Tôn trọng học trò
Một nữ sinh lớp 10 của Trường THPT Vĩnh Xương (TX Tân Châu, An Giang) đã để lại thư tuyệt mệnh và uống thuốc tự tử ngay tại trường, để minh chứng mình không vi phạm như quyết định xử lý của trường. Thật may hiện sức khỏe của em đã ổn định.
Theo thông tin mới nhất, Hiệu trưởng và Hiệu phó Trường THPT Vĩnh Xương đã bị tạm đình chỉ công tác. Sở GDĐT An Giang xác định nhà trường có một số hạn chế, thiếu sót.
Vậy nữ sinh đó đã mắc những lỗi gì? Theo thông báo về việc học sinh vi phạm điều lệ trường THPT năm học 2020-2021, do Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xương ký ngày 27/11, em N.T.N.Y (học lớp 10A4) đã mắc sai phạm: Phản ánh không đúng sự thật; Gây hiểu lầm trong quan hệ nhà trường và gia đình; Gây ảnh hưởng không tốt đến danh dự và uy tín nhà giáo; Sử dụng điện thoại di động để ghi âm giáo viên trong giờ học.
Trường xử lý Y. phải viết kiểm điểm và thực hiện cấm túc hằng ngày trong vòng 2 tuần kể từ ngày 1/12 đến ngày 12/12. Trong quyết định, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xương còn yêu cầu nữ sinh Y. phải có mặt tại trường từ 6h30 đến 6h50 từ thứ 2 đến thứ 7 để các cô của trường luân phiên dạy quy tắc ứng xử đạo đức và tham gia lao động tại trường…
Theo nhận định của Sở GDĐT An Giang, nhà trường đã áp dụng hình thức phê bình, kỷ luật học sinh không đúng với quy định của ngành. Cụ thể, lãnh đạo trường đã nêu họ tên học sinh có vi phạm nội quy trường dưới cờ, làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh. Bên cạnh đó, biện pháp giải quyết, xử lý học sinh vi phạm nội quy nhà trường chưa phù hợp, gây bức xúc đối với phụ huynh và bản thân học sinh.
Vụ việc em Y lấy cái chết để phản đối cách xử lý của nhà trường khiến nhiều người băn khoăn về hình thức xử lý học sinh vi phạm hiện nay. Trước đó, ngay vào đầu năm học 2020- 2021, Bộ GDĐT đã công bố dự thảo thông tư khen thưởng, kỷ luật học sinh thay thế thông tư trước đây, trong đó không còn điều khoản “buộc thôi học” học sinh như trước.
Việc khiển trách, cảnh cáo học sinh trước lớp, trước trường cũng được bỏ. Ngay dịp đầu năm học vừa qua các quy định về khen thưởng, kỷ luật học sinh cũng được đề cập trong Điều lệ trường tiểu học, điều lệ trường THCS, THPT - được xây dựng và ban hành theo tinh thần dự thảo thông tư nói trên.
Theo các chuyên gia giáo dục, trong 30 năm qua, những quy định cũ (tại Thông tư 08) đã bộc lộ nhiều nhược điểm khi chỉ nghiêng về “phạt”, không đặt nặng trách nhiệm giáo dục, đồng hành để học sinh thay đổi. Nhiều học sinh bị đuổi học 1 tuần hoặc 1 năm đã không còn quay lại trường học.
Vậy những học sinh không được đón nhận ấy sẽ đi đâu, về đâu, rất có thể các em sẽ trở thành những nguy cơ cho xã hội nếu không nhận được sự bao dung từ gia đình, nhà trường, bè bạn. Trong khi hiện nay học sinh bị ảnh hưởng rất nhiều từ môi trường sống, từ hoàn cảnh gia đình.
Mà cũng không chỉ riêng tuổi học trò, trong bất kỳ một giai đoạn nào của cuộc sống, mỗi chúng ta đều đối diện với những xung đột tâm lý xã hội xuất phát từ nhu cầu cá nhân mâu thuẫn với nhu cầu xã hội. Một trong số đó có thể giải quyết được, còn một số thì không. Ở những tình huống khó khăn nhất định như trầm cảm, bạo hành thể chất, áp lực gia đình, áp lực nhà trường, ngay cả người lớn cũng có thể kích hoạt suy nghĩ tiêu cực…
Do đó, đổi mới trong phê bình - kỳ luật học sinh cần được triển khai kịp thời, không thể cứng nhắc hoặc áp đặt như cũ mãi. Học trò mong muốn suy nghĩ, cảm xúc và nhu cầu của bản thân được tôn trọng. Những nhà sư phạm lẽ ra phải hiểu hơn ai hết điều này.