Bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19
Ngày 5/12, tại trụ sở Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì buổi báo cáo tình hình nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19 trong nước.
Thông tin tại đây cho biết, đến thời điểm này các nhà sản xuất vaccine Covid-19 trong nước đang nỗ lực đẩy mạnh tiến độ triển khai nghiên cứu tiến tới thử nghiệm tiền lâm sàng, trong đó 3 đơn vị sản là IVAC, VABIOTECH, NANOGEN đã hoàn thiện quy trình sản xuất quy mô phòng thí nghiệm và hiện đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vaccine trên động vật.
Rất đáng phấn khởi là với riêng NANOGEN đã sẵn sàng để tiến tới thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Cụ thể, ngày 10/12, NANOGEN phối hợp với Học viện Quân y sẽ chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn 1 thử nghiệm vaccine Covid-19 của Việt Nam.
“Sau đó 1 tuần sẽ tiến hành tiêm mũi vaccine thử nghiệm đầu tiên. Song song đó, các bên liên quan cần chuẩn bị để sẵn sàng cho giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng ngay, không để kết thúc giai đoạn 1 mới tiến hành bắt đầu công việc cho giai đoạn 2. Chúng ta cần chủ động trong các giai đoạn để làm sao có vaccine càng sớm càng tốt”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu.
Như vậy là cuộc chiến chống dịch Covid-19 của nước ta đã vào bước ngoặt then chốt, có tính quyết định khi mà đầu năm 2021 Việt Nam sẽ triển khai giai đoạn 1 sản xuất vaccine phòng, chống Covid-19. Và cũng vào thời điểm này chúng ta sẽ tiếp cận được vaccine Covid-19 trên thế giới.
Ngay từ đầu cuộc chiến chống Covid-19, cùng với chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong đó vai trò cực kỳ quan trọng thuộc về ngành y tế; toàn dân đã đồng tâm nhất trí thực hiện các biện pháp chống dịch.
Tuy nhiên, trong khi tình hình đại dịch vẫn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, thì Việt Nam cũng không thể không chịu tác động. Chính vì thế, Chính phủ đã chủ trương “chặn dịch từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong”. Trải qua hai giai đoạn của dịch, chúng ta đã thu được nhiều thành công.
Giai đoạn 1, cả nước có được 99 ngày không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Giai đoạn 2, chúng ta cũng đã qua được 88 ngày không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Nay, kể từ khi có ca lây nhiễm phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh (bệnh nhân 1342) cả nước lại khẩn trương nhưng bình tĩnh chống đại dịch.
Có thể nói rằng, ngay từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, kể từ đầu năm 2020, từ chủ trương đúng đắn, sự quyết liệt phòng, chống dịch thông qua những biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm thích hợp, chúng ta đã thành công từng bước quan trọng khi mà tới thời điểm này số ca mắc SARS-CoV-2 ít (tới cuối ngày 6/12 là 1.365 người); số người tử vong do Covid-19 rất ít (35 người, chủ yếu là những người có bệnh nền, bệnh lý nặng). Thành công ấy góp phần quan trọng trong việc phục hồi, phát triển kinh tế ngay cả khi dịch chưa chấm dứt.
Nay, khi Việt Nam chuẩn bị thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 giai đoạn lâm sàng 1 chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn này, chúng ta lại càng tin tưởng hơn vào thành công của cuộc chiến chống đại dịch. Quyết tâm cao, chủ trương đúng, đồng lòng thực hiện và khi đã có vaccine thì có thể ví như “hổ được chắp cánh”.
Vì rằng, bệnh tật, đặc biệt là dịch bệnh truyền nhiễm do virus là cực kỳ nguy hiểm, nó không chừa một ai, nó âm ỉ trong không gian và cũng âm ỉ trong cộng đồng. Virus cực nguy hiểm chỉ có thể bị ngăn chặn bởi vaccine và bị tiêu diệt khi có thuốc đặc trị. Thực tế lịch sử cho thấy, loài người đã phải trải qua nhiều đại dịch khủng khiếp do virus gây ra.
Cũng bởi không có vaccine nên biết bao người đã thiệt mạng. Đôi khi, cũng do sự hạn chế của khoa học trong điều chế vaccine mà đành phải để virus “tự sinh tự diệt” để rồi qua những mất mát lớn lao tự cơ thể con người sinh ra kháng nguyên tự vệ. Điều mà người ta gọi là “miễn dịch cộng đồng”.
Trên thế giới, đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành dữ dội, với số ca lây nhiễm đã gần 67 triệu người và đã có hơn 1,5 triệu người chết. Cuộc đua nghiên cứu, điều chế vaccine ngừa Covid-19 diễn ra vô cùng gấp gáp và cho tới thời điểm này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay số quốc gia, tập đoàn dược phẩm lớn công bố có vaccine.
Như vậy, chúng ta đã tiệm cận với nghiên cứu khoa học y học đỉnh cao của thế giới, trong lĩnh vực nghiên cứu điều chế vaccine ngừa Covid-19. Đây là kết quả hết sức tự hào của Việt Nam, không chỉ hạn chế được lây nhiễm mà còn đóng góp cho thế giới kinh nghiệm cũng như thành tựu khoa học y học.
Tới nay, sau 4 ca lây nhiễm mới Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã không xuất hiện ca lây nhiễm mới ra cộng đồng. Suốt tuần qua, Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khác trong cả nước khẩn trương khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm kiên quyết không để dịch bùng phát trên diện rộng.
Trong nỗ lực ấy, có thể nêu quyết tâm của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh như một điển hình, khi ông khẳng khái nói rằng nếu Hà Nội bị “bung”, bị “toang” với tư cách người đứng đầu chính quyền thủ đô ông sẽ chịu trách nhiệm. Điều đó một lần nữa khơi dậy niềm tin vào sự thành công của cuộc chiến chống Covid-19 mà đất nước đã ròng rã đồng lòng vào cuộc suốt gần cả năm trời.
Hy vọng vào năng lực trí tuệ tuyệt vời của người Việt Nam, chúng ta sẽ sớm có vaccine ngừa Covid-19. Hy vọng và tin tưởng.