thấy việc kiểm soát rủi ro, tăng hiệu quả sử dụng đồng vốn vay là rất quan trọng. Đặc biệt trong điều kiện đặc thù của Việt Nam là nợ vay lại và bảo lãnh chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng nợ vay nước ngoài của Chính phủ và nợ công.
Trong thời gian 5 năm tới, các khoản vay ODA sẽ giảm dần, tiến đến kết thúc, dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn vay dài hạn, ưu đãi cho đầu tư. Do đó, Chính phủ cần huy động các khoản vay mới với điều kiện kém ưu đãi hơn nhiều. Việc xây dựng các phương án trả nợ đảm bảo tránh rủi ro phải được xây dựng kĩ lưỡng.
Ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, Covid-19 khiến 54 quốc gia bị hạ bậc. Các nước này đều tăng vay nợ công để bù đắp thiếu hụt chi tiêu. Còn Việt Nam đã làm được tốt là không tăng vay, mà tự cân đối trong khả năng. Chúng ta chấp nhận tiến sát ngưỡng nợ để không phải vay thêm, không phải đảo nợ. Chúng ta đã giữ được để giữ nguyên hạng tín nhiệm.
Tuy nhiên, thời gian tới, rủi ro vượt trần có hay không? Về điều này, theo ông Hiển, phải nhìn nhận theo bản chất của vay nợ, trả nợ là các kịch bản nợ khác nhau để chấp nhận các rủi ro khác nhau.
“Ví dụ vay dài hạn thì chi phí cao hơn ngắn hạn. Vay nước ngoài chịu rủi ro tỷ giá; vay trong nước ảnh hưởng đến dòng tiền, lãi suất. Các kịch bản khác nhau thì chấp nhận rủi ro khác nhau. Mục tiêu quản lý nợ là tạo ra danh mục nợ tối ưu với chi phí hợp lý”- ông Hiển nói
Công tác quản lý nợ cần cải cách như thế nào?
Đó là câu hỏi được giới chuyên gia trăn trở đưa ra khi nói về nợ công. Làm sao để để một mặt đáp ứng yêu cầu quản lý trong điều kiện phát triển Việt Nam có những thay đổi căn bản, mặt khác tiến dần đến thông lệ của quốc tế. Việc xử lý tài chính một số doanh nghiệp nhà nước, cam kết bảo lãnh của Chính phủ đối với một số dự án quan trọng như nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Vinashin... sẽ tác động không nhỏ đến ngân sách, nợ công.
Trong khi đó, tính đến ngày 31/12/2019, trên cơ sở tổng hợp số liệu từ các cơ quan cho vay lại cho thấy, trên 600 dự án sử dụng nguồn vốn vay lại. Tổng số dư nợ cho vay lại (không bao gồm cho vay lại chính quyền địa phương) là 124.338 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,4 tỷ USD.
Trong bối cảnh cân đối ngân sách cho chi trả nợ còn nhiều khó khăn, đồng thời, để phòng ngừa rủi ro thanh khoản cho danh mục nợ công các phương án mua lại, hoán đổi trái phiếu Chính phủ đáo hạn trong các năm 2020 và 2021 tại các thời điểm trung - dài hạn cũng đã được Bộ Tài chính tính đến.
Theo Bộ Tài chính, việc quản lý nợ công và tái cơ cấu nợ công giai đoạn 5 năm tiếp theo cần được tiếp tục triển khai đồng bộ với việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh; trong đó, có cơ cấu lại ngân sách nhà nước, đầu tư công, khu vực doanh nghiệp nhà nước, hệ thống các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ. Việc nghiên cứu, đề xuất các ngưỡng an toàn nợ cho giai đoạn 5 năm tới cần được đánh giá hết sức thận trọng, không chỉ tập trung vào quy mô nợ so với GDP mà còn phải phù hợp với khả năng chi trả nợ của ngân sách nhà nước, ưu tiên tạo thêm dư địa để bố trí nguồn lực ngân sách cho đầu tư phát triển.
Bộ Tài chính cũng sẽ thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục đầu tư công, giao vốn, đấu thầu; điều chỉnh kế hoạch vốn, mua sắm, bố trí vốn đầu tư…, qua đó thúc đẩy đầu tư công, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn; trong đó có vốn vay.