Đạo trồng người
Nói về đội ngũ nhà giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, họ là những người thực hiện sứ mệnh cao cả: Trồng người. Mỗi thầy cô là những người ươm mầm non cho tương lai đất nước, bởi vậy không chỉ cần sự hiểu biết và tri thức rộng, mà còn có tấm lòng bao dung, độ lượng đối với học sinh.
Sở GDĐT tỉnh An Giang đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cả hiệu trưởng và hiệu phó Trường THPT Vĩnh Xương vì liên quan đến vụ nữ sinh lớp 10 tự tử bất thành. Theo Sở GDĐT tỉnh An Giang, lãnh đạo THPT Vĩnh Xương đã có hàng loạt vi phạm như: Tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường không đúng với quy định của ngành; có hình thức phê bình, kỷ luật học sinh không đúng với quy định của ngành.
Đó chỉ là một cách nói, thực chất thì các thầy cô giáo THPT Vĩnh Xương đã có hành động “bêu” nữ sinh lớp 10 có vi phạm quy định trước toàn trường trong buổi chào cờ, khiến em này xấu hổ đã phải uống thuốc tự tử, để lại hai bức thư tuyệt mệnh. Lãnh đạo THPT Vĩnh Xương và giáo viên chủ nhiệm lớp khẳng định, nữ sinh lớp 10 đã có vi phạm quy định khi “mặc áo mỏng”, đi xe phân khối lớn và ghi âm cô giáo trên lớp.
Trong số hàng loạt lỗi mà cô giáo chủ nhiệm liệt kê đối với nữ sinh lớp 10, có lẽ chỉ có một lỗi duy nhất là đi xe phân khối lớn, bởi các em chưa đủ tuổi để được cấp bằng lái xe. Còn việc “mặc áo mỏng” hay ghi âm cô giáo trong giờ giảng bài không có gì là sai cả, bởi cả quy chế của Bộ GDĐT và luật pháp đều không có quy định cấm mặc áo mỏng hay cấm ghi âm thầy cô khi giảng bài.
Vẫn biết, dù nhiều lỗi hay chỉ có một lỗi, vi phạm vẫn là vi phạm và cần được uốn nắn, sửa chữa để giúp các em học sinh tiến bộ. Song, cũng không nhất thiết phải nêu tên học sinh vi phạm, nhất là nữ sinh vừa mới bước chân vào môi trường THPT như em Y trước toàn trường. Cũng chính vì quá xấu hổ với bạn bè vì bị “bêu” trong buổi chào cờ nên nữ sinh lớp 10 đã nghĩ quẩn, quyết định vào nhà vệ sinh uống thuốc tự tử.
Tại Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT, mọi hình thức kỷ luật: Phê bình trước lớp, trước trường; cảnh cáo ghi học bạ; buộc thôi học có thời hạn trong trường phổ thông đã được bãi bỏ. Thông tư 26 có hiệu lực thi hành từ ngày 11/10/2020, điều đó có nghĩa cách hành xử của cô giáo chủ nhiệm và lãnh đạo THPT Vĩnh Xương không chỉ vi phạm quy định của Bộ GDĐT, mà còn thiếu hẳn sự bao dung độ lượng cần thiết.
Khoan chưa bàn đến quy định của Bộ GDĐT không cho phép thầy cô giáo và nhà trường “làm nhục” học sinh trước bạn bè, bằng cách bêu tên và lỗi vi phạm trước toàn lớp, toàn trường. Chỉ riêng với cái tâm thì các thầy cô cũng đã cần có sự nhân văn trong cách giáo dục học trò. Chẳng phải mục tiêu cuối cùng là giúp các em mau chóng tiến bộ đó sao, vậy cớ gì lại chọn cách khiến học sinh phản ứng tiêu cực, lợi bất cập hại?
Cách giáo dục “yêu cho roi cho vọt” đã quá lỗi thời, vì thế mỗi thầy cô cần có chuyển biến trong tư duy, nhận thức để có thể hoàn thành sứ mạng “trồng người”. Trồng cái cây đã khó, bởi phải vun gốc, tỉa cành, chăm bón hàng ngày nó mới sống được. Trồng người càng khó hơn rất nhiều, đòi hòi sự tỉ mỉ, công phu, quan trọng hơn là cần sự yêu thương, nhân ái của các thầy cô đối với các em học sinh.
Tôi nhớ thời còn ngồi trên ghế phổ thông, lúc đó chưa hề có quy định “cấm” nào đối với thầy cô và nhà trường trong việc kỷ luật học sinh. Các thầy cô và BGH nhà trường có thể nghĩ ra mọi cách để trừng phạt học sinh “cá biệt”. Ấy thế nhưng có nhiều học sinh cá biệt đã tiến bộ khi được thầy cô giáo chủ nhiệm gần gũi, tâm sự, chia sẻ. Trái lại, hầu hết chúng càng quậy phá, “hư” hơn vì bị áp dụng các hình thức kỷ luật hà khắc.
Kể ra “câu chuyện xưa” để chứng minh rằng, sự nhân ái, bao dung, độ lượng của các thầy cô có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc giáo dục học trò. Nếu các thầy cô chỉ nhăm nhăm trừng phạt học sinh, thậm chí soi mói, trù dập các em chỉ vì những lý do vớ vẩn như không chịu đến học thêm, không nộp tiền đi dã ngoại... thì kết quả nhận được chỉ là sự ngỗ ngược của học trò, thậm chí còn nhận trái đắng là mất hết danh tiếng, sự nghiệp.
Nghề giáo là một nghề cao quý khi được giao trọng trách “trồng người”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Dân tộc Việt Nam có trở nên vẻ vang, sánh vai các cường quốc năm châu được hay không đều trông vào các mầm non tương lai là các em học sinh. Vì thế, mỗi giáo viên trong công cuộc trồng người không chỉ cần kiến thức chuyên môn vững vàng, hiểu sâu biết rộng, mà còn cần có tâm hồn khoáng đạt, vị tha, nhân ái, bao dung.
Nếu người giáo viên không có được phẩm hạnh ấy, tốt nhất là tự xin nghỉ, chuyển nghề khác, vừa đỡ khổ cho bản thân, lại không làm hỏng các thế hệ học trò. Đừng để đến mức không những không nhận được sự tôn trọng cần thiết của học sinh, còn bị cơ quan quản lý nhà nước buộc phải cho “mất dạy”, vì những vi phạm quy định của ngành, quan trọng hơn là vi phạm đạo đức nhà giáo. Đạo trồng người cần cả cái tâm và cái tầm!